Theo dõi trên

Hàm Tân – bước chuyển cho đầu tàu công nghiệp

24/04/2025, 05:08

Bình Thuận sẽ giàu nhanh chóng, khi dự án này xuất hiện tại xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân như lời Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nói tại buổi làm việc với tỉnh ngày 8/3/2025: “Về Nhà máy điện khí LNG 4.000 MW, nếu 4.000 MW này vào cuộc sống thì chúng ta có 4.000 tỷ ngay lập tức, chưa kể công năng khác của các trạm khí gần bờ.

Liên quan đến cân nhắc khác của Chính phủ, tôi cũng nói luôn là Chính phủ đồng ý và đề nghị Bình Thuận làm tất cả mọi việc để dự án này đi vào sản xuất sớm nhất có thể”.

Như cây xương rồng trên cát

Hàm Tân của cuối năm 2005, sau khi điều chỉnh địa giới hành chính thành lập thị xã La Gi, đã định hình 1 vùng đất có diện tích tự nhiên 73.861 ha, hội đủ từ biển, rừng, núi, đồi và đồng bằng. Nhưng chỉ thiếu nước, dù trên địa bàn có nhiều con sông chảy qua như sông Phan, sông Kô Kiều, sông Tram, sông Chùa, sông Dinh. Sự vô lý này, vì dòng chảy những con sông ở vùng cát vốn dồi dào hết mức vào mùa mưa nhưng chóng cạn khô vào đầu mùa nắng. Sau này có xây dựng Đập dâng Sông Phan, hồ chứa nước Sông Dinh 3, có kênh mương chuyển nước nhưng cũng chỉ tưới những vùng nằm trong phạm vi nguồn nước đi qua. Đã vậy, lại thêm đất rộng nên 20 năm qua, việc phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống của người dân Hàm Tân được ví như cây xương rồng trên cát, vì sự linh hoạt thay đổi và đã biến bất lợi thành lợi thế.

ho-song-dinh-3-anh-nl-4-.jpg
Hồ Sông Dinh 3. Ảnh: N.Lân
dap-thuy-loi-co-kieu-anh-n.-lan-1-.jpg
Đập Cô Kiều
kenh-dan-nuoc-cong-trinh-thuy-loi-song-dinh.jpg
Kênh dẫn nước thuộc dự án hồ thủy lợi Hồ Sông Dinh 3

Không có nước, nhiều vùng đất tưởng chừng sẽ thành hoang mạc đã được người dân trồng keo lai và cứ 3-4 năm thu hoạch rồi xuống giống lại. Cứ thế, không chỉ cải thiện thu nhập mỗi nhà mà rừng trồng tập trung này còn giúp cải thiện khí hậu trong vùng, cải tạo đất tốt hơn. Rồi từ lúc nào chẳng biết, việc trồng rừng này của dân trở thành 1 cây trồng đặc trưng của Hàm Tân nên trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm, huyện chọn đưa chỉ tiêu này lên đầu tiên. Như năm 2024, theo báo cáo của UBND huyện Hàm Tân, kế hoạch trồng 700 ha rừng nhưng nhân dân tham gia trồng đến 1.780 ha, đạt 254,29% kế hoạch. Đồng thời đó, sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng được 245.325 m3 và diện tích rừng được chăm sóc 4.450 ha. Sang quý I/2025, có thêm 625 ha rừng nữa đi vào khai thác, trong đó Xí nghiệp Lâm nghiệp Hàm Tân khai thác 97 ha, còn lại nhân dân các xã khai thác từ rừng trồng bằng nguồn vốn tự có 528 ha…

20241029_101616.jpg
Rừng keo lá tràm ở Hàm Tân
20241001_145602.jpg
Rừng trồng ở Hàm Tân
20241001_145612.jpg
Thu hoạch cây keo lá tràm

