Vài năm gần đây, nhất là từ khi có các chuyến tàu cao tốc từ Phan Thiết ra đảo, lượng du khách đến Phú Quý ngày càng tăng năm sau cao hơn năm trước: Năm 2016 có 7.000 lượt khách, năm 2017 có 16.600 lượt khách, năm 2018 có 19.500 lượt khách. Doanh thu từ du lịch 3 năm qua đạt hàng trăm tỷ đồng. Hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở dịch vụ du lịch bước đầu phát triển tạo công ăn việc làm, thu nhập và sinh kế ổn định cho hàng ngàn người dân huyện đảo.
Dịp lễ Giỗ tổ Hùng Vương vừa qua, Phú Quý cũng đón trên 2.000 lượt khách. Trước lễ cả tháng vé tàu cao tốc ra đảo đã bán hết sạch, nhiều nhà nghỉ, khách sạn cũng “cháy phòng”. Thời tiết nắng nóng, cộng với kỳ nghỉ lễ dài ngày tới, dự kiến lượng du khách đến đảo khám phá, du lịch sẽ còn tăng mạnh trong lễ 30/4 này.
Nhưng bên cạnh niềm vui du lịch đảo khởi sắc, báo chí đã lên tiếng cảnh báo những hiện tượng đáng lo ngại cho môi trường sinh thái “đảo ngọc hoang sơ” này. Đó là các thắng cảnh nổi tiếng như: núi Cao Cát, vịnh Triều Dương, Mộ Thầy, Cột Cờ... bị ô nhiễm vì rác thải du khách để lại. Rất nhiều loại rác thải nhựa không phân hủy được vương vãi trên bãi biển vốn hoang sơ, trong lành này.
Những lồng bè nuôi cá trên biển kết hợp làm du lịch ở Lạch Dù - Tam Thanh là một “đặc sản” ở Phú Quý mà du khách không thể bỏ qua. Nhưng đa số lồng bè nuôi cá kết hợp làm du lịch tự phát này chưa có nhà vệ sinh đạt chuẩn, nên du khách “xả” trực tiếp ra biển làm ô nhiễm môi trường.
Chưa hết, tình trạng du khách bẻ san hô ở đảo đem về vẫn tái diễn, hình ảnh những bịch san hô mà du khách đem lên tàu trở về đất liền khiến dư luận bất bình.
Nhiều người nói rằng cảnh đẹp Phú Quý không chỉ trên những ngọn núi, trên mặt biển, hay trên những bãi cát dài, mà còn có ở dưới lòng biển nữa. Nước biển xanh trong vắt, mắt thường có thể nhìn thấy đáy, nên đến Phú Quý mà không lặn biển để ngắm san hô là một thiếu sót. Thảm san hô ở Phú Quý như một “kho báu” vô cùng phong phú, những cây san hô muôn vạn hình dạng, màu sắc dưới đáy biển khiến du khách rất thích thú khám phá.
Tuy nhiên, một số du khách thiếu ý thức thấy san hô đẹp đã hồn nhiên bẻ đem về, lại còn khoe lên mạng như một “chiến lợi phẩm” của chuyến đi. Các rạn san hô có vai trò quan trọng trong hệ sinh thái biển, nhiều điểm du lịch biển nổi tiếng trên thế giới sau một thời gian phát triển “nóng”, nay đang phải bỏ ra rất nhiều tiền, thời gian và công sức, để phục hồi tái tạo lại các rạn san hô. Phú Quý cần có biện pháp bảo vệ các rạn san hô của mình ngay từ bây giờ.
Vài năm nữa, khi có đường cao tốc, đường hàng không đến Phan Thiết, chắc chắn lượng du khách đến Phú Quý còn tăng gấp bội, nguồn lợi du lịch đem lại cho đảo còn tăng lên, sức ép lên môi trường sinh thái đảo cũng tăng theo. Theo quy hoạch, mục tiêu tỉnh Bình Thuận đặt ra đến năm 2025, đảo Phú Quý sẽ đón khoảng 45.000 du khách trong và ngoài nước. Phú Quý sẽ khai thác bền vững các thế mạnh về tài nguyên sinh thái biển đảo để tạo nên thương hiệu du lịch đặc trưng của mình.
Những ai yêu quý đảo nhỏ quê hương này đều có mong muốn Phú Quý sẽ không bị “bê-tông hóa”, môi trường tự nhiên, môi trường xã hội không bị ô nhiễm, xuống cấp trước làn sóng du lịch đang tràn tới.
Đặng Dũng