Ảnh minh họa |
Thực tế những năm qua cho thấy đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục còn bất cập về chất lượng, số lượng, một bộ phận chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục. Vì thế, đi đôi với đổi mới đào tạo cần phải đổi mới hoạt động bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý theo cách tiếp cận năng lực. Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là nhân tố quyết định không chỉ với chất lượng giáo dục trong nhà trường mà còn ảnh hưởng quan trọng đến năng lực, phẩm chất trong cả cuộc đời mỗi con người. Nhà giáo phải có chuyên môn, nghiệp vụ cao, có phẩm chất đạo đức tốt.
Năm học 2017 - 2018, ngành giáo dục tiếp tục tăng cường nề nếp kỷ cương, nâng cao chất lượng giáo dục với tinh thần “quyết tâm xây dựng hình ảnh của ngành giáo dục trước nhân dân, từng bước tạo niềm tin trong phụ huynh học sinh và toàn xã hội”. Mặc dù ngành giáo dục đã có nhiều chuyển biến, nhưng những gì xảy ra trong ngành giáo dục thời gian gần đây cho thấy trách nhiệm của ngành giáo dục cũng như toàn xã hội trong việc khắc phục những “lổ hổng” trong nền giáo dục hiện nay. Vụ phụ huynh bắt cô giáo quỳ ở Long An, vụ học sinh bóp cổ cô giáo trong giờ học ở Bến Tre, rồi vụ Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Mây - xã Vụ Bổn - Krông Pắk - Đak Lak lừa tiền chạy việc cho giáo viên vào biên chế. Và mới đây nhất sáng 14/3, đối tượng Nguyễn Văn Đoàn (trú tại xã Tân Thành, là anh trai của học sinh Nguyễn Văn Phong, lớp 9D, Trường THCS Tân Thành - Yên Thành - Nghệ An) cùng một thanh niên khác tên là Hoàng Văn Đề đến trường để gặp thầy Thủy, vì trước đó thầy Thủy đã tát Phong do học sinh này đã đốt giấy trong giờ học. Đoàn khi được thầy Thủy mời vào phòng làm việc để bàn về hướng phối hợp giáo dục thì bất ngờ Đoàn đã ra tay đánh vào mặt, mũi khiến thầy Thủy gục xuống tại chỗ…
Nguyên nhân để xảy ra những tiêu cực trong ngành giáo dục, theo một hiệu trưởng đã nghỉ hưu cho rằng, do việc phân định giữa quản lý nhà nước với hoạt động quản trị trong các cơ sở giáo dục, đào tạo chưa rõ. Công tác quản lý chất lượng, thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa được coi trọng đúng mức. Sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và gia đình chưa chặt chẽ… Thực tế cho thấy đơn vị trường học nào có công tác quản lý tốt thì ở đó chất lượng giáo dục tốt. Được sự chấp thuận của Bộ Giáo dục và Đào tạo và UBND tỉnh, sắp tới Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận phối hợp với Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học “Nâng cao năng lực quản trị nhà trường trong bối cảnh mới”.
Nội dung hội thảo tập trung vào 5 vấn đề: Làm rõ cơ sở lý luận về quản trị nhà trường và năng lực quản trị nhà trường (năng lực quản trị con người, năng lực quản trị tổ chức, năng lực quản lý sự thay đổi...). Phân tích, đánh giá thực trạng công tác quản trị trường học ở các địa phương trong những năm qua. Đánh giá những khó khăn, thuận lợi và bài học kinh nghiệm trong công tác quản trị trường học. Đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực quản trị trường học trong bối cảnh mới. Giới thiệu các mô hình tiên tiến ở trong và ngoài nước về quản trị trường học.
Hy vọng hội thảo sẽ có nhiều tham luận chất lượng, sát với thực tiễn của ngành giáo dục Việt Nam hiện nay nhằm đáp ứng mục tiêu đề ra về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”.
Quang Tuấn