Trong khi đó, ở những vùng đất khác, những nơi có thể cải tạo đất; có thể phát triển thủy lợi nhỏ, kênh mương nội đồng; có thể đào ao trữ nước thì đã đa dạng các loại cây trái, thay vì các cây mì, điều, mía như trước đây. Theo thời gian, đã hình thành một số vùng chuyên canh các loại cây ăn trái, cây công nghiệp lợi thế có giá trị kinh tế cao như nhãn xuồng cơm vàng, quýt đường, thanh long, dưa lưới, sản xuất hạt giống, nông nghiệp công nghệ cao…

c0060t01.jpg
Sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP
vuon-cay-an-qua-o-xa-thang-hai-ham-tan-anh-n.-lan-1-.jpg
Vườn bơ ở Thắng Hải, Hàm Tân
vuon-cay-an-qua-o-xa-thang-hai-ham-tan-anh-n.-lan-3-.jpg
Vườn bơ ở Thắng Hải, Hàm Tân
vuon-thanh-long-o-xa-song-phan-ham-tan-anh-n.-lan-.jpg
Vườn thanh long ở Sông Phan, Hàm Tân
c0329t01.jpg
Dưa lưới

Việc khắc phục được điểm yếu trong nông nghiệp trên, khiến Hàm Tân thêm hấp dẫn khi đã sẵn đất đai mênh mông, tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng. Không chỉ có bờ biển dài 22 km, có tuyến QL 1A, QL 55, tuyến đường sắt và cao tốc Bắc - Nam đi qua nên Hàm Tân rất thuận lợi về giao thông, mà còn vì có vị trí nằm giáp khu vực kinh tế trọng điểm của cả nước - miền Đông Nam bộ, cụ thể là 2 tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai. Trong “cơn lốc” phát triển công nghiệp khi vùng kinh tế trọng điểm trên đã dần chật chội, Hàm Tân trở thành nơi lý tưởng cho xu thế đầu tư, khi các doanh nghiệp vào là được hưởng giá thuê đất rẻ, chi phí logistics thấp… và nhất là có chứng chỉ xanh, vì sản phẩm được sử dụng năng lượng tái tạo, thuận lợi cho xuất khẩu trong bối cảnh thế giới hướng đến Net zero.

_lan9983(1).jpg
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây
c0315t01.jpg
Biển Tân Thắng, Hàm Tân
duong-ql-55-doan-tu-ham-tan-di-la-gi-binh-thuan-anh-n.-lan-(1).jpg
QL 55 qua huyện Hàm Tân. Ảnh: N.Lân

Chuyển hóa từ vận thế mới

Vị thế phát triển công nghiệp trên của Hàm Tân không phải đến giờ, khi các tuyến giao thông đối ngoại hình thành làm nổi bật mới thấy mà Bình Thuận đã nhận định từ sớm thông qua quy hoạch các khu công nghiệp. Bằng chứng rõ nhất, ngày 6/5/2010, Bộ Công Thương có quyết định phê duyệt địa điểm xây dựng Trung tâm Điện lực Sơn Mỹ đặt tại Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1, thuộc huyện Hàm Tân. Lúc ấy, quy mô công suất, công nghệ và mặt bằng được quy hoạch theo hai phương án đặt ra là nếu sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) hoặc nếu sử dụng than nhập khẩu.

Sau chừng ấy năm, đến nay, 3 dự án đã rõ ràng từ quy mô, số vốn, chủ đầu tư, thời gian thực hiện hoàn thành… Như Dự án Kho cảng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Sơn Mỹ do Công ty TNHH Kho cảng LNG Sơn Mỹ làm chủ đầu tư, có tổng vốn khoảng 1,34 tỷ USD, dự kiến đưa vào vận hành trong quý I/2027.

dsc_1076.jpg
Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1
untitled-1.jpg
Khu công nghiệp Tân Đức

Thời gian qua, trên địa bàn Hàm Tân có 683 doanh nghiệp với các loại hình, hoạt động trên nhiều lĩnh vực và có 6.850 hộ đăng ký kinh doanh. Thu ngân sách nhà nước năm 2024 đạt 233 tỷ đồng, tăng gấp gần 13 lần so với năm 2005. Điều đáng chú ý, với tiềm năng của Hàm Tân, nay mai các nhà đầu tư “đại bàng” sẽ về “lót ổ”.

Rồi Dự án Nhà máy nhiệt điện Sơn Mỹ II có tổng công suất 2.250 MW do Tập đoàn AES của Hoa Kỳ làm chủ đầu tư năm 2019 và được Bộ Công Thương phê duyệt chủ trương đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2022, với diện tích sử dụng đất khoảng 93,5 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 2,1 tỷ USD. Dự kiến, dự án đi vào hoạt động vào năm 2028.

