Theo dõi trên

Học viết báo từ “Khám phá nghề biên tập”

23/08/2024, 05:08

Tôi yêu thích việc viết báo từ thuở còn ngồi trên ghế nhà trường. Nhưng tôi lại không có điều kiện để theo nghề báo. Khi nghỉ hưu, tôi mới có thời gian đến với một công việc mà mình yêu thích từ lâu. Do chưa từng có một ngày được học về nghiệp vụ báo chí, để có thể viết báo, tôi tìm cách tự đọc, tự học.

Một trong những cuốn sách tôi đọc rất kỹ trước khi đến với công việc viết báo là cuốn “Khám phá nghề biên tập” của nhà báo Ngọc Trân. Cuốn sách do Nhà Xuất bản Trẻ xuất bản năm 2013, với 9 chương. Nhà báo Ngọc Trân đã từng làm việc tại Báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Thời báo Kinh Tế Sài Gòn. Ông từng tu nghiệp tại Đại học Báo chí Lille và thực tập ở nhật báo Ouest France. Ông là giảng viên thỉnh giảng Khoa Báo chí và Truyền thông Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP. Hồ Chí Minh.

z5749519417066_d5f4597959dc8535606b497816013b3c.jpg

Điều tôi học được từ tập sách

Tại sao lại là cuốn sách này giúp tôi đến gần với công việc viết báo?

Đọc báo nhiều năm, tôi phần nào biết được rằng: Việc biên tập là công việc của những nhà báo chuyên nghiệp, có nhiều kinh nghiệm trong việc viết, sửa chữa bài vở. Khi tôi đọc tập sách, tôi nhận ra rất nhiều điều quý giá cho bản thân trước khi tôi bắt tay vào việc viết báo.

Chương 2 của tập sách với tiêu đề “Biên tập chuyên nghiệp”, có phần: “Tầm quan trọng của bạn đọc”. Tôi đọc được rằng: “Bạn đọc không chỉ thích các sự kiện lớn. Họ muốn thấy mình trong các trang báo, được quan tâm về mọi mặt – một trong những lý do để bạn phải tự nhủ, tự răn: Ta không viết cho ta hoặc cho nguồn tin, mà viết cho bạn đọc”; “Bạn đọc cũng muốn thấy trong tờ báo một phần thế giới riêng của họ, cuộc sống của họ, những gì họ lo lắng và quan tâm”; “Bạn đọc không thích những bài khó hiểu”.

Tôi ý thức được rằng: Bạn đọc là thành phần không thể thiếu trong hoạt động báo chí. Tôi hướng các bài viết của mình về đây, vào những độc giả của báo, để chọn đề tài, tìm tư liệu viết bài.

Ở Chương 4 của tập sách, “Tính chính xác của thông tin”.

Tôi rất coi trọng tính chính xác của bài viết, nhất là khi tôi đọc được những dòng của nhà báo rất nổi tiếng Joseph Pulitzer được trích dẫn trong tập sách: “Sự chính xác đối với một tờ báo cũng giống như tiết hạnh đối với một người phụ nữ”. Điều này đã nhắc tôi: Trong lúc tìm đọc các tài liệu, các tác phẩm văn học, cần tôn trọng nguyên bản, những câu chữ chính thức trong các tác phẩm được xuất bản, từ đó, phân tích, giới thiệu đến độc giả.

Tôi đặc biệt quan tâm đến ý: “Thông tin cần dễ hiểu”. Nhà báo Ngọc Trân đã viết: “Thương hiệu của một tờ báo được xây dựng từ chất lượng của sản phẩm chính: các bài viết”…; “Về nguyên tắc, văn báo cần dễ hiểu, tức ai cũng hiểu được”. William Strunk và E.B.White đã viết: “Người cầm bút phải viết mọi câu văn một cách ngắn gọn… phải viết sao cho mỗi từ đều phải nói lên cái gì đó”.

Ở Chương 7, “Giúp người gặp khó khăn trong viết lách”, tập sách đã giúp tôi nhận thức được: “Viết báo giống như dựng nhà, trước hết phải có vật liệu – tức ý tưởng và thông tin”. Tôi tâm đắc với ý kiến của tác giả tập sách: “Sự thành công của người cầm bút tỷ lệ thuận với khả năng chuyển các ý tưởng thành các bài báo”; “Con người chứ không phải các con số mới làm cho bài báo có da có thịt”; “Bạn đọc luôn vui buồn theo những nỗi buồn vui của các nhân vật báo chí”.

Trước câu hỏi “Viết báo quan trọng nhất là gì?”, nhà báo Ngọc Trân đã trích ý của nhà báo Nguyễn Đông Thức: “Quan trọng nhất khi viết là phải nắm được thông tin, càng đầy đủ và nhiều chiều càng tốt… Tôi đánh giá cao tính khách quan, trung thực và đúng sự thật”.

