Theo dõi trên

Hội nghị Báo chí toàn quốc năm 2024: “Nóng” chuyện sáp nhập, hợp nhất cơ quan báo chí

18/12/2024, 05:24

Nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới đối với cơ quan báo chí là phải vừa tuyên truyền định hướng tốt chủ trương về việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, đồng thời nhiều cơ quan báo chí cũng phải làm tốt việc sáp nhập, hợp nhất chính mình.

Hợp nhất, sáp nhập là tất yếu

Một trong những vấn đề được quan tâm chia sẻ tại Hội nghị báo chí toàn quốc năm 2024 vừa diễn ra tại TP. Cần Thơ đó là xung quanh vấn đề triển khai thực hiện tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Trong đó việc sáp nhập và hợp nhất các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương được các đại biểu là lãnh đạo các cơ quan quản lý báo chí và lãnh đạo các báo quan tâm chia sẻ, để cùng nhau phát triển theo hướng “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”.

dsc07519-1-.jpg
Các đại biểu chủ trì hội nghị.

Ông Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập báo Hà Nội Mới cho rằng, vấn đề sắp xếp tinh gọn bộ máy của cơ quan báo chí là công việc cần làm, nên làm và đến thời điểm thì phải làm. Tuy nhiên, câu chuyện đặt ra là làm như thế nào, giải pháp gì, tinh gọn thế nào để mạnh hơn mà tiết kiệm nguồn lực xã hội. Từ câu chuyện hợp nhất báo Hà Nội Mới và báo Hà Tây cách đây 15 năm; sáp nhập báo Pháp luật Xã hội vào báo Kinh tế đô thị năm 2021, ông Đức chia sẻ bài học cần rút ra là phải xây dựng kế hoạch hợp nhất, sáp nhập chi tiết; có giai đoạn chuyển tiếp; giữ vững các ấn phẩm chủ lực, tối ưu hóa cơ cấu tổ chức; xác định rõ chức năng và nhiệm vụ sau sáp nhập; tái cấu trúc và đào tạo lại nhân sự.

Hiện báo Hà Nội Mới đang được Thành ủy Hà Nội giao cho sáp nhập 3 báo Tuổi trẻ thủ đô, Phụ nữ thủ đô và Lao động thủ đô với nhân sự khoảng 150 người. Đề án đang hoàn thiện, với nguyên tắc là tiếp tục duy trì ấn phẩm để giải quyết công ăn việc làm; thực hiện nhiệm vụ chính trị và phục vụ bạn đọc. Cũng theo ông Đức, đối với các báo địa phương theo quy hoạch 2020-2025, một địa phương có một báo và một đài, hiện có địa phương quyết định nhập báo đài với nhau, có địa phương giữ nguyên, rất lúng túng. Do vậy, Ban Tuyên giáo Trung ương và các bộ, ngành liên quan phải thống nhất về mặt tổ chức thì lúc ấy chúng ta mới thực hiện được. Cạnh đó ông Đức cũng đề nghị nên hỗ trợ tài chính tối thiểu 3 năm để tiếp tục duy trì nhiệm vụ xuất bản ấn phẩm phục vụ bạn đọc cũng là cách để duy trì công việc của phóng viên, biên tập viên. Từ đó, ông Đức kiến nghị công tác nhân sự phải cân nhắc, nhất là đối với phóng viên, biên tập viên lớn tuổi, khoảng 40-55 tuổi sẽ gặp khó khăn trong chuyển đổi nghề nghiệp…

dsc07446-2-.jpg
Quang cảnh tại hội nghị báo chí toàn quốc năm 2024.

Sửa đổi Luật Báo chí

Báo cáo tại hội nghị, ông Bùi Hoàng Phương, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, đã thông tin bước đầu về tình hình sắp xếp các cơ quan báo chí theo tinh thần Nghị quyết 18 của Trung ương. Theo đó, tính tới thời điểm hiện nay, riêng cơ quan báo chí thuộc cơ quan Đảng, thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và tổ chức chính trị xã hội dự kiến sau sắp xếp tinh gọn sẽ giảm 19 tạp chí, 10 tờ báo, 5 kênh truyền hình. Các cơ quan báo chí sắp xếp lần này sẽ thay đổi về cơ cấu tổ chức bộ máy, thay đổi mô hình hoạt động, tôn chỉ mục đích hoạt động để phù hợp chức năng nhiệm vụ của cơ quan chủ quản mới.

