Tại hội nghị, nông dân được nghe báo cáo đánh giá kết quả mô hình, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất. Song song, tiến hành các bước kiểm tra chất lượng về số hạt, bông… trực tiếp tại đồng ruộng. Mục đích so sánh kết quả giữa mô hình áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường với ruộng lúa đối ứng.
Cụ thể, qua 4 mô hình thí điểm về “Canh tác lúa thân thiện với môi trường áp dụng kỹ thuật tưới nước ướt - khô xen kẽ (nông lộ phơi)” tại các xã, thị trấn gồm Hải Ninh, Hồng Thái (Bắc Bình) và Phú Lạc, Liên Hương (Tuy Phong), kết quả tại ruộng thí điểm mô hình cho thấy năng suất lúa bình quân dao động từ 68-70 tạ/ha, cao hơn sản xuất đại trà từ 7-10%.
Nông dân giảm lượng giống gieo sạ từ 25 - 30% so với truyền thống. Đặc biệt, nhờ ứng dụng kỹ thuật tiết kiệm nước trong quá trình sản xuất lúa, góp phần giúp cây lúa thông thoáng, ít bị sâu bệnh gây hại, gia tăng lợi nhuận… Thông qua hội nghị, giúp nông dân nâng cao nhận thức, thay đổi phương pháp canh tác truyền thống sang canh tác lúa thân thiện với môi trường, góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Được biết, canh tác lúa thân thiện môi trường là phương pháp hướng tới phát triển nông nghiệp sinh thái bền vững, được tiến hành tại hơn 50 quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, dự án được khởi động từ tháng 9/2020 và đã có mặt tại 24 tỉnh, thành trên cả nước, bao gồm tỉnh Bình Thuận.Trong đó, áp dụng hệ thống canh tác lúa cải tiến SRI mang lại hiệu quả sản xuất, góp phần giảm phát thải khí nhà kính; bảo vệ môi trường sinh thái, hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững và nâng cao giá trị gia tăng.