ĐBQH Nguyễn Thị Phúc tham gia phát biểu dự thảo Luật Thủy sản
Theo đại biểu Phúc, về đối tượng áp dụng dự thảo Luật có nêu chưa bao quát, chưa cụ thể, chưa phù hợp với thực tế trong hoạt động đánh bắt thủy sản, có trường hợp tàu cá Việt Nam được cấp phép đánh bắt hải sản ở vùng biển nước ngoài thì sao? Vì vậy về đối tượng áp dụng nên thể hiện: "Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam trong hoạt động thủy sản và tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động thủy sản trong nội địa, hải đảo và vùng biển của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".
Về chính sách của Nhà nước trong hoạt động thủy sản dự thảo luật thể hiện chưa bao quát hết các vấn đề khó khăn, bức xúc trong hoạt động thủy sản của ngư dân cần phải có sự hỗ trợ của nhà nước. Vì vậy, theo đại biểu Phúc cần xem xét bổ sung: Chính sách hỗ trợ nạo vét luồng lạch, cửa sông, cửa biển bảo đảm cho tàu thuyền ra vào trong hoạt động thủy sản và chính sách hỗ trợ ngư dân nuôi trồng thủy sản gắn với thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.
Về những hành vi cấm trong hoạt động thủy sản tại khoản 7, điều 8 có nêu hành vi cấm trong hoạt động thủy sản khi sử dụng các ngư cụ làm cản trở hoặc gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác đang khai thác. Theo đại biểu Phúc việc thể hiện như thế là chưa cụ thể, chưa đầy đủ. Vì trong thực tế có trường hợp tàu thuyền hành nghề giã cào bay hoạt động sai tuyến, đây là hành vi hoàn toàn sai trái, gây thiệt hại về tài sản, ngư lưới cụ và tính mạng của người khác. Trong trường hợp tàu cá vi phạm như thế có được tính trong danh mục hành vi cấm hay không? Đồng thời, việc xác định tàu nào thả neo trước, tàu nào thả neo sau là vấn đề đặt ra cần phải tính toán. Vì vậy, đại biểu Phúc đề nghị nên thiết kế lại khoản 7, Điều 8 cho cụ thể, rõ ràng và phù hợp với thực tế hơn.
Về thành lập Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, đại biểu Phúc thống nhất không thành lập Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách mà cần có chính sách, qui định khuyến khích thành lập và phát triển Quỹ cộng đồng. Bởi vì Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 22 về tăng cường công tác quản lý đối với Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, trong đó qui định giải thể các Quỹ hoạt động không hiệu quả, như vậy đối với Quỹ tái tạo nguồn lợi thủy sản, Luật Thủy sản năm 2003 đã qui định thành lập, nhưng sau 13 năm thi hành pháp luật về thủy sản thì Quỹ chưa đi vào hoạt động. Hoạt động bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản phải gắn liền với địa phương, với cộng đồng dân cư, phải dựa vào địa phương, vào cộng đồng thì mới quản lý hiệu quả. Thực tế, một số địa phương đã hình thành Quỹ cộng đồng gắn với mô hình đồng quản lý. Vì vậy, để tiếp tục phát triển mô hình thực tế đã có ở các địa phương, việc khuyến khích thành lập và phát triển Quỹ cộng đồng để tạo cơ sở pháp lý cho người dân... tham gia quản lý hoạt động thủy sản là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, để quỹ được thành lập và hoạt động tốt gắn với mô hình đồng quản lý, cần qui định cụ thể về mô hình, về hình thức hoạt động của quỹ ngay trong dự thảo luật.
Về lực lượng Kiểm ngư theo đại biểu Phúc trong những năm qua, với mô hình tổ chức từ Trung ương đến các vùng, lực lượng Kiểm ngư Việt Nam mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định trong công tác kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm trên biển. Tuy nhiên với phạm vi ngư trường rộng lớn, lực lượng lại mỏng, nên hoạt động kiểm ngư còn có những khó khăn nhất định, có những lúc không kịp thời ứng phó, xử lý với những vấn đề phức tạp xảy ra trên biển đối với ngư dân. Tuyến ven bờ lực lượng Thanh tra chuyên ngành không được trang bị công cụ hỗ trợ và việc áp dụng pháp luật về thanh tra trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên biển là khó khăn, nên dẫn đến tình trạng khai thác thủy sản gần bờ có diễn biến phức tạp, việc sử dụng ngư cụ và phương pháp khai thác thủy sản mang tính tận diệt đang ngày càng gia tăng, cử tri rất bức xúc, vì vậy cần thiết phải có lực lượng thực thi pháp luật đủ mạnh như Kiểm ngư để bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ một cách hiệu quả. Để khắc phục những bất cập nêu trên, đại biểu Phúc đồng tình việc Quy định lực lượng kiểm ngư Trung ương và thành lập hệ thống kiểm ngư tại 28 tỉnh ven biển, trên cơ sở chuyển đổi từ lực lượng Thanh tra chuyên ngành về thủy sản sang lực lượng Kiểm ngư. Với cách thức này sẽ bảo đảm tính thống nhất trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, huy động lực lượng tham gia bảo vệ chủ quyền, tìm liếm cứu nạn, hỗ trợ ngư dân trên biển được thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả; đồng thời cũng không làm phát sinh thêm biên chế, vẫn bảo đảm thực hiện theo tinh thần Nghị quyết của Trung ương đã đề ra.
Hoàng Thu