Theo dõi trên

Giãn cách xã hội - thời cơ để lập lại trật tự đô thị?

31/08/2021, 13:41

BT- Nhiều điểm nóng lấn chiếm lòng, lề đường trên địa bàn thành phố trở nên thông thoáng, an toàn giao thông vào những ngày giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19.  Không ít ý kiến người dân cho rằng đây là cơ hội để lập lại trật tự đô thị.

Đường sá thông thoáng mỹ quan giữa giãn cách xã hội.

Nguyện vọng của người dân

Tuy có ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân, nhưng dịch Covid-19 cho góc nhìn mới về diện mạo, môi trường sống của thành phố. Các điểm nóng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường được thông thoáng, mỹ quan, an toàn, sạch đẹp trong thời gian giãn cách xã hội. Điều mà lâu nay các cấp, ngành cũng như người dân mong ước nhưng chưa làm được. Điển hình là vài điểm nóng ở Phan Thiết trước đây như: đường Lê Hồng Phong, Lê Văn Phấn, Triệu Quang Phục (đoạn chùa Bà), Ngư Ông (đoạn chợ Cẩm Xìn)... giờ đã thông thoáng hơn rất nhiều. Không còn cảnh người buôn bán lấn chiếm, tiểu thương bỏ chợ ra đường buôn bán. Chợ mới Phú Thủy được xây dựng khang trang, sạch đẹp với tổng kinh phí 11 tỷ đồng cách đây 6 năm là minh chứng. Tiểu thương không vào chợ buôn bán mà ra đường Lê Văn Phấn bày bán gây ách tắc giao thông, dù UBND phường Phú Thủy đã vận động người dân vào chợ bán. Tương tự, điểm nóng đường Lê Hồng Phong, nơi có nhiều trụ sở làm việc, trường học, quán ăn... luôn trong tình trạng ách tắc giao thông nay cũng sạch đẹp, thông thoáng.

Ông Nguyễn Hiền –  sống gần chợ Phường, đường Lê Hồng Phong cho biết: “Trước khi giãn cách xã hội, mỗi khi đi làm việc trở về phải bóp còi inh ỏi xin đường, hiện nay thì thoải mái. Theo ông, “một công đôi chuyện” tiện giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19, ngành chức năng nên lập lại trật tự việc buôn bán lấn chiếm ở đây”. Không riêng những người sinh sống ở điểm nóng lấn chiếm mà những tiểu thương buôn bán trong chợ cũng ủng hộ. Bởi họ phải đóng thuế cho Nhà nước hàng năm, nhưng không thể kinh doanh hiệu quả vì người tiêu dùng tiện đâu mua đó không vào chợ. “Thói quen của người dân mình tiện đâu mua đó tạo ra “đội ngũ” bán hàng rong lấn chiếm lòng lề đường. Họ “hớt tay trên” của chúng tôi, thử hỏi ngồi trong chợ bán cho ai, lấy tiền đâu đóng thuế, trả tiền vay mượn, thuê kiốt... Tôi nghĩ đây là cơ hội để ngành chức năng dẹp vấn nạn này”, bà Nguyễn Thu Dung – một tiểu thương ở chợ Phan Thiết chia sẻ.

 Cần xem xét

Nguyện vọng của người dân là chính đáng, nhưng xét ở góc độ ảnh hưởng của đại dịch đến cuộc sống của người dân, nhất là tầng lớp lao động nghèo thì khó. Thế nên, ngành chức năng cần nghiên cứu có giải pháp để thuận cả đôi đường. Vì việc “xóa bỏ” vấn nạn lấn chiếm vỉa hè cũng rất cần thiết liên quan đến 4 không: không tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, không lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, không mất công bằng trong kinh doanh ở các chợ, không mất vệ sinh môi trường. Và cái chính là thành phố du lịch biển được xanh, sạch, văn minh, hiện đại. Đây cũng là mong muốn của các xã, phường để không bị áp lực căng mình đẩy đuổi lấn chiếm vỉa hè như trong nhiều năm qua. 

Lê Ninh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giãn cách xã hội - thời cơ để lập lại trật tự đô thị?