Theo dõi trên

Hiệu quả từ mô hình canh tác lúa thân thiện

10/10/2022, 05:22

Sau hơn 1 năm thực hiện, Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Việt Nam” (gọi tắt là dự án SRI) do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam triển khai tại Bình Thuận đã mang lại hiệu quả tích cực, nhất là trong vấn đề bảo vệ môi trường.

Canh tác lúa thân thiện môi trường là phương pháp hướng tới phát triển nông nghiệp sinh thái bền vững, được tiến hành tại hơn 50 quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, dự án được khởi động từ tháng 9/2020 và đã có mặt tại 24 tỉnh, thành trên cả nước. Tại Bình Thuận, dự án được triển khai từ năm 2021 tại các xã Hải Ninh, Hồng Thái (huyện Bắc Bình) và xã Phú Lạc, thị trấn Liên Hương (huyện Tuy Phong).

lua.jpg
Từ nguồn vốn hỗ trợ đồng bào Rai xã Mỹ Thạnh phát triển sản xuất.

Thị trấn Liên Hương hiện có 20 hộ tham gia canh tác lúa theo phương pháp thân thiện môi trường. Anh Nguyễn Minh Chính - Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Liên Hương cho biết, qua thực hiện đề án cho thấy lượng phân bón sử dụng được giảm nhiều. Thông thường 1 vụ lúa sẽ rải phân bón từ 3 – 4 đợt. Nếu canh tác lúa theo phương thức truyền thống thì lượng phân bón hóa học sẽ từ 12 – 15 kg/sào ruộng/đợt. Tuy nhiên khi áp dụng canh tác lúa thân thiện môi trường sẽ giảm được từ 40% - 50% lượng phân bón hóa học và tăng lượng phân bón hữu cơ. Nhờ vậy hạt lúa đẹp, ít bị sâu bệnh, đồng thời bảo vệ được sức khỏe cho người nông dân cũng như cộng đồng.

Ông Tsằn Boi Lộc, xã Hải Ninh (huyện Bắc Bình) nông dân tham gia canh tác lúa thân thiện với môi trường chia sẻ: “Khi tham gia thực hiện mô hình, được cán bộ khuyến nông hướng dẫn cụ thể từ làm đất, gieo mạ, đến hỗ trợ chăm sóc đã mang lại hiệu quả kinh tế hơn so với canh tác lúa truyền thống, nhất là giảm các chi phí đầu vào như giống, phân bón, thuốc trừ sâu và tiết kiệm nước tưới”. Đặc biệt, việc tận dụng phế phẩm từ vỏ trấu để sản xuất than trấu của ông Lộc đã góp phần giảm ô nhiễm môi trường, phát triển sản xuất nông sản sạch, bền vững.

Theo Hội Nông dân tỉnh, sau khi tiếp nhận triển khai thí điểm Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Việt Nam”, Hội Nông dân tỉnh đã thành lập Ban Quản lý dự án. Đồng thời, tổ chức hội thảo tập huấn cho nông dân về phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường và kỹ thuật tưới ướt khô xen kẽ; tổ chức cho nông dân tham quan các mô hình canh tác lúa thân thiện môi trường; tổ chức hội nghị đầu bờ về phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường.

Việc triển khai mô hình đã góp phần hỗ trợ nông dân sản xuất theo hướng hiện đại và bền vững, giảm thiểu những tác động xấu ảnh hưởng đến môi trường; tạo điều kiện phát triển sinh thái đồng ruộng, giảm tác động của dịch hại, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh; tăng khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp với 3 khâu kỹ thuật là: tưới ướt khô xen kẽ, giảm phân hóa học và xử lý rơm rạ. Kết quả bước đầu triển khai mô hình trình diễn tại các xã Hải Ninh, Hồng Thái (huyện Bắc Bình) và xã Phú Lạc, thị trấn Liên Hương (huyện Tuy Phong) cho thấy ruộng áp dụng canh tác thân thiện với môi trường so với ruộng làm theo phương pháp truyền thống, nông dân giảm được lượng giống, giảm lượng phân đạm, giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất lúa bình quân dao động từ 68 - 70 tạ/ha, cao hơn sản xuất đại trà từ 7-10%.

NGỌC HÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Đồng hành cùng nông dân làm giàu
Phát huy vai trò là cầu nối, chỗ dựa tin cậy của hội viên, thời gian qua Hội Nông dân huyện Hàm Tân đã đồng hành, hỗ trợ hội viên triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, cách làm, mô hình mới giúp hội viên nông dân phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hiệu quả từ mô hình canh tác lúa thân thiện