Nông dân Đức Linh với mô hình tổ hội nghề nghiệp trồng lan. |
Giúp nhau phát triển kinh tế
Trong những năm qua trên địa bàn huyện Đức Linh phong trào trồng hoa lan, chơi hoa lan đã phát triển rộng khắp và ngày càng lớn mạnh. Tuy nhiên, phong trào chỉ mang tính tự phát, riêng lẻ chưa có sự tập hợp những người có chung đam mê để chung tay hợp tác phát triển nghề trồng lan, đồng thời tạo một sân chơi lành mạnh, đoàn kết và phát triển bền vững.
Đầu năm 2020, Hội Nông dân thị trấn Đức Tài (Đức Linh) đã thành lập tổ hội nghề nghiệp trồng lan. Ngày mới thành lập, tổ hội chỉ có 7 thành viên và đến nay số lượng thành viên đã tăng lên gần 30 người. Tham gia tổ hội từ ngày đầu mới thành lập, sau hơn 1 năm, anh Võ Tấn Hiệp ở tổ 6, khu phố 8, thị trấn Đức Tài đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm để phát triển vườn lan của mình. Anh Hiệp tâm sự: “Khi biết thành lập tổ hội nghề này, tôi đã đăng ký tham gia. Vào tổ hội, anh em có niềm đam mê trồng lan đã liên kết lại hỗ trợ nhau kỹ thuật trồng và chăm sóc, đồng thời chia sẻ giống các loại lan quý, vừa mua bán hoa lan tạo thu nhập cho mỗi thành viên từ 5 – 10 triệu đồng/tháng”. Trung bình mỗi tháng, tổ hội nghề nghiệp trồng lan sẽ tổ chức 1 – 2 lần tập huấn và sinh hoạt định kỳ để chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi kỹ thuật trồng, thông tin thị trường.
Nhiều thành viên trong tổ hội nghề nghiệp trồng lan cũng cho biết: Việc ra đời của mô hình này đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo ra một hướng đi mới cho hội viên Hội Nông dân, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc lan. Nhờ đó đã giải quyết được lao động nhàn rỗi, tạo điều kiện cho những hội viên nông dân thiếu đất sản xuất tham gia để nâng cao thu nhập, góp phần xây dựng tổ chức hội của địa phương ngày càng gắn kết với nông dân.
Mô hình được nhân rộng
Từ điểm sáng ở thị trấn Đức Tài, nhiều cơ sở Hội Nông dân ở huyện Đức Linh đã tích cực tuyên truyền, động viên hội viên thành lập các tổ, chi hội nghề nghiệp để hỗ trợ nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, huyện Đức Linh có hơn 10 chi, hội nghề nghiệp và 2 tổ hội như Chi hội chăm sóc cây điều, Chi hội trồng cây ăn trái, Chi hội trồng cây tiêu…
Theo ông Trương Văn Hòa - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đức Linh: Thực hiện Nghị quyết 04 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về đẩy mạnh xây dựng chi hội nông dân nghề nghiệp; tổ hội nông dân nghề nghiệp, Hội Nông dân huyện Đức Linh đã xây dựng mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp trên tiêu chí “5 cùng” là: Cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng trách nhiệm và cùng hưởng lợi trên nguyên tắc tự nguyện, tự quản, phối hợp hoạt động. Mô hình ra đời đã góp phần định hướng sản xuất, phù hợp trong việc xây dựng đề án mỗi xã một sản phẩm. Các chi hội, tổ hội nghề nghiệp đã liên kết sản xuất nông nghiệp giúp nông dân tư duy sản xuất theo chuỗi giá trị. Từ đó, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, mở rộng quy mô sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, cải thiện đời sống cho hội viên. Mặt khác, mô hình chi hội, tổ hội nghề nghiệp đã tạo sự gắn kết giữa xây dựng tổ chức hội vững mạnh với nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, phát triển nông nghiệp bền vững và xây dựng nông thôn mới.
“Trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện Đức Linh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhân rộng mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp để góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; thúc đẩy việc xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn”, ông Hòa cho biết thêm.
Hoa Tranh