Theo dõi trên

Giữ gìn và phát huy giá trị di tích đình làng

07/09/2020, 14:28

Bài 1: Mở hướng cho ngành du lịch

BT- Cho dù xã hội ngày càng phát triển, đời sống công nghệ dần thay thế, nhưng hình ảnh của những mái đình, mái chùa cổ kính, rêu phong vẫn sẽ mãi là biểu tượng thân thuộc của người con đất Việt. Nơi ấy nuôi dưỡng, neo giữ cốt cách tâm hồn mỗi người, mà có đi bốn phương trời vẫn muốn được một lần trở về. Tuy nhiên, hiện nay nhiều đình làng đang dần mất đi “chỗ đứng” trong đời sống sinh hoạt, văn hóa mỗi làng quê. Vậy làm gì để bảo tồn và phát huy giá trị đình làng trong nếp sống mới gắn với phát triển du lịch?

Phong cảnh từ đình Bình An nhìn ra biển La Gàn rất đẹp.

Trong số 55 đình làng trên địa bàn tỉnh, thì mới chỉ có đình Bình An (xã Bình Thạnh, Tuy Phong) là đang thu hút du khách trong và ngoài tỉnh tìm đến khám phá, trải nghiệm. Ngoài thuận lợi về giao thương, thì lý do để giữ chân du khách cũng hết sức dung dị…

 Đình làng - Không gian văn hóa cộng đồng

Đình làng đã xuất hiện từ thế kỷ thứ II - III như một trạm dừng chân dọc đường nơi làng xã. Nhưng đình làng thật sự phát triển vào thời Hậu Lê (1428-1527), trở thành nơi thờ tự Thành hoàng (Thần làng) và các vị thần khác. Trong dòng chảy lịch sử ấy, phủ Hàm Thuận xưa cũng lập nên các đình làng để thờ tự những Tiền hiền có công lập ấp.

Ông Nguyễn Chí Phú – Phó Giám đốc Bảo tàng Bình Thuận cho biết: Với quan niệm “Đất có thổ công, sông có hà bá” và sự phát triển của nho giáo, đó là sự biết ơn những người có công với đất nước, làng xã, khiến việc thờ tự trở nên thiết yếu. Đình làng đã trở thành nơi thờ Thành hoàng và cũng là nơi hội họp, làm việc của làng, là biểu tượng của tính cộng đồng. Ngôi đình là trung tâm văn hóa của làng, thể hiện cô đọng các lễ hội, sinh hoạt, hội họp của cư dân. Bởi thế hầu như mỗi làng đều có một ngôi đình. Thống kê toàn tỉnh hiện có 55 đình làng, trong đó có 9 đình làng được công nhận là di tích cấp quốc gia và 8 đình là di tích cấp tỉnh.

Con số này cho thấy, Bình Thuận còn gìn giữ, bảo tồn được rất nhiều đình làng có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa cũng như kiến trúc nghệ thuật. Có thể kể đến các đình như Bình An (Tuy Phong), Đông An, Xuân An, Xuân Hội (Bắc Bình), Phú Hội (Hàm Thuận Bắc), Đức Nghĩa, Lạc Đạo, Đức Thắng, Tú Luông (TP. Phan Thiết)… Tuy nhiên theo thời gian, chức năng hành chính, hoạt động cộng đồng gần như không còn được tổ chức ở đình làng như trước kia mà chuyển về nhà văn hóa thôn, trung tâm văn hóa có không gian lớn hơn. Chỉ vào 2 kỳ lễ chính là lễ hội tế xuân và lễ tế thu người dân mới tập trung lại cúng tế, gửi gắm niềm tin đến các vị thần phù hộ cho gia đình, cộng đồng có cuộc sống như ý, cát tường và no ấm.

 Về đình Bình An

Thật may mắn, trong quá trình tìm hiểu, khám phá các ngôi đình ở Bình Thuận, rong ruổi trên những trang du lịch, chúng tôi được “mời” về đình Bình An (xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong). Ngôi đình được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 1996. Điều thú vị hơn, theo lời giới thiệu, đoàn chúng tôi có thể đăng ký ở lại, ăn uống ngay tại các khu nhà của đình, nếu muốn tiếp tục khám phá những danh thắng khác của Tuy Phong.

Di tích tọa lạc tại thôn Bình An, nằm cách UBND xã Bình Thạnh khoảng 600m và cách trung tâm huyện Tuy Phong 8 km về hướng Nam. Đình Bình An được tạo lập vào năm Canh Thìn (1700) để thờ Thành hoàng Bổn cảnh, các bậc Tiền hiền, Hậu hiền và những người có công trong việc lập làng và dựng đình ngày trước.