Ở Chương 8, “Quy trình viết lách”, tôi rất chú ý nội dung sau: “Giật tít hay cho báo”. “Viết tít và viết cho hay là công việc cực kỳ cần thiết trong báo chí hiện đại, không nên xem nhẹ. Tít dở, không gây thích thú có thể khiến độc giả bỏ qua bài”.

Quả thật, trước khi đọc tập sách, tôi chưa hiểu biết về lời mào đầu của bài báo. Đọc “Khám phá nghề biên tập” tôi nhận ra: “Sa pô, tức là lời mào đầu, là một thành phần của bài báo, chỉ có vài dòng nhưng đã đủ cho độc giả bận rộn hiểu được ý chính, thông tin chính của bài báo”. “Sa pô là thành phần nổi bật dễ nhìn thấy nằm giữa tít và nội dung”.

Chương 9, “Thuật kể chuyện”. Đọc phần này của tập sách, đối chiếu với rất nhiều bài báo mình đã đọc từ trước đến nay, tôi nhận ra ý tưởng rất đúng của tác giả: “Đối với nhiều bạn đọc, tỷ lệ phần trăm thất nghiệp không có ý nghĩa gì nhiều. Nhưng họ sẽ say mê đọc bài về một công nhân nhà máy dệt bị mất việc làm”; “Một nhà chính trị từng nói 10 triệu người chết là con số thống kê; nhưng 1 người chết lại trở thành tấn thảm kịch. Điều này cho thấy tác động của việc tập trung vào một phần của tổng thể”.

Ở trang bìa cuối của tập sách, nhà báo Ngọc Trân đã viết những dòng thật trân trọng đối với người biên tập: “Từ trước đến giờ, các cây bút chuyên nghiệp và được giải thưởng báo chí vẫn thường thừa nhận và ca ngợi công lao của người biên tập…”; cùng rất nhiều những nội dung hữu ích khác.

Áp dụng vào việc viết

Nhiều điều tôi học được từ tập sách “Khám phá nghề biên tập” đã giúp tôi chuẩn bị cho mình những kiến thức để viết báo. Âm thầm góp nhặt, tích lũy dần dần, cùng với việc đọc những tập sách khác liên quan đến nghề báo, cộng với vốn viết câu, viết đoạn, viết bài đã học ở chương trình ngữ văn đại học và cao học, tôi đem áp dụng vào thực tế, viết những bài đầu tiên. Ban Biên tập Báo Bình Thuận đã duyệt đăng. Rồi dần những bài báo về sau, đến nay, đã gần 7 năm.

Tôi rất coi trọng tính chính xác của những thông tin mình đưa đến trong bài, gởi đến độc giả. Điều này được tôi chú ý khi viết các bài đọc sách và tôi càng đặc biệt quan tâm khi phỏng vấn các nhân vật, để khi nghe các anh chị em kể lại chuyện đời, chuyện nghề, những thành quả trong lao động của các anh chị em ấy, tôi mong họ cung cấp chính xác để bảo đảm độ chân thực của bài viết khi ra mắt độc giả. Tôi ý thức rằng: Những vấn đề mình viết ra hôm nay, độc giả đọc được, có khi những thông tin, tư liệu ấy lại được trích dẫn ở những bài viết sau hoặc được chia sẻ ở những website khác. Nếu mình viết không thật chính xác, những nội dung ấy được trích dẫn ở bài viết của người viết sau, thì bài viết sau ấy có khi lại tiếp tục đưa thông tin chưa đúng đến với độc giả. Điều ấy là tuyệt đối tránh trong các tác phẩm báo chí và cả trong nghiên cứu khoa học.

Bài viết của mình đến được với độc giả, với tôi là một sự sẻ chia. Sẻ chia một phần những tư liệu mà tôi đã có dịp đọc được, những thông tin phần nào đó có ích đối với bạn đọc. Có một số bài của tôi, được nhân vật của bài và bạn đọc đồng cảm, tạo cho tôi có thêm niềm vui, động lực để tiếp tục viết những bài mới.

MINH TRÍ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Còn cha mẹ là còn tất cả
“Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/Một lòng thờ mẹ kính cha/Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con” – câu ca dao mà gần như ai cũng biết, cũng thuộc nói về công ơn to lớn không đo đếm được của mẹ cha. Những ngày tháng 7 âm lịch này lại được mọi người nhắc lại nhiều hơn như một sự ghi nhớ về đạo làm con phải lấy chữ hiếu làm đầu.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Học viết báo từ “Khám phá nghề biên tập”