Cách động viên thuyết phục nhất
Thôn Lạc Trị, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong vừa gỡ bỏ phong tỏa chưa lâu. Tổ trực chốt tại thôn Đại Thành, xã Mương Mán, huyện Hàm Thuận Nam cũng vừa kết thúc nhiệm vụ cách đây 3 ngày. Cả hai nơi đều cùng niềm vui trong chừng ấy ngày cách ly không có thêm F0 nào nữa. Nhưng rồi trong 1 ngày của hôm 14/7, thị xã La Gi, huyện Tánh Linh có thêm 9 ca nữa. Các khu dân cư có liên quan F0 lại phong tỏa… Tính ra 20 ngày, kể từ lúc Bình Thuận phát hiện ca bệnh Covid-19 trong đợt dịch lần thứ 4, số ca bệnh đã chạm con số 25. So với những tỉnh, thành khác nằm trong chuỗi ngày lây nhiễm liên tiếp qua, có nơi 1 ngày công bố 50 ca, có nơi vài trăm ca, Bình Thuận 20 ngày có 25 ca được xem là nơi có số ca bị lây nhiễm hạn chế. Nói không quá rằng, chính quyền tỉnh đã có những chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, cộng thêm cả hệ thống chính trị lẫn người dân trong tỉnh được “tập dượt” từ đợt dịch đầu tiên của năm 2020 nên tất cả đã ứng phó với tình huống xảy ra rất nhanh gọn. Truy vết trọn, hết các F1, F2 trong thời gian ngắn nhất. Các khu cách ly tập trung của quân đội đã thành thục chỉ cần kích hoạt; các khu cách ly của các huyện, thị, thành phố có sự hỗ trợ của quân đội trên địa bàn cũng đi vào hoạt động nhịp nhàng. Người dân đã biết giãn cách xã hội như thế nào, nên tự tính tạm thời việc mưu sinh. Cũng ít kêu ca hơn, gần như đã tự thích ứng với hoàn cảnh, vì ai cũng nhận ra rằng vào lúc này được sống đã là quý, mọi chuyện khác xảy đến đều có thể thu xếp được.
Và từ đó đã hình thành 1 tinh thần vượt khó khăn rất phổ biến, ít nhất là ở trong suy nghĩ. Để từ đó, giữ được tâm bình trước biến cố cuộc sống. Từ trong các khu cách ly tập trung hay cách ly tại nhà, không ít tài khoản mạng xã hội đã nhủ lòng mình qua đăng, chia sẻ một số bài thơ thể hiện ý chí vượt khó của Bác trong tập “Nhật ký trong tù”. Nổi bật nhất là bài Tự khuyên mình của Bác với 4 câu: “Ví không có cảnh đông tàn/ Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân/ Nghĩ mình trong bước gian truân/ Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng”.
Tai ương, áp vào tình hình hiện tại là dịch Covid-19. Các F1, F2, nhân dân trong vùng phong tỏa, trong thời điểm giãn cách xã hội, đã vì sức khỏe của bản thân và cả cộng đồng mà chịu những ngày cách ly xa gia đình, không tự do trong đi đứng… Có khó ở, trắc trở ấy nhưng đâu là gì so với Bác Hồ, một lãnh tụ, nhà cách mạng, nhà lãnh đạo, chủ tịch nước, anh hùng dân tộc và là một vĩ nhân. Sau tất cả những danh hiệu đó, Bác Hồ cũng là một con người đã trải qua bao khó khăn, nghịch cảnh từ lúc còn ấu thơ cho đến những năm tháng ra đi tìm đường cứu nước và trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc. Tất cả đã hun đúc một tinh thần thép, ý chí kiên cường đối mặt và vượt qua mọi khó khăn, hoàn cảnh để trở thành một nhân cách sống cho biết bao thế hệ. Thời điểm năm 1942, khi ở Trung Quốc Bác bị bắt và giải qua gần 30 nhà lao, nhưng trong thời gian bị giam cầm ấy, Người đã sáng tác 1 tác phẩm đồ sộ nổi tiếng “Nhật ký trong tù” là một minh chứng. Để bây giờ, bao người trong cảnh tai ương của dịch bệnh đã biết cách chọn nội dung chia sẻ, động viên nhau 1 cách thuyết phục nhất, hiệu quả tức thì qua gợi nhớ từ Bác Hồ. Ở tầm rộng lớn hơn, cả tỉnh cùng vượt qua khó khăn để thực hiện đạt các chỉ tiêu kinh tế xã hội của năm 2021, khi bây giờ đã vào chặng đầu 6 tháng cuối của năm.
