Theo dõi trên

Góp ý phục hồi di tích Căn cứ Tỉnh ủy

29/07/2022, 06:04

Có thể cho là như vậy. Vì buổi họp tại di tích gốc ở Khu căn cứ Tỉnh ủy Sa Lôn sáng ngày 19/6/2022 là buổi hội thảo tại thực địa để góp ý lần cuối cho giai đoạn hoàn thiện từng thành phần và cho cả cụm di tích.

Chúng tôi cho đó là cuộc “Hội thảo đầu bờ” có ý nghĩa rất quan trọng. Sở dĩ nói rất quan trọng và có ý nghĩa vì nó quyết định cần bổ sung, sửa chữa những thành phần nào còn thiếu, hoàn thiện cái nào cần hoàn thiện. Tránh trường hợp làm xong phải đập bỏ để làm lại cái khác; ở đây là điều tối kỵ và là điều nên tránh trong tu bổ và phục hồi di tích. Bởi trong thiết kế có thể là đúng về kỹ thuật, nhưng khi áp dụng trên thực địa thì cần phải điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.

z3597130871155_64c205679da38b9213517e3034dc8d94.jpg

Buổi hội thảo có lãnh đạo của ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban quản lý dự án ĐTXD, Công ty TNHH xây dựng Phan Đình (đơn vị thi công và phục dựng di tích), Trung tâm Kiểm định xây dựng, Bảo tàng Bình Thuận và thành phần quan trọng hơn cả là các bác, các chú trong Ban Liên lạc. Nội dung là góp ý cụ thể về những căn hầm đang phục dựng trong khu căn cứ, rồi bếp Hoàng Cầm, lá Trung quân và cách lợp mái, máng nước dẫn nước suối và cách làm như thế nào cho đúng… Đó là những việc mà thời thanh xuân do chính những cựu chiến binh năm xưa tự tay làm nên, bây giờ lại được mời góp ý nên họ rất vui và không thể quên được, dù là một vài chi tiết nhỏ.

Cũng nhờ họ mà trong buổi thảo luận, góp ý trực tiếp tại khu di tích gốc được cụ thể hóa từng phần việc. Có thể lược qua những điểm chính cần phải khắc phục những thiếu sót:

Bếp Hoàng Cầm: Thực tế phần này đã hoàn thiện phần thô nhưng cần bổ sung thêm phần dẫn khói hướng vào rừng. Nhiều người trong Ban Liên lạc góp ý sâu vào nội dung này. Họ hướng dẫn cách làm những ống thoát khói với những đường rãnh từ bếp lò tỏa ra theo các rãnh, khói sẽ lan ra là là trên mặt đất, thoảng nhẹ nhàng như làn sương buổi sớm nhằm tránh bị máy bay phát hiện từ trên cao. Đúng theo một phần chủ trương thời kỳ này là “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. Đây cũng là linh hồn của bếp Hoàng Cầm nên phải phục dựng đúng (ý kiến của nhiều cựu chiến binh trước từng nhiều lần làm bếp Hoàng Cầm ở đây rất dứt khoát, rõ ràng).

Với máng nước: Ngày xưa những người trong khu căn cứ chặt tre Lồ ô nối lại thành máng dẫn nước từ suối Lada vào khu bếp ăn trong căn cứ. Khi phục dựng cũng phải làm như vậy mới đảm bảo yếu tố đặc trưng và là một thành phần của khu căn cứ này.