Còn Dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Sơn Mỹ I có tổng công suất 2.250 MW do Tổ hợp 4 đơn vị đến từ Pháp, Nhật và Việt Nam làm chủ đầu tư năm 2018 và được Bộ Công Thương phê duyệt chủ trương đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2021, với diện tích sử dụng đất là 88,3 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 2,2 tỷ USD. Dự kiến, dự án hoàn thành và đi vào hoạt động vào năm 2028.

Có nghĩa lâu nhất chỉ còn hơn 3 năm nữa là 3 dự án “khổng lồ” của những nhà đầu tư mang tầm “đại bàng” đi vào hoạt động. Vì thế, thời gian này với chính quyền Hàm Tân là thời điểm của bộn bề cho tập trung giải phóng mặt bằng để các dự án triển khai xây dựng. Song song là tiếp tục đầu tư và hoàn thiện các công trình giao thông, hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho phát triển công nghiệp, cho kinh tế - xã hội, nhất là tập trung vào các đô thị Tân Nghĩa, Tân Minh, Sơn Mỹ. Còn với hộ dân cũng đang có những dự định riêng trong phát triển kinh tế gia đình.

Bây giờ, quang cảnh Hàm Tân đã khác nhiều, giao thông kết nối thông suốt, rút ngắn thời gian đi lại và các doanh nghiệp đã phát hiện ra sớm nhất về khoảng cách vận chuyển hàng từ Hàm Tân về Cảng Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu) nhanh hơn ở Đồng Nai. Đó là 1 trong các thế mạnh để nhà đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Tân Đức đẩy mạnh hoàn thiện giai đoạn 1 trong năm 2025, tranh thủ thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào thuê đất, khi hiện đã có 4-5 nhà đầu tư đã đăng ký.

Thế nên, câu chuyện Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nói rằng, chỉ với nhà máy điện khí LNG 4.000 MW, Bình Thuận sẽ giàu ngay là triển vọng rất thực tế và cũng chứng minh rồi đây Hàm Tân sẽ là đầu tàu công nghiệp. Bởi trên địa bàn huyện còn có 2 khu công nghiệp khác, 5 cụm công nghiệp nữa và theo lẽ đương nhiên khi dự án lớn đi vào hoạt động sẽ tạo sự lan tỏa kéo theo. Ngay cả từng hộ dân cũng chịu tác động, mỗi thành viên có việc làm và mỗi gia đình ở đây sẽ đa dạng nguồn thu nhập, thay vì 1 nguồn từ nghề nông như lâu nay. Rồi Khu công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Hàm Tân - La Gi chuẩn bị khởi động sẽ mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp và người dân. Tất cả nhằm giúp bước chuyển từ vùng nông nghiệp sang vùng công nghiệp, từ hộ nông dân sang ngành nghề khác, ít bị khập khiễng trong nay mai.

Số liệu của Huyện ủy Hàm Tân cho thấy, trong 5 năm qua, tổng vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước do huyện làm chủ đầu tư là 703 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư phát triển (vốn đăng ký) của các dự án ngoài ngân sách đến năm 2024 là 131.412 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư phát triển kinh doanh, dịch vụ của hộ kinh doanh cá thể là 2.770 tỷ đồng.

BÍCH NGHỊ - ẢNH N. LÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Công khai danh sách cá nhân đề nghị khen thưởng “Huân chương Lao động hạng Ba” năm 2025
Theo quy định tại khoản 5 Điều 84 Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 và khoản 2 Điều 46 Nghị định số 98/2023/NĐ-CP ngày 31/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng.
Nổi bật
Hàm Tân – bước chuyển cho đầu tàu công nghiệp
Bình Thuận sẽ giàu nhanh chóng, khi dự án này xuất hiện tại xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân như lời Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nói tại buổi làm việc với tỉnh ngày 8/3/2025: “Về Nhà máy điện khí LNG 4.000 MW, nếu 4.000 MW này vào cuộc sống thì chúng ta có 4.000 tỷ ngay lập tức, chưa kể công năng khác của các trạm khí gần bờ.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàm Tân – bước chuyển cho đầu tàu công nghiệp