Theo dõi trên

Hội Nông dân huyện Hàm Thuận Bắc: Tạo điều kiện phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp

02/10/2018, 08:58

BT- Những năm gần đây, Hội Nông dân huyện Hàm Thuận Bắc đã phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động thành lập được 27 chi, tổ hội nghề nghiệp, thu hút 539 hộ dân tham gia. Xây dựng, phát triển 17 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, ngành nghề và 124 tổ hợp tác sản xuất thanh long VietGAP, với 3.652 hộ dân tham gia. Hoạt động của các HTX, tổ hợp tác nông nghiệp, chi, tổ hội nghề nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển, thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Nhất là các chi, tổ hội nghề nghiệp đã tập hợp, gắn bó hội viên với nhau và tạo ra cơ chế tự liên kết trong sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị hàng hóa.

                
      
Hội Nông dân xã Hàm Phú đã tạo điều kiện    cho hội viên vay vốn ngân hàng đầu tư trồng thanh long.

 Thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp

Theo ông Nguyễn Văn Bến, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hàm Thuận Bắc: Mới đầu, Hội Nông dân huyện đã chọn 6 xã, thị trấn làm điểm xây dựng 14 chi, tổ hội nghề nghiệp, thu hút 113