Chia sẻ thân thương nhất
Nói đến động viên thì gắn liền với chia sẻ. Nói đến chia sẻ lại nhớ quan điểm của Bác Hồ về con người. Từ thập kỷ bốn mươi của thế kỷ XX, Bác Hồ đã bàn đến chữ “Người” với nhiều nghĩa và phạm vi khác nhau. Với nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn. Với nghĩa rộng là đồng bào cả nước, cả loài người. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, con người ở đây là đồng bào đồng chí, là người Việt Nam yêu nước, là trẻ, già, gái, trai, miền xuôi, miền ngược… Điều đó có nghĩa, “người trong 1 nước phải thương nhau cùng”, phải đoàn kết, gắn bó, chia sẻ, giúp đỡ nhau những lúc khó khăn, hoạn nạn. Đó là chia sẻ thân thương nhất, vì xuất phát từ nguồn cội, từ tấm lòng yêu thương con người, không phân biệt thân quen hay xa lạ và đó cũng đã là truyền thống của người Việt Nam. Truyền thống ấy đã được thể hiện rất rõ trong những ngày qua, khi nơi này, thôn kia trong tỉnh phải phong tỏa, các khu cách ly tập trung được kích hoạt thì hầu như các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, công ty cho đến những người dân đều góp tiền của, vật dụng nhu yếu phẩm, tùy vào sức của mình để những người ở nơi cách ly ấy ấm lòng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Vì thế, mới có chuyện giúp nhau mớ rau, con cá, lon gạo, ổ bánh mì, chút tiền khiến ai nghe cũng hiểu câu “Của ít lòng nhiều”.
Chưa hết, cách chia sẻ, đùm bọc ấy rất lạ, không theo kiểu giàu dư mới cho tặng mà đôi khi đang trong cảnh khó nhưng thấy nơi khác khó hơn thì nhường lại để giúp qua bước ngặt nghèo. Như những ngày qua, người Bình Thuận đã chuyển hàng hóa hỗ trợ cho người TP.HCM với “cây nhà lá vườn” hàng tấn cá tươi, cá khô, thanh long… Và sự sẻ chia ấy cũng mênh mông lắm như tại khu cách ly Trung đoàn 812 ở Tiến Lợi – TP. Phan Thiết, hầu như ngày nào từ khi kích hoạt cũng có các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cả người dân đến ủng hộ các vật dụng cần thiết để mọi người sử dụng qua những ngày chống dịch. Tại đây, cũng cảm nhận được các cán bộ, chiến sĩ không chỉ sẵn sàng nhường nhà, nhường giường để nhân dân có chỗ ở trong thời gian cách ly theo quy định, mà còn thức khuya, dậy sớm lo từng suất ăn; theo dõi chặt chẽ, kỹ lưỡng tình hình sức khỏe. Phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ ở đó, thể hiện bằng những việc làm, hành động bình dị đã khơi dậy, lan tỏa và phát huy lòng yêu thương con người, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái trong cảnh khó. Lúc này chuyện chia sẻ, động viên cùng nhau vượt khó đã thành đương nhiên trong suy nghĩ, hành động của bao người. Và đó cũng là tinh thần vì con người của Bác Hồ.
Với sự hỗ trợ lực lượng của Trường Quân sự tỉnh, hơn 10 tấn hàng hóa đã nhanh chóng được chuyển xuống xe để kịp thời phân phối cho các huyện, thị, thành phố tỉnh Bình Dương. |
Bích Nghị