Ông Phạm Tuyển - Trưởng Ban quản lý đình Bình An đón tiếp chúng tôi rất nồng hậu, mặc dù không hề có cuộc hẹn trước. Sau đó dẫn chúng tôi tham quan, giới thiệu về ngôi đình. Đó là một quần thể kiến trúc tọa lạc trên một vị thế cao ráo thoáng đãng trong khuôn viên rộng khoảng 1.400 m2. Từ di tích nhìn về phía Đông là những đồi cát vàng nhấp nhô nối tiếp tựa như những dải lụa mềm mại cao hẳn so với nóc đình. Về phía Tây và Nam là đại dương mênh mông phủ sóng, dọc theo bờ biển là những bãi đá đen bóng được sóng biển “gọt dũa” thành nhiều hình thù trông lạ mắt. Địa linh nơi đây có dáng tựa “Phượng Hoàng ẩm thủy” (chim phượng hoàng uống nước), thật là một bức tranh sơn - thủy - thạch trữ tình ấm áp hương quê vùng duyên hải.

Ông Tuyển kể, từ khi còn nhỏ ông đã nghe các cụ trong làng truyền rằng đình Bình An là di tích có niên đại vào loại sớm nhất trong số các đình làng ở Bình Thuận với nhiều giá trị nổi bật trên các mặt lịch sử, văn hóa và kiến trúc, nghệ thuật tiêu biểu cho loại hình kiến trúc nghệ thuật dân gian thế kỷ XVIII - XIX ở Bình Thuận. Trong tổng thể chung, các công trình kiến trúc chính của đình gồm 3 nóc đình chính, đình trung và bái đình được bố trí ở trung tâm giữa khuôn viên theo bình đồ dạng chữ Tam. Bên cạnh đó còn có các công trình kiến trúc phụ trợ khác như thông linh quan (cổng chính), hằng thái môn (cổng bên hữu), hàm tụy môn trổ về bên tả, nhà tiền hiền, nhà thờ binh sĩ, nhà thờ ông Đoàn Xuân Thao (người giàu có và đức độ ở trong làng), nhà khánh y và nhà nhóm.

Người làng Bình An vẫn tự hào, dù trải qua hơn 300 năm kể từ lần đại tu từ năm Minh Mạng thứ 13 (1832), đến nay các công trình kiến trúc chính của di tích được bảo tồn nguyên vẹn. Dù chịu nhiều tác động của thời gian, mưa bão, sự phong hóa, bào mòn của hơi mặn nước biển và bom đạn của 2 cuộc chiến tranh tàn khốc hủy hoại, nhưng di tích vẫn đứng vững chắc bởi kỹ thuật kiến trúc xây dựng đầy sáng tạo và công phu của ông cha ngày trước. Bên cạnh những giá trị kiến trúc nghệ thuật vô giá, nội thất các hạng mục kiến trúc của di tích còn lưu giữ khá nhiều di vật, đồ tế khí được tạo tác hoàn chỉnh và hầu hết đều có niên đại từ thế kỷ XVIII -XIX như tấm bia đá được lập năm Minh Mạng thứ 13 (1832), 5 sắc phong các vua Triều Nguyễn ban tặng cho các vị thần thờ cúng tại đình và nhiều hiện vật quý khác.

 Mở hướng cho ngành du lịch

Chẳng phải đợi đến lễ xuân thu, nhị kỳ, hay ngày rằm, mùng một hàng tháng, ông Phạm Tuyển mới ra đình, mà mấy chục năm nay, ông luôn coi đình như nhà của mình. “Sinh ra tại làng. Từ nhỏ đã theo cha mẹ tham gia các lễ cúng, hoạt động ở đình và tôi đã lớn lên cùng những nếp văn hóa ấy”, ông Phạm Tuyển tự hào nói.

Từ ngày tham gia trong Ban quản lý đình, ông và 5 thành viên khác đều đã lớn tuổi nhưng không nề hà việc quét dọn, chia nhau coi giữ và phục vụ các đoàn khách nghỉ chân. Tại đình có nhà đông, nhà tây rộng chừng 30 m2 và nhà xiêm y (60 m2) được dọn dẹp lại sạch sẽ, có bố trí chiếu, mền gối dành cho khách ở xa. Điều đáng nói là tất cả Ban quản lý đều không thu tiền, mà tùy vào lòng thành tâm của đoàn cúng công đức cho đình. Còn nếu có nhu cầu dùng cơm, chế biến các món đặc sản có thể tận dụng căn bếp phía sau hoặc đặt thực đơn trước.  

Đình Bình An luôn mở rộng cửa tất cả các ngày trong tuần, không chỉ phục vụ người dân địa phương đến cầu bình an, may mắn, mà còn là chốn nghỉ chân lý tưởng dành cho những ai thích khám phá thiên nhiên. Từ cổng đình, du khách rảo bộ vài chục mét sẽ đến Lăng Ông Nam Hải; mũi La Gàn; rồi ngược lên Cổ Thạch tự; bãi đá 7 màu… Sự mênh mang của biển trời và sắc màu của đá, với một bên là nhịp sống yên ả của những người dân chài làng biển, chắc chắn sẽ là những trải nghiệm khó quên, để rồi thêm yêu, thêm quý về những vùng đất.

Thùy Linh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giữ gìn và phát huy giá trị di tích đình làng