Hải sâm có nhiều tên gọi khác nhau như đồn đột, đĩa biển, sâm biển… Trong số những loại hải sâm phổ biến mà ngư dân thường đánh bắt là hải sâm trắng, hải sâm đỏ, hải sâm gai… Hải sâm tươi thân hình dài khoảng từ 15 cm trở lên, có lớp thịt dày, mềm, da bên ngoài sần, gai và hơi nhám. Từ sáng sớm, hàng trăm kg hải sâm tươi cập vào bãi Lạch Thế, xã Long Hải. Các cơ sở chế biến thu mua lại, phân loại, ngâm hải sâm vào thùng nước sạch và đưa lên xe chở về lò hấp.
Tại lò hấp hải sâm thôn Tân Hải, xã Long Hải, chúng tôi thấy đôi tay rám nắng thoăn thoắt rạch nhẹ phần bụng hải sâm để giũ bỏ nội tạng, rửa sạch cát. Sau khi làm sạch, hải sâm được luộc với nước sôi; quá trình luộc, không để hải sâm với nước luộc sôi bùng mà chỉ sôi sủi tăm trong 30 phút. Tiếp đó, người luộc vớt hải sâm ngâm vào nước lạnh đến khi nguội, làm ráo nước và muối vào thùng. Sau 3 ngày muối, hải sâm được luộc lại lần thứ 2, muối lại và mang phơi khô hoàn toàn. Khi hải sâm khô, có màu xám đen, nổi muối trắng bên ngoài. Giá dao động từ 1,2 – 1,6 triệu đồng, tùy thuộc loại hoặc chất lượng hải sâm.
Có thể nói, nghề làm hải sâm khô tại Phú Qúy, được hình thành từ rất lâu và hiện hữu qua năm tháng; góp phần giải quyết việc làm, tạo ra sản phẩm đặc trưng có giá trị cao, cải thiện mức thu nhập của người dân.
Trang Minh