Theo dõi trên

Giảm nghèo bền vững ở Hàm Thuận Nam: Tác động tích cực từ tín dụng chính sách xã hội

08/08/2024, 09:35

BTO-Thực tế cho thấy, nhờ nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên toàn huyện mà nhất là các địa bàn còn khó khăn hoặc vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

Đáp ứng nhu cầu

Tại Hàm Thuận Nam, hiện nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã đầu tư đến 100% xã - thị trấn, nhờ đó đảm bảo hộ nghèo hoặc đối tượng có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận vốn tín dụng chính sách và các dịch vụ do Ngân hàng Chính sách xã hội cung cấp. Thời gian qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cũng tích cực phối hợp các phòng ban, đơn vị, tổ chức chính trị xã hội và chính quyền địa phương thực hiện tốt chương trình tín dụng đến người dân. Đặc biệt là những chính sách tín dụng dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho bà con có nguồn vốn đáp ứng nhu cầu thiết yếu về nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề, đầu tư các mô hình sản xuất - kinh doanh hiệu quả… hướng đến giảm nghèo bền vững.

z5579116322067_e14a5e294d78f7425853d357a5a810bd.jpg
Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân trên địa bàn huyện...

Đại diện lãnh đạo Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hàm Thuận Nam cho biết trong 5 năm gần đây (từ 2019 - 2024), đơn vị đã tập trung nguồn lực đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo cũng như các đối tượng chính sách khác. Các chương trình tín dụng chính sách được tổ chức thực hiện có hiệu quả, trong đó tập trung ưu tiên đối với vùng đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu xa, vùng đặc biệt khó khăn và đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số… Thông qua triển khai nhiều chương trình tín dụng, Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay gần 86.000 lượt khách hàng vay vốn với tổng doanh số cho vay hơn 1.000 tỷ đồng.

Đến nay tại địa phương, vốn tín dụng chính sách xã hội được đầu tư cho phát triển sản xuất, tạo sinh kế, việc làm…, đồng thời tập trung chủ yếu vào 9 chương trình tín dụng lớn (chiếm gần 98% tổng dư nợ). Có thể kể đến: Chương trình cho vay hộ nghèo; Cho vay hộ cận nghèo; Cho vay hộ mới thoát nghèo; Cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; Cho vay giải quyết việc làm; Cho vay theo các chương trình, chính sách về đồng bào dân tộc và miền núi... Cùng với việc tăng trưởng quy mô tín, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng chủ động phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền địa phương triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ một số giải pháp nhằm củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng.

Tác động tích cực

Tín dụng chính sách xã hội được xem là công cụ, giải pháp quan trọng của Đảng - Nhà nước trong thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đối với chính sách tín dụng ưu đãi dành cho đồng bào tộc thiểu số cũng được ban hành với mục tiêu rõ ràng, cơ bản phù hợp đặc điểm kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ… Tính riêng địa bàn Hàm Thuận Nam, đến giữa năm 2024 có hơn 1.170 khách hàng là hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn dư nợ tại Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với tổng dư nợ cho vay đạt gần 80 tỷ đồng (chiếm 17,2% tổng dư nợ của đơn vị).

vuon-xoai-o-ham-can-anh-n.-lan-1-.jpg
 
trong-bap-lai-o-xa-ham-can-anh-n.-lan-1-.jpg
 
vuon-thah-long-o-xa-my-thanh-anh-n.-lan-.jpg
... Qua đó góp phần tạo điều kiện cho bà con vùng đồng bào dân tộc và miền núi huyện Hàm Thuận Nam đầu tư sản xuất nông nghiệp (Ảnh minh họa của Ngọc Lân).

Theo Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hàm Thuận Nam thì những năm qua, hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội trên địa bàn... Thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng bảo đảm việc chỉ đạo chuyên môn, nghiệp vụ và phối hợp với chính quyền, các hội - đoàn thể trong triển khai thực hiện chính sách tín dụng để huy động sức mạnh tổng hợp tham gia xóa đói, giảm nghèo. Từ đó chung sức thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần tạo nét chuyển biến khởi sắc cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác tín dụng, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hàm Thuận Nam sẽ tích cực huy động nguồn vốn và đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng theo chỉ tiêu kế hoạch được giao. Bên cạnh đó quan tâm rà soát, đánh giá việc triển khai chương trình cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm điều chỉnh kịp thời về đối tượng thụ hưởng, mức vay, thời hạn vay, lãi suất vay cho phù hợp tình hình thực tiễn. Liên quan vấn đề này, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cũng đề nghị địa phương đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, khuyến công, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm để tiếp tục nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội… Với các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn huyện thì tăng cường phổ biến, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến người dân. Cùng với đó phối hợp cơ quan chức năng lồng ghép có hiệu quả việc cho vay vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cũng như hướng dẫn cách làm ăn, đào tạo nghề, xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững tại Hàm Thuận Nam.

Box:

Theo Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hàm Thuận Nam, việc quản lý và sử dụng tiền vay của các hộ hầu hết đều đúng mục đích cũng như trả nợ đúng hạn. Nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng dân tộc thiểu số đã sửa sang, nâng cấp được nhà ở, ổn định đời sống, đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, dịch vụ và từng bước vươn lên thoát nghèo…

QUỐC TÍN


(0) Bình luận
Bài liên quan
La Gi: Xây dựng nền hành chính hiện đại phục vụ người dân
Xác định vai trò, tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu để phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn khi đến liên hệ, giao dịch hành chính.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giảm nghèo bền vững ở Hàm Thuận Nam: Tác động tích cực từ tín dụng chính sách xã hội