Theo dõi trên

Hàm Thuận Bắc: Làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng

09/04/2020, 08:41

BT- Tháng 4/2020 này, mặc dù nhân dân và cán bộ huyện Hàm Thuận Bắc đang phải đối phó với hạn hán, nắng nóng gay gắt và dịch Covid-19, nhưng trên khuôn mặt của mỗi người dân Hàm Thuận Bắc đều ánh lên sự lạc quan, tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước ta đối với dịch Covid-19 và đầy tự hào về một vùng đất anh dũng, quật cường trong các cuộc kháng chiến gian khổ, hy sinh. Tự hào về những thành tựu đạt được qua 45 năm xây dựng và phát triển, kể từ ngày 8/4/1975.

                
      
   Phó Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An tặng quà    cho hộ nghèo, gia đình chính sách huyện Hàm Thuận Bắc.

Nói đến Hàm Thuận trước đây, Hàm Thuận Bắc ngày nay nhiều người trong chúng ta đều biết đến các địa danh mà ở đó tên đất, tên làng, tên núi, tên sông đã trở thành bất tử, như Khu Lê bất khuất, Tam Giác kiên cường, Nam Sơn trung dũng… đều gợi nhớ về những chiến công oanh liệt của quân và dân Hàm Thuận Bắc.

Kết thúc cuộc chiến tranh, Hàm Thuận Bắc có hàng ngàn người con thân yêu của quê hương đã anh dũng chiến đấu hy sinh với trên 4.000 liệt sĩ, trên 1.600 thương binh - bệnh binh, hơn 1.200 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và trên 1.000 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị bắt tù đày. Huyện Hàm Thuận Bắc đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho nhân dân và cán bộ huyện cùng 19 tập thể, 11 cá nhân; phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho 794 mẹ.

Để đền đáp công ơn đối với những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, phát huy truyền thống “Hiếu nghĩa bác ái”, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc, từ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975) đến nay, Đảng bộ và nhân dân huyện đã đồng tâm, hiệp sức góp phần chăm lo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các đối tượng người có công với cách mạng, nhất là đối với các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các thương binh, bệnh binh và thân nhân liệt sĩ.

Hiện nay, Hàm Thuận Bắc có 3.588 người có công và thân nhân người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp hàng tháng, với tổng kinh phí chi trả hàng tháng gần 6,3 tỷ đồng, còn 27 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống; 63 cha, mẹ liệt sĩ, thương binh già yếu, neo đơn, con liệt sĩ mồ côi… đã được gần 100 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng, đỡ đầu. Từ nguồn quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” tỉnh, huyện và vận động các tổ chức, doanh nghiệp, đến nay huyện đã hỗ trợ xây, sửa 1.586 nhà ở cho gia đình đối tượng người có công (trong đó xây 274 nhà, sửa chữa 1.312 nhà) với tổng kinh phí 24,2 tỷ đồng.

                
Ảnh: Đ.Hòa

Cùng với việc thực hiện chế độ trợ cấp ưu đãi hàng tháng, trợ cấp ưu đãi một lần cho người có công với cách mạng, huyện cũng đã thực hiện đầy đủ các chế độ ưu đãi khác, như ưu đãi trong giáo dục đào tạo, mua bảo hiểm y tế, cấp các phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình… Đối với những gia đình có lao động nhưng thiếu vốn sản xuất, huyện đã ưu tiên cho vay vốn từ nguồn vốn giải quyết việc làm để phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập; hỗ trợ đào tạo nghề cho con của người có công với cách mạng. Ưu tiên trong việc giao đất làm nhà ở, đất sản xuất, miễn giảm tiền sử dụng đất… Nhân các ngày lễ, tết, các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở còn tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình chính sách, người có công. Nhiều phong trào, hoạt động thiết thực như: Ủng hộ xây dựng quỹ “đền ơn đáp nghĩa”, tặng nhà tình nghĩa, phong trào “Áo lụa tặng bà”, “Đi tìm địa chỉ đỏ”, “Nghĩa tình đồng đội”… đã được các đoàn thể, địa phương thực hiện thường xuyên.

Chiến tranh đã đi qua, nhưng còn nhiều hài cốt liệt sĩ chưa được tìm thấy. Vì vậy trong 45 năm qua, Ban Chỉ huy Quân sự huyện đã tích cực, chủ động phối hợp với các cấp, các ngành, Ban Chỉ đạo 1237 huyện tham mưu Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo và triển khai nhiều giải pháp thực hiện công tác khảo sát, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.đến nay toàn huyện đã cất bốc, quy tập được 4.063/4.262 liệt sĩ an táng ban đầu trên địa bàn huyện.

Mặc dù, được sự quan tâm sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền và sự đùm bọc giúp đỡ của nhân dân, nhưng các thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công không ỷ lại, mà trái lại đa số thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng đã không ngừng phấn đấu vươn lên trong học tập, công tác và lao động sản xuất. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn một bộ phận gia đình người có công với cách mạng đời sống còn khó khăn, nhất là 30 hộ gia đình thuộc hộ cận nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều và còn nhiều nhà ở gia đình người có công với cách mạng bị xuống cấp do việc hỗ trợ xây, sửa nhà ở đã lâu trong những năm trước đây.

Thời gian tới, Hàm Thuận Bắc sẽ tiếp tục thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng vừa là tình cảm thiêng liêng, trách nhiệm cao cả của cả hệ thống chính trị và của toàn dân.

NguyỄn Văn BẢy



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàm Thuận Bắc: Làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng