Theo dõi trên

Hàm Thuận Nam: Vướng quy định đấu thầu khi làm đường GTNT

31/03/2016, 10:31

Hàng chục người dân khu phố Nam Trung, thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam vui mừng chưa được bao lâu thì nay, đoạn đường thi công dang dở đã có dấu hiệu xuống cấp. Hơn nữa, số tiền dân đóng góp thi công đường giao thông nông thôn (GTNT) hoàn thành gần 4 tháng nhưng đến nay, người dân vẫn chưa có đường “đẹp” để đi…

                              
Xịt nước nhẹ, đá mi trồi lên.
   
Xi măng vón cục bên đường.

Có hay không xi măng “dỏm”?

Tuyến đường vào rẫy Ba Miên ở khu phố Nam Trung có chiều dài khoảng 1.300 m. Tháng 11/2015, 47 hộ dân có nhà và vườn thanh long bên đường đã hoàn thành việc nộp tiền để bê tông hóa theo Đề án phát triển GTNT huyện. Tổng số tiền mà 47 hộ dân đóng góp gần 543 triệu đồng. Trong đó, hộ đóng cao nhất lên đến 75 triệu đồng, không một hộ nào thiếu. Đến tháng 1/2016, một đoạn 300 m đường vào rẫy Ba Miên được bê tông hóa. Nhưng chỉ sau 2 tháng đi vào hoạt động, đoạn đường này nhanh chóng xuống cấp dù lượng phương tiện lưu thông thưa thớt. Theo quan sát, chỉ cần lấy vòi nước tưới thanh long xịt xuống đường, lập tức lớp bê tông và cát nhanh chóng trôi đi, đá mi trồi lên lởm chởm. Người dân chỉ lấy chân đụng nhẹ vào hai bên mép đường là lớp bê tông gãy, cát lộ ra. Quan sát kỹ sẽ thấy hai bên đường có một lượng lớn xi măng bị khô, đóng cục vứt ngổn ngang. Nhiều người dân giám sát thi công công trình khẳng định, nguyên nhân đường xuống cấp như vậy là do đơn vị thi công dùng xi măng kém chất lượng và thiếu số lượng. Anh Trần Văn Quế - người dân thôn Nam Trung bức xúc cho rằng: “Trong quá trình nhân dân giám sát đã phát hiện đơn vị thi công đường làm ẩu, khi kiến nghị lên chính quyền thị trấn thì một cán bộ xuống rảo bước một hồi rồi về. Sau đó đâu lại vào đấy”. Điều đáng nói là khi đóng góp tiền để làm đường bê tông, một số hộ có hoàn cảnh khó khăn như hộ anh Lê Tấn Hùng ở khu phố Nam Trung phải đi vay mượn người thân. Nhưng giờ đây thấy đường kém chất lượng, anh không khỏi thất vọng.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Ba – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận Nam, thì thực tế bà con nói xi măng kém chất lượng chưa hẳn là như vậy. Bởi trong quá trình triển khai thi công có trận mưa cuối mùa làm xi măng bị vón cục chứ không có chuyện doanh nghiệp chở xi măng chết đến thi công. Trước tình hình đó, UBND thị trấn đã chỉ đạo đơn vị thầu, bao nào bị đóng cục thì bỏ ra rồi thêm số lượng xi măng tương ứng vào. Đối với 300m đã thi công, địa phương sẽ kiểm tra lại, nếu kém chất lượng thì doanh nghiệp phải hoàn lại một số tiền để bảo trì đường cho cụm dân cư. Thời gian tới, khi tiếp tục thi công, UBND thị trấn sẽ hướng dẫn người dân giám sát dựa theo dự toán đã định thì chuyện công trình kém chất lượng sẽ không xảy ra nữa. 

Vì sao ngưng thi công?

47 hộ dân ở khu phố Nam Trung còn bức xúc vì việc “ngâm” tiền của họ trong kho bạc, không được giải ngân để làm nốt con đường. Khoảng 1.000 m còn lại của đường vào rẫy Ba Miên đất đá lởm chởm, ổ voi ổ gà gây khó khăn cho quá trình đi lại, sản xuất của bà con. Ông Huỳnh Văn Chín ở khu phố Nam Trung chia sẻ: “Chỉ tội cho bọn nhỏ đi học, té lên té xuống. Tưởng đóng tiền xong là làm đường liền, ai dè mấy tháng rồi vẫn phải đi trên đường đất”.

Bức xúc đó của dân được ông Nguyễn Văn Ba – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận Nam giải thích là do vướng về thủ tục đấu thầu. Cụ thể, sau khi nhà thầu triển khai thi công tuyến đường vào rẫy Ba Miên, UBND thị trấn tiến hành các thủ tục hồ sơ pháp lý chuyển số tiền 40% của cụm dân cư đóng góp cho nhà thầu. Nhưng, sau khi hoàn thành thủ tục chuyển tiền thì Kho bạcnhà nước huyện cho rằng UBND thị trấn làm thủ tục hồ sơ không đúng quy trình. Lý do được Kho bạc Nhà nước huyện Hàm Thuận Nam đưa ra là công trình có tổng mức đầu tư trên 1 tỷ đồng thì phải làm hồ sơ đấu thầu theo quy định tại Khoản 1, điều 54 Nghị định số 63 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luậtđấu thầu về lựa chọn nhà thầu. Tuy nhiên, theo Đề án phát triển GTNT giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn tỉnh thì các công trình được giao cho UBND các xã, thị trấn làm chủ đầu tư và vận động nhân dân đóng góp kinh phí để thực hiện, công trình nào nhân dân không thi công được thì chủ đầu tư thuê đơn vị xây dựng theo hình thức chỉ định thầu, không đấu thấu vì dự toán không có kinh phí đấu thầu.

Chuyện đấu thầu và chỉ định thầu không chỉ khiến đường vào rẫy Ba Miên ở khu phố Nam Trung không được bê tông hóa mà một số tuyến đường nông thôn khác ở xã Hàm Mỹ, Hàm Minh của huyện Hàm Thuận Nam cũng bị vướng. Thời điểm này, huyện Hàm Thuận Nam có gần 10 tuyến đường đã có kế hoạch bê tông hóa, kinh phí đã lo xong nhưng không giải ngân được do vướng quy định đấu thầu. Thiết nghĩ, trước thực trạng này, ngành chức năng của tỉnh cần nhanh chóng có giải pháp hữu hiệu, tháo gỡ vướng mắc từ chuyện chỉ định thầu và tổ chức đấu thầu của những tuyến đường, công trình nông thôn có kinh phí trên 1 tỷ đồng. Bởi vì việc này đã vô tình làm kìm hãm quá trình xây dựng nông thôn mới của các địa phương, trong đó có tiêu chí 2 về GTNT.

THU HÀ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàm Thuận Nam: Vướng quy định đấu thầu khi làm đường GTNT