Ảnh minh họa |
Ông Thành chia sẻ, sau khi biết chủ trương về việc chuyển đổi mô hình sản xuất của địa phương trong chương trình xây dựng nông thôn mới, bản thân ông đã đi tìm hiểu khắp nơi để tìm mô hình sản xuất phù hợp và mô hình trồng nấm linh chi và nấm bào ngư đã được gia đình ông lựa chọn.
Việc chuyển đổi từ làm ruộng sang trồng nấm linh chi và nấm bào ngư đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Theo ông Thành, cứ 1.000 bịch nấm linh chi thì số tiền đầu tư khoảng 4 triệu đồng và bán được 12 triệu đồng, hiện nay gia đình ông đang làm khoảng 3 giàn, mỗi giàn khoảng 3.500 bịch nấm, và sau thời gian từ 3 tháng rưỡi đến 4 tháng là có thể thu hoạch, giá của nấm lich chi khoảng hơn 500.000 đồng/ kg, vào lúc hiếm hàng có thể lên trên 1 triệu đồng một kg.
Đối với nấm bào ngư ông cũng đang nhân khoảng 2.500 bịch, bình quân mỗi đợt thu hoạch có thể đạt từ 70 kg đến 100 kg, với giá hiện nay khoảng 30.000 đồng/kg; ngoài ra ông còn làm thêm nấm rơm, để có thể tận dụng hết những phụ phẩm sau khi làm nấm linh chi và nấm bào ngư. Nói về hiệu quả kinh tế từ mô hình, ông Nguyễn Thành cho biết: Làm nấm linh chi, nấm bào ngư và nấm rơm có thể cho lợi nhuận gấp vài lần so với nuôi bò và có thể tương đương với làm 3 ha lúa, nhưng công làm thì nhẹ hơn nhiều, chỉ cần mỗi ngày tưới cho nấm một lần.
Ông Thành cho biết thêm, trồng nấm linh chi và nấm bào ngư không khó, lại tốn ít công chăm sóc, tuy nhiên nhà trồng nấm phải thoáng mát, sạch sẽ, duy trì độ ẩm và nhiệt độ từ 28 - 31oC, dùng lưới che chắn không cho côn trùng vào đục phá nấm. Nguyên liệu dùng để trồng nấm là mùn cưa của cây cao su được ủ với nước vôi, sau 15 ngày thì lấy ra hấp tiệt trùng bằng lò áp suất. Chờ 3 ngày sau cho nhiệt độ giảm thì bắt đầu cấy phôi nấm vào các bịch nguyên liệu. Sau khoảng thời gian từ 10 - 15 ngày thì đem những bịch nguyên liệu này vào giàn nuôi trong nhà. Bằng khoảng thời gian trên, những phôi giống phát triển thành nấm non, 25 ngày tiếp theo thì có được những cây nấm phát triển. Sau khi thu hoạch, những bịch nguyên liệu được hấp tiệt trùng và tiếp tục chăm sóc để thu hoạch đợt nấm thứ 2 và qua hai lần làm thì mang nguyên liệu này tiếp tục làm nấm rơm. Về dự định trong thời gian tới, ông Nguyễn Thành sẽ tiếp tục mở rộng và vận động một số gia đình cùng làm để có thể tăng sản lượng nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của các thị trường hiện nay và tăng thu nhập cho bà con nông dân trong vùng.
Hiện nay thị trường tiêu thụ nấm linh chi chủ yếu là TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành như Đà Nẵng, Lâm Đồng. Đối với nấm bào ngư do còn ít về số lượng nên mới chỉ đáp ứng nhu cầu ở địa phương, nếu có đủ số lượng từ 3 - 5 tạ mỗi ngày là có thương lái đến lấy tại nhà.
Duy Sửu