Điều này sẽ tác động tới các cơ quan báo chí, do đó ông Phương đề nghị cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí chủ động có phương án, giải pháp sắp xếp, tinh gọn đảm bảo hiệu lực hiệu quả, phù hợp với đơn vị của mình để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Có phương án lựa chọn lãnh đạo cơ quan báo chí sau sắp xếp phù hợp, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn và quy định của Đảng, pháp luật về báo chí, nhanh chóng có phương án ổn định tổ chức bộ máy hoạt động sau sắp xếp.

Các cơ quan báo chí xác định rõ tôn chỉ mục đích để bám sát thực hiện nhiệm vụ của cơ quan chủ quản. Ông Phương cũng cho biết bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương, các cơ quan liên quan triển khai một số nội dung liên quan, như triển khai tổng kết một số mô hình báo chí đặc thù như Trung tâm Truyền thông của tỉnh Quảng Ninh, Đài Phát thanh Truyền hình và Báo Bình Phước và một số mô hình đặc thù tại các bộ, ngành, địa phương để làm cơ sở cho việc đề xuất cấp có thẩm quyền mô hình, phương án sắp xếp phù hợp.

Tiếp đến là phối hợp cơ quan, đơn vị liên quan sớm có buổi họp trao đổi với cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí triển khai sắp xếp để lắng nghe khó khăn, vướng mắc, tâm tư, tình cảm, đề xuất kiến nghị để trên cơ sở đó phối hợp, có phương án xử lý, hỗ trợ giải quyết hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định.

Bộ cũng sẽ chủ động phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan liên quan có hướng dẫn hỗ trợ các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ, quy trình thực hiện cấp lại giấy phép, bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí trong thời gian ngắn nhất để giúp cơ quan báo chí sớm ổn định hoạt động. Đặc biệt, ông Phương cho biết năm 2025 bộ cũng tập trung xây dựng Luật Báo chí sửa đổi trình Quốc hội thông qua với các nhóm chính sách, trong đó có chính sách thúc đẩy kinh tế báo chí…

Sẽ có cơ chế ổn định và phát triển

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, năm 2025 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, năm diễn ra Đại hội Đảng các cấp hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, năm với rất nhiều sự kiện trọng đại, ngày lễ kỷ niệm lớn của đất nước. Riêng với những người làm báo, năm 2025 còn là một năm đặc biệt ý nghĩa, một dấu mốc vô cùng quan trọng: Kỷ niệm 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam.

Để thực hiện tốt sứ mệnh, thực hiện thành công mục tiêu “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại”, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu các cơ quan báo chí cần tiếp tục tuyên truyền sâu sắc, toàn diện, kịp thời các chỉ thị, nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước, trong đó có Nghị quyết số 18 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đặc biệt là tư tưởng chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Trước việc hợp nhất, kết thúc hoạt động của các cơ quan báo chí, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng chia sẻ đối với những băn khoăn, lo lắng của những người làm báo. Đồng thời cho biết Đảng, Nhà nước sẽ có cơ chế chính sách bảo đảm quyền lợi cho cơ quan báo chí, những người làm báo bị tác động của việc sắp xếp, tinh gọn; sẽ có chính sách đầu tư nguồn lực để bảo đảm các cơ quan báo chí sau sắp xếp hoạt động ổn định và phát triển…

PHÚC SINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Báo chí phải tuyên truyền sâu sắc và toàn diện về kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
BTO-Chiều ngày 16/12/2024, tại Thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hội nghị Báo chí toàn quốc năm 2024: “Nóng” chuyện sáp nhập, hợp nhất cơ quan báo chí