Với mái nhà lợp lá trung quân: Như trong Hồ sơ khoa học về khu căn cứ của cơ quan chuyên môn và đa phần ý kiến của các cựu chiến binh trong những lần Hội thảo trước đây đều đồng tình lợp lá trung quân trên nhà hầm, nhà bếp. Vì loại lá này rất đặc biệt là không bắt lửa, không cháy thành ngọn, thành mồi lửa nếu không có chất dẫn cháy. Ở những nơi trú quân thời gian ngắn hoặc đứng chân lâu dài, người ta dùng loại lá này để lợp mái nhà rất tiện lợi. Lá sau khi hái về đem kết lại thành tấm, lợp dày và xuôi mái thì sử dụng được rất lâu vì lâu hư và không cháy. Tuy nhiên, loại lá cây này hiện trong rừng nhưng rất hiếm và khó có thể kiếm đủ để lợp cùng lúc nhiều mái nhà như ở khu căn cứ hiện nay.

Do lá trung quân rất hiếm, vì thế nó sẽ được làm giả bằng vật liệu composite (compozit). Cũng vì vậy nên cuối buổi hội thảo, bên bộ phận phục dựng di tích cho mọi người xem một số mẫu lá trung quân làm bằng vật liệu composite; theo họ, nếu được sẽ sản xuất hàng loạt để kịp lợp trên các mái nhà (lán) ở các căn hầm. Thế là một cuộc tranh luận về hình dáng lá trung quân, màu sắc và cách đan lại như thế nào để lợp lên thành mái. Cũng thật thú vị là cả 7 người trong Ban Liên lạc cùng đi hôm đó đều biết cách và rất rành về việc này, vì trước đây họ từng nhiều lần đi hái lá Trung quân, chặt tre lồ ô về chuốt làm hom và vót kim găm lá lợp nhà; cho đến giờ họ vẫn nhớ cách làm khi xưa.

Các chú, các anh trong Ban Liên lạc chỉ dẫn, làm thực nghiệm cho mọi người xem. Xung quanh không có lá trung quân nên họ hái một nắm lá rừng có dáng khá giống, rồi một đoạn dây leo để ghim mấy chục chiếc lá rồi gấp đôi lại trông rất khéo. Nhìn cách thực nghiệm của họ giống như cách chằm áo tơi xưa của ngươi miền Trung. Cuối cùng Ban quản lý dự án ĐTXD đã tiếp thu ý kiến của các chú, các bác trong Ban Liên lạc để chỉnh sửa từng phần việc cụ thể, trong đó có việc chọn và hình thành bản mẫu về lá trung quân gửi cho nhà sản xuất.

Đến thời điểm này việc phục dựng các di tích gốc về cơ bản hoàn thành phần thô, với 11 căn hầm, 1 bếp Hoàng Cầm và 1 hội trường. Phần còn lại như đường nối từ khu đón tiếp đến các di tích, qua chòi nghỉ đang tiếp tục hoàn thiện. Những nhánh đường lát đá ngoằn ngoèo uốn khúc tỏa ra các hướng dưới những tầng cây rừng già, từ dưới dốc nhình lên trông thật đẹp. Khi hoàn thiện có thể đây là những con đường lát đá đẹp nhất trong các khu di tích ở Việt Nam mà bây giờ nhiều người đã cảm nhận được.

NGUYỄN XUÂN LÝ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Trao 4 bộ huy chương tại Giải bóng bàn các câu lạc bộ tỉnh
Sau 2 ngày tranh tài sôi nổi thuộc nội dung ở hạng A và B, Giải bóng bàn các câu lạc bộ (CLB) lần thứ I năm 2022 Cúp Thành Danh, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức đã bế mạc vào chiều ngày 24/7.
Nổi bật

Phê duyệt hơn 9,6 tỷ đồng sửa chữa Trung tâm Đào tạo, huấn luyện và thi đấu tỉnh
BTO-Chiều 1/11, ông Huỳnh Ngọc Tâm - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cho hay, Sở kế hoạch và đầu tư đã ký quyết định phê duyệt dự án Sửa chữa Trung tâm Đào tạo, huấn luyện và thi đấu Thể dục thể thao tỉnh (cơ sở 2, đường Hải Thượng Lãn Ông). Dự án này sẽ do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Góp ý phục hồi di tích Căn cứ Tỉnh ủy