Thực hiện Đề án 258, 5 năm qua các bộ, ngành trung ương, địa phương quan tâm hoàn thiện thể chế về giám định tư pháp (GĐTP). Củng cố, hoàn thiện hệ thống tổ chức, tăng cường cơ sở vật chất phục vụ công tác GĐTP, phát triển đội ngũ GĐTP. Toàn quốc có 6.154 giám định viên tư pháp; 1.630 người giám định trong các lĩnh vực xây dựng, tài chính, ngân hàng, tài nguyên - môi trường, giao thông - vận tải. 61/63 tỉnh, thành phố đã thành lập Trung tâm Giám định pháp y; Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an các tỉnh, thành phố được quan tâm bổ sung biên chế, trang thiết bị, bồi dưỡng nghiệp vụ. Hoạt động giám định trong 3 lĩnh vực: Pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự đáp ứng yêu cầu thực tiễn về GĐTP, đã cung cấp chứng cứ chính xác, khách quan, khoa học tạo tiền đề để các cơ quan tố tụng giải quyết các vụ việc, vụ án chính xác, đúng pháp luật…
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện các nội dung Đề án 258, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị liên quan trong thực hiện Đề án, coi đây là nhiệm vụ quan trọng thực hiện chiến lược cải cách tư pháp. Bộ Tư pháp chủ trì hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, quy định, quy trình GĐTP. Quan tâm củng cố số lượng, chất lượng đội ngũ giám định viên tư pháp, người giám định trong các lĩnh vực xây dựng, tài chính, ngân hàng, tài nguyên - môi trường, giao thông - vận tải. Đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác GĐTP... Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác GĐTP, cung cấp chứng cứ, tài liệu chính xác, khách quan, khoa học phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử của cơ quan tố tụng, đặc biệt là là công tác điều tra, xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng.
Nhân dịp này, Bộ Tư pháp công bố quyết định tặng Bằng khen cho 38 tập thể, 36 cá nhân có thành tích xuất sắc thực hiện Đề án 258.
T.H