“Khi tiêm vaccine Covid-19 là điều bắt buộc đối với tất cả các thành viên trong quân đội, Hải quân Mỹ đã công bố kế hoạch cho xuất ngũ những người từ chối tiêm chủng mà không có sự miễn trừ chính đáng”, Hải quân Mỹ cho biết trong một tuyên bố.
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đã neo đậu tại Căn cứ Hải quân Guam vào tháng 5/2020 sau khi ghi nhận một đợt bùng phát Covid-19. Ảnh: AFP
Đây là động thái đầu tiên của Lầu Năm Góc về hướng giải quyết đối với những trường hợp từ chối tiêm chủng, sau khi chính sách tiêm vaccine Covid-19 trở thành yêu cầu bắt buộc đối với mọi binh sĩ Mỹ kể từ cuối tháng 8.
Hải quân Mỹ cho biết, 98% trong số 350.000 binh sĩ tại ngũ đã bắt đầu hoặc hoàn thành quá trình tiêm chủng.
John Kirby, người phát ngôn Lầu Năm Góc, hôm 12/10 cho biết, 96,7% trong số gần 1,4 triệu binh sĩ tại ngũ đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine và 83,7% đã tiêm 2 mũi vaccine. Nếu tính cả binh sĩ dự bị, tỷ lệ tiêm ít nhất một mũi vaccine là 80%.
Nếu tất cả các đơn vị cũng áp dụng biện pháp cứng rắn, cho xuất ngũ binh sĩ từ chối tiêm vaccine Covid-19 giống như Hải quân Mỹ, quân đội Mỹ có nguy cơ mất khoảng 46.000 binh sĩ.
Phó Đô đốc John Nowell, tham mưu trưởng phụ trách nhân sự Hải quân Mỹ, cho biết, lực lượng hải quân đã ghi nhận 164 ca tử vong do Covid-19 kể từ khi đại dịch bùng phát. Trong số đó, 144 người chưa tiêm chủng và tình trạng của 20 người còn lại không rõ ràng.
Những người rời khỏi lực lượng vì từ chối tiêm chủng sẽ xuất ngũ theo thủ tục thông thường, nhưng có thể sẽ không được hưởng một số quyền lợi nhất định, hoặc buộc phải hoàn trả chi phí đào tạo và giáo dục đối với một số trường hợp.
Các binh sĩ trong Hải quân Mỹ có thể yêu cầu được miễn tiêm vaccine với lý do sức khỏe hoặc các vấn đề khác. Những người này có thể được chỉ định thực hiện nhiệm vụ khác.
Hải quân là lực lượng đặc biệt nhạy cảm trước đại dịch bởi nguy cơ một ca mắc Covid-19 duy nhất có thể lây nhiễm cho toàn bộ binh sĩ trên tàu, buộc lực lượng phải ngừng hoạt động.
Năm 2020, tàu sân bay USS Theodore Roosevelt ghi nhận một đợt bùng phát Covid-19 khiến khoảng 1/4 trong số 4.800 thành viên trên tàu mắc bệnh, buộc tàu này phải neo đậu ở Guam để khử trùng trong vài tuần.
CTV Mai Trang/VOV