Theo dõi trên

Giải quyết khiếu nại tố cáo:  “Siết”  trách nhiệm người đứng đầu

25/02/2019, 09:04

BT- Có thể nói tình trạng khiếu nại, tố cáo (KNTC) diễn ra trong những năm gần đây ở nhiều địa phương làm đau đầu các cấp chính quyền. Khi xã hội ngày càng mở rộng dân chủ, dân trí nâng cao thì KNTC ngày càng thêm phần rối rắm, khó lường. Tuy chưa có một nghiên cứu khoa học nào lý giải vì sao KNTC liên tiếp xảy ra tại nhiều tỉnh, thành và lĩnh vực “nóng” nhất hiện là đất đai, tài nguyên, môi trường bị xâm hại mà đối tượng chính là các nhà quản lý. Diễn giải của các đại biểu Quốc hội tại các diễn đàn thì cho rằng quyền lợi của người dân bị xâm phạm, tài sản quốc gia bị thất thoát, cán bộ quản lý thờ ơ, vô cảm nên làm gia tăng KNTC.

Tại tỉnh ta, Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XII) đã ban hành Chỉ thị 53 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết KNTC. Sau gần 5 năm thực hiện Chỉ thị 53, nhất là 2 năm gần đây các cấp chính quyền trong tỉnh đã cụ thể hóa bằng nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo công tác vốn rất “nhạy cảm” và dễ phát sinh thành điểm nóng về trật tự xã hội. Năm nào cũng vậy, từ đầu năm, UBND tỉnh, các sở ngành, huyện, thị, thành phố đều chú ý đến việc tiếp công dân bằng những quy định cụ thể được thông báo công khai tại nơi trụ sở và trên trang web của các cơ quan, đơn vị. Như vậy, có thể thấy trách nhiệm người của người đứng đầu không thể thoái thác việc tiếp công dân và giải quyết KNTC. Ngoài việc kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân ở cơ sở thì việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ này cũng được chú ý hơn. Năm qua, có 195 công chức làm nhiệm vụ tiếp công dân được tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng xử lý đơn thư, giải quyết KNTC. Nhờ vậy mà trong năm 2018, việc tiếp công dân, giải quyết KNTC đã dần đi vào nề nếp, giải quyết đơn thư KNTC đúng quy định pháp luật; tỷ lệ giải quyết đơn thư, khiếu nại mới phát sinh đạt 92,5%, vượt 7,51% kế hoạch. Thật ra những người làm công tác này không phải lấy con số làm chỉ tiêu phấn đấu, cái quan trọng nhất là tuyên truyền, giải thích, đối thoại và cách vận dụng pháp luật để người dân hiểu, thực hiện là mục tiêu lớn hơn. Qua giải quyết đơn thư, khiếu nại đã khôi phục quyền lợi hợp pháp cho công dân và xử lý những đối tượng vi phạm.

Hiện tỉnh ta đang triển khai nhiều dự án về chỉnh trang đô thị, thương mại và du lịch nên việc thu hồi đất, giải tỏa đền bù sẽ ảnh hưởng đến các hộ dân. Điều quan trọng nhất là những chính sách đưa ra cần tính toán cụ thể, vì lợi ích của dân mà tổ chức thực hiện cho đầy đủ. Thực tế ở tỉnh ta, có rất nhiều người dân đã tình nguyện hiến hàng trăm, hàng ngàn mét vuông đất cho Nhà nước trong thực hiện các dự án liên quan đến dân sinh - xã hội, họ nào có nề hà gì vì cùng góp sức cho cộng đồng cùng hưởng lợi. Ngược lại nếu khi quyền lợi hợp pháp bị xâm phạm, không thỏa đáng người dân sẽ bất hợp tác, sẽ dẫn đến việc KNTC, làm ảnh hưởng đến an ninh  chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trong khi đó các thế lực thù địch luôn chờ đợi những cơ hội này để kích động, lôi kéo người dân gửi đơn thư khiếu nại vượt cấp, khiến vụ việc trở nên phức tạp, gây bất ổn tình hình tại địa phương.

Để giảm những vụ việc KNTC, thiết nghĩ công tác tuyên truyền phải đi trước một bước để tìm sự đồng thuận từ phía người dân. Đối thoại với dân cũng là một kênh khá hiệu quả trong giải quyết KNTC, năm rồi lãnh đạo tỉnh ta đã làm khá tốt vấn đề này. Bởi vậy, lãnh đạo các đơn vị, cơ quan, huyện, thị , thành có thể tham chiếu để vận dụng ở địa bàn mình quản lý để góp phần giải quyết tốt tình trạng KNTC. Các cơ quan liên đới cùng có trách nhiệm giải quyết KNTC cần phối hợp chặt chẽ trong thụ lý, giải quyết mà người đứng đầu là nhân tố quyết định. Điều này như khẳng định của lãnh đạo tỉnh trong việc thanh tra trách nhiệm người đứng đầu trong giải quyết KNTC.

Như Nguyễn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giải quyết khiếu nại tố cáo:  “Siết”  trách nhiệm người đứng đầu