Trường tiểu học Xuân An (TP. Phan Thiết) vừa tổ chức ngày hội Stem với chủ đề “Chào năm mới – Giữ gìn truyền thống, văn hóa dân tộc”. Ngay từ sớm, sân trường nhộn nhịp khi giáo viên và học sinh tất bật chuẩn bị các đồ dùng để tạo ra các sản phẩm để trang trí không gian văn hóa ngày tết. Điều đáng chú ý, các nguyên liệu được học sinh thực hiện đã qua sử dụng, rẻ tiền, thân thiện với môi trường. Dưới bàn tay khéo léo, sự sáng tạo của các em cùng với sự trợ giúp của giáo viên, nhiều không gian văn hóa tết được tái hiện tạo nên không khí vui tươi, mang đậm truyền thống, văn hóa tết cổ truyền dân tộc Việt Nam. Cô Hàn Thị Bích Hiền - Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Xuân An cho biết: “Hàng năm, mỗi dịp tết đến, xuân về, trường tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm tạo sân chơi bổ ích cho học sinh và giúp các em hiểu biết về văn hóa ngày tết cổ truyền của dân tộc. Đây là năm đầu tiên nhà trường tổ chức ngày hội Stem với chủ đề “Chào năm mới – Giữ gìn truyền thống, văn hóa dân tộc”. Ngày hội đã tạo sân chơi khoa học, bổ ích, lý thú, khơi dậy niềm đam mê sáng tạo khoa học, công nghệ, góp phần nâng cao tinh thần hợp tác và các kỹ năng sống theo định hướng phát triển năng lực - kỹ năng cho học sinh. Đồng thời, giúp học sinh gìn giữ, phát huy tốt hơn những giá trị quý báu trong tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam”.
Còn tại Trường tiểu học Mỹ Thạnh (huyện Hàm Thuận Nam), nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm Ngày Tết quê em. Các em được tham gia nấu cơm lam, gói bánh chưng, bánh tét ngày tết. Ngoài ra, các em được chơi các trò chơi, ẩm thực, cắt tóc, giao lưu văn nghệ... Những hoạt động bổ ích, ý nghĩa trên đã mang không khí tết ấm áp đến với các em vùng dân tộc thiểu số, giúp các em mạnh dạn, tự tin, phát triển ngôn ngữ tiếng Việt đáp ứng chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và thực hiện có hiệu quả đề án tăng cường tiếng Việt cho học sinh vùng dân tộc thiểu số. Đồng thời, được trải nghiệm những hoạt động phong phú và sinh động, ngày tết trong mắt các em sẽ đẹp hơn, thiêng liêng hơn và cũng đầy ý nghĩa.
Nhìn chung, việc giáo dục truyền thống tết cổ truyền của dân tộc đến học sinh được nhiều trường học trong tỉnh linh hoạt lồng ghép vào các môn học hay hoạt động ngoại khóa trong nhà trường. Trong đó, nổi bật với những hoạt động tái hiện lại không gian, phong tục và không khí ngày tết cổ truyền như gói bánh chưng, tổ chức các trò chơi dân gian, tái hiện phiên chợ quê ngày tết… Ngoài ra, các trường còn trang trí khuôn viên, lớp học mang sắc xuân. Đặc biệt, nhằm lan tỏa, giáo dục cho thiếu nhi về đạo lý, truyền thống tốt đẹp “Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rách”, cùng với các hoạt động trải nghiệm, nhiều trường học còn tổ chức các chương trình thiện nguyện ý nghĩa, trao quà tết tặng học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn với mong muốn chung tay mang đến cho cộng đồng một cái tết đủ đầy, đầm ấm.
Tết Nguyên đán Ất Tỵ gần kề, không khí xuân trở nên rộn ràng hơn bao giờ hết. Việc đa dạng hóa các hình thức, nội dung giáo dục về chủ đề tết cổ truyền của dân tộc đã và đang được các trường học trong tỉnh triển khai một cách phù hợp, linh hoạt. Các hoạt động trải nghiệm này đã tạo ra một sân chơi lành mạnh và có ý nghĩa giáo dục cho học sinh, thu hút các em tham gia vào các hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm sáng tạo bổ ích. Đồng thời, giúp các em hiểu biết thêm về tết cổ truyền và yêu hơn những nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương, dân tộc.