Theo dõi trên

Hiệu quả từ Đề án trang bị sách cho cơ sở ở xã, phường, thị trấn

07/12/2023, 05:25

Qua 15 năm thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn đã góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu tự nghiên cứu, tham khảo, học tập nâng cao trình độ kiến thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người dân. Các địa phương chủ động phân loại, xây dựng tủ sách và chú trọng công tác tuyên truyền, thông báo rộng rãi để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đều có thể tìm đọc...

Chủ trương đúng đắn

Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, góp phần nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở. 15 năm qua, đề án tạo điều kiện để cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở tự trang bị, bổ sung kiến thức, kỹ năng hoạt động, lao động sản xuất. Đồng thời, là công cụ, phương tiện tiếp cận, tìm hiểu và vận dụng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống.

2.jpg
Thư viện lưu động tỉnh đã đến với học sinh tiểu học, THCS tại một số huyện trong tỉnh. 

Để thực hiện hiệu quả đề án, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các huyện, thị, thành ủy tuyên truyền một số nội dung các đầu sách, nhất là nhân dịp Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam, những đợt tiếp nhận sách bằng nhiều hình thức để người dân biết, tham gia tìm hiểu, nghiên cứu khi có nhu cầu. Ngoài ra, nhiều hoạt động thiết thực nhân Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam được tổ chức. Nổi bật như chuyển sách đến các trường học để học sinh trực tiếp đọc và tham khảo; tuyên truyền bằng sân khấu hóa, các cuộc thi tìm hiểu để tuyên truyền về văn hóa đọc sách cũng như việc thực hiện Đề án trang bị sách cho thư viện.

Bên cạnh đó, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội; các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu cho cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân đọc sách, nghiên cứu, tham khảo các ấn phẩm sách của Đề án được cấp. Hàng năm, ngoài việc phát triển độc giả, Thư viện tỉnh phối hợp Trung tâm Văn hóa thông tin và các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh thực hiện luân chuyển sách tại Thư viện tỉnh đến các điểm trường học của các xã, thị trấn. Qua đó, góp phần tuyên truyền văn hóa đọc trong cộng đồng, nhờ đó phong trào đọc sách trên địa bàn huyện đã có chuyển biến tích cực.

1.jpg

Ngoài ra, qua 15 năm triển khai thực hiện “Tủ sách ở cơ sở”, một số cơ quan, địa phương triển khai, phát động nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả như: huyện Tuy Phong có các mô hình “Trưng bày sách tại các trường học” (Thư viện huyện); “Đọc và làm theo báo đội” (xã Phước Thể); “Đọc báo sáng” (Công an huyện). Thành phố Phan Thiết có mô hình thành lập Ban Chỉ đạo về “Triển khai, thực hiện Đề án xây dựng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư” nhằm sử dụng hiệu quả tủ sách ở cơ sở.

Gắn đề án với thực hiện các nhiệm vụ chính trị

Tuy nhiên theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trang thiết bị, cơ sở vật chất ở cơ sở vẫn còn hạn chế. Một vài địa phương (nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc) chưa bố trí được tủ sách và phòng đọc riêng để tạo điều kiện thuận tiện cho người dân khai thác, tìm hiểu. Một số địa phương sắp xếp sách chung với kệ lưu trữ hồ sơ của Văn phòng Đảng ủy hoặc Văn phòng Ủy ban nhân dân, nên hiệu quả chưa cao. Ngoài ra, các ấn phẩm được trang bị đa phần được cán bộ xã, phường, thị trấn nghiên cứu là chính, nhân dân đến trụ sở xã, phường, thị trấn chủ yếu là giải quyết công việc hành chính, không có điều kiện, thời gian để nghiên cứu. Đồng thời, hiện nay các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống internet phát triển mạnh nên hầu như nhân dân nghiên cứu qua các kênh này thật sự khi có nhu cầu.

Thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về ý nghĩa và sự cần thiết, về mục đích và yêu cầu của việc thực hiện đề án, làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức sâu sắc và hiểu rõ về chủ trương đúng đắn của Đảng, về trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện đề án. Tăng cường quản lý, sử dụng có hiệu quả các loại sách, ấn phẩm đã được trang bị của đề án. Đồng thời chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, địa phương cần chú trọng công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện tốt việc quản lý, sử dụng sách của đề án; phân công cán bộ phụ trách, theo dõi và hướng dẫn việc tra cứu các loại sách, ấn phẩm được trang bị; thường xuyên đánh giá, sơ kết, rút kinh nghiệm, kịp thời phát hiện, nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả trong triển khai thực hiện...

T.HÀ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Hàm Thuận Bắc: Tổ chức “Ngày hội đọc sách”
Nhằm phát triển “Văn hóa đọc” trong trường học, mới đây (ngày 19/10), Thư viện tỉnh Bình Thuận phối hợp trường Tiểu học Hồng Liêm 3, xã Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc tổ chức “Ngày hội đọc sách” cho học sinh.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hiệu quả từ Đề án trang bị sách cho cơ sở ở xã, phường, thị trấn