Theo dõi trên

Giải pháp nào thu hồi tiền đầu tư ứng trước?

28/08/2017, 09:49

BT- Chính sách đầu tư ứng trước giống, vật tư hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) ở miền núi, vùng cao góp phần thay đổi diện mạo đời sống của đồng bào vùng cao ở Hàm Thuận Bắc. Tuy nhiên, những năm gần đây, hàng trăm hộ ĐBDTTS ở xã Đông Giang, La Dạ chưa trả nợ đầu tư ứng trước chonhà nước với số tiền gần 1,8 tỷ đồng.

Triển khai chính sách đầu tư ứng trước của tỉnh, thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ miền núi đã chủ động phối hợp với các ban, ngành liên quan mở nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật và tổ chức hợp đồng đầu tư, cung ứng trước giống, vật tư cho ĐBDTTS sản xuất. Đến thời điểm thu hoạch, trung tâm thu mua lại toàn bộ sản phẩm, bảo đảm giá và ổn định đầu ra cho các hộ sản xuất. Nhờ đó, hạn chế tình trạng tư thương cho vay nặng lãi, ép giá, tạo được môi trường cạnh tranh lành mạnh, từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung cho giá trị kinh tế cao… Nhờ vậy mà cuộc sống của đồng bào các xã vùng cao được cải thiện rõ rệt.

Tuy nhiên, những năm gần đây, hàng trăm hộ ĐBDTTS của xã La Dạ và Đông Giang nợ tiền đầu tư ứng trước để sản xuất bắp lai, cao su, cây ăn trái và nuôi bò lên đến gần 1,8 tỷ đồng. Thời điểm này, Trung tâm Dịch vụ miền núi vẫn đang loay hoay tìm giải pháp hữu hiệu để thu hồi số tiền đồng bào đã ứng từ năm 2016 trở về trước.

Ông B’Rông Sinh ở xã La Dạ là một trong những hộ được trung tâm đầu tư ứng trước để sản xuất bắp lai. Đã hơn 10 năm qua, 17 triệu đồng tiền nợ đầu tư ứng trước làm bắp lai ông vẫn chưa trả cho nhà nước do bắp lai thất thu, mất mùa liên tiếp. Hiện tại, ông đã chuyển sang trồng thêm điều và cao su. Nếu những năm sau giá mủ cao su tăng, có lãi, ông sẽ trả chonhà nước. Cũng theo ông Sinh, có nhiều hộ dân ở La Dạ dù nhà có tiền nhưng chây ì, không chịu trả tiền đầu tư ứng trước cho nhà nước. Số tiền đó họ để dành xây nhà hoặc mua bò, đầu tư làm ăn thêm.

Ông Xiêm Miên – Phó Chủ tịch UBND xã La Dạ cho biết: Trên địa bàn xã hiện có 66 hộ nợ tiền ứng trước chăm sóc cao su và 156 hộ khác nợ tiền ứng trước bắp lai. Thời gian qua, chính quyền xã liên tục nhắc nhở bà con phải tranh thủ trả nợ chonhà nước, khi thu hoạch cao su nên bán cho Trung tâm Dịch vụ miền núi để trả nợ dần. Nhưng hiện nay, có nhiều hộ lại bán cho thương lái vì giá có nhích hơn chút đỉnh so với giá mua của trung tâm, mặt khác là khỏi bị trừ nợ.

Theo ông Miên, đồng bào chưa trả hết nợ có nhiều nguyên nhân, do bắp lai liên tục mất mùa, mủ cao su giảm giá hoặc nhiều hộ già cả mất sức lao động, con cái chưa trả kịp. Bên cạnh đó cũng có nhiều hộ có điều kiện tốt, đủ trả xong nợ nhưng vì do họ muốn đầu tư kinh doanh thêm hoặc dùng làm việc riêng của gia đình. Cá biệt có một số hộ dân vẫn chưa hình thành ý thức có nợ thì phải trả. Do đó, thời gian tới, thông qua các cuộc họp ban ngành đoàn thể, xã sẽ tiếp tục nhắc nhở, tuyên truyền đến các gia đình có nợ đầu tư ứng trước hoặc nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội phải tranh thủ các nguồn thu để trả dần dần, thu ít trả ít, được bao nhiêu hay bấy nhiêu...

Ông Nguyễn Văn Chi – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ miền núi tỉnh cho biết: Thời gian qua, công tác thu hồi nợ cũ từ năm 2016 trở về trước chưa đạt yêu cầu. Ngoài nguyên nhân khách quan do hộ dân không có nguồn thu và có nhưng không tự nguyện trả theo cam kết, nguyên nhân chủ quan do cán bộ địa bàn chưa thường xuyên đôn đốc, các cửa hàng đại lý chưa thật sự quan tâm trong việc thu hồi nợ cũ của hộ dân. Thời điểm này, trung tâm đang phối hợp với các cấp chính quyền rà soát kỹ các hộ dân nợ thuộc diện nào để có giải pháp phù hợp. Đồng thời, thông báo số tiền các hộ đồng bào còn nợ. Nếu hộ nào thu hoạch không đủ trả nợ thì phải sử dụng nguồn thu nhập khác như quản lý bảo vệ rừng hoặc chăn nuôi để trả. Hoặc bị nắng hạn, mất mùa, không có nguồn thu để trả, trung tâm sẽ tiếp tục cho đồng bào ứng trước đầu tư để thu hồi nợ. Đồng thời, trung tâm sẽ đề nghị Ban Dân tộc xem xét kiến nghị các ngành chức năng cho xóa nợ đối với những hộ dân còn nợ tiền đầu tư ứng trước từ năm 2016 trở về trước đối với chủ hộ đã chết không có người thừa kế hoặc đã bỏ đi nơi khác nhưng không rõ địa chỉ.

    
    Thống kê của Trung   tâm Dịch vụ miền núi tỉnh, tại xã La Dạ và Đông Giang (huyện Hàm Thuận   Bắc), tính đến ngày 31/12/2016, tổng số tiền nợ đầu tư ứng trước là   1,792 tỷ đồng. Trong đó, xã La Dạ nợ hơn 1,223 tỷ đồng tiền đầu tư ứng   trước. Cụ thể, bắp lai trên 820 triệu đồng; cây ăn trái 2,3 triệu đồng;   cao su giống 1592 trên 55 triệu đồng, cao su khai thác trên 345 triệu   đồng. Xã Đông Giang nợ hơn 568 triệu đồng, trong đó, nợ đầu tư bắp lai   hơn 263 triệu đồng, bò vay 123,7 triệu đồng, đầu tư cao su khai thác   181,6 triệu đồng…

THU HÀ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Cử tri xã Phan Điền:
Kiến nghị các vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số
BTO-Chiều 23/12, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bình Thuận ông Lê Quang Huy - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; ông Nguyễn Hữu Thông, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đã có buổi tiếp xúc cử tri tại xã Phan Điền (Bắc Bình), thông báo kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan, lãnh đạo huyện Bắc Bình và xã Phan Điền.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giải pháp nào thu hồi tiền đầu tư ứng trước?