Theo dõi trên

Hoài vọng về biển với rừng trong  “Rừng biển tương tư”

22/05/2020, 09:43

BT- Rừng biển tương tư là tên của một bài thơ nằm trong tập thơ cùng tên của tác giả Tô Duy Thạch.

Bài thơ chỉ gồm 5 khổ thơ, mỗi khổ 4 dòng, mỗi dòng 7 chữ. Số chữ trong bài thơ không nhiều. Song, trong sự giới hạn ấy của ngôn từ, Tô Duy Thạch đã nói được nhiều điều, với chính mình và với bạn đọc.

Ở hai khổ thơ đầu, tác giả đã bộc lộ nỗi lòng của mình với rừng, với núi. Anh đã 3 lần dùng từ “nhớ” để diễn tả tình cảm của mình với rừng: “Nhớ núi”, “Nhớ từ lá cỏ”, “Nhớ khóm thạch lan”… và không chỉ có chừng ấy nhớ, đó còn là nỗi nhớ về thác ngàn tuôn chảy ngàn năm, còn là nhớ những sáng mờ sương, nhớ khói núi, nhớ rừng đại ngàn xanh. Anh quên làm sao được những cảnh vật, nơi anh đã từng sống. Có lẽ, dưới cái nhìn của một nhà thơ, thiên nhiên vẫn có tâm hồn, để thác vẫn kể được chuyện cả thiên thu. Và anh, người ở với rừng nhiều năm, vẫn cứ vấn vương một tình yêu với từng lá cỏ, từng bờ bụi.

Quan sát cảnh vật ở rừng, tác giả đã có sự liên tưởng với hình ảnh con sâu. Con sâu ấy, di chuyển theo tự nhiên như đo những đoạn đường; còn mình, sống theo ngày tháng, như đo mãi thời gian, vẫn chưa hết đời người. Mà đời người cũng chỉ ngắn ngủi mà thôi! Sự liên tưởng ấy gần gũi nhưng sâu sắc.

Hai khổ thơ 3, 4 là nỗi lòng của tác giả khi nhớ về biển. Một lần nữa, từ “nhớ” xuất hiện ở khổ thơ thứ 3: “Nhớ biển”.  Cùng với đó, là tiếng vọng của biển, của sóng, của “khúc miên man”, của cảm giác hơi rùng mình khi đứng trước bờ biển dốc cao, tác giả nghe tiếng gió ngàn reo mà ngỡ sóng tràn bờ.

Ai cũng biết biển lúc đầy, khi cạn. Có những vũng nước gần bờ để có khi những sinh vật sống trong ấy ngụp lặn, quên đường về biển lớn. Và biển, không phải lúc nào cũng phong phú sản vật, giàu có tài nguyên. Khi ở trên rừng, nhà thơ nghĩ nhiều về biển, nghĩ đến những nếm trải từ cuộc sống của mình. Giữa muôn vàn khó khăn, vất vả, anh vẫn chỉ xem cuộc đời mình như một cuộc rong chơi nơi trần thế.

 Ở khổ thơ cuối, khổ thứ năm, tác giả như nhìn lại cả những năm tháng đã qua, lúc ở rừng, khi ở biển. Nơi nào rồi cũng để lại những nỗi nhớ trong anh. Anh nhớ núi khi về xuôi, rồi anh lại nhớ biển khi ở trên rừng. Đây có phải cũng là tâm trạng chung của nhiều người? Lòng mong ước, trông chờ tha thiết của một người, khi ở nơi này lại nhớ, nghĩ về nơi kia? Có khi biết là xa lắm chẳng thể nào tới được! Hay đã là một người, sống ở một nơi, lưu giữ những cảnh sắc thiên nhiên, gắn bó với những con người, với những kỷ niệm thì đâu dễ gì quên nơi ấy! Có lẽ tâm trạng của anh phần nào giống tâm trạng của nhà thơ Chế Lan Viên  khi Chế Lan Viên viết rằng: “Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ/ Nơi nao qua, lòng lại chẳng yêu thương?/ Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn!”. Tô Duy Thạch đã bộc lộ nỗi lòng của mình về những nơi mình đã từng sống, cùng với những mong ước về một nơi nào đó, xa hơn, và có lẽ, đầy ắp những kỷ niệm yêu thương: Khi là sự hoài vọng về rừng, lúc lại là sự mong ước thiết tha về biển.

Toàn bài thơ là sự kết hợp đa dạng của nhiều ngôn từ nghệ thuật. Dưới sự chọn lọc của Tô Duy Thạch, lời thơ có nhiều từ trang trọng. Một số từ Hán Việt cũng đã được tác giả sử dụng trong bài thơ của mình. Đặc biệt, trong “Rừng biển tương tư”, tác giả đã sử dụng rất nhiều từ láy. Đã có những từ láy “trầm trầm”, “bồi hồi”, “miên man”, “rờn rợn”, “mải mê”, “lao đao”, “bâng khuâng”…; cùng có cả những từ ghép lặp phụ âm đầu “thiên thu”, “rong rêu”… Những từ ấy có sự điệp âm, điệp vần, tạo cảm giác lặp lại, nhấn mạnh vào những nỗi nhớ, miên man, khó dứt, tạo dư ba cho những dòng thơ, phù hợp với tâm trạng của tác giả. Tiết tấu bài thơ đa dạng, linh hoạt. Nhà thơ sử dụng cách ngắt nhịp 4/3 là chính trong mỗi dòng thơ. Song cùng với đó là sự ngắt nhịp 2/5, và đan xen với 3/4. Cách ngắt nhịp ấy tạo âm hưởng nhẹ nhàng cho cả bài.

Tô Duy Thạch, nhà thơ sinh hoạt tại Chi hội Văn học Nghệ thuật Tuy Phong, đã rất khéo khi đặt tên cho bài thơ của mình: “Rừng biển tương tư”.  Hoài vọng về một nơi khác, dẫu cùng trên quê hương của mình, đã gợi những cảm xúc mạnh mẽ, để với những ngôn từ cô đúc, tác giả đã lưu lại được những rung cảm da diết, cùng những suy tư về cuộc sống, về đời người trong bài thơ.

Với những gì mà nhà thơ đã thể hiện trong thi phẩm, “Rừng biển tương tư” quả là một bài thơ hay, một trong những bài thơ tiêu biểu của nhà thơ Tô Duy Thạch. 

Minh Trí



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Cử tri xã Phan Điền:
Kiến nghị các vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số
BTO-Chiều 23/12, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bình Thuận ông Lê Quang Huy - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; ông Nguyễn Hữu Thông, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đã có buổi tiếp xúc cử tri tại xã Phan Điền (Bắc Bình), thông báo kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan, lãnh đạo huyện Bắc Bình và xã Phan Điền.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hoài vọng về biển với rừng trong  “Rừng biển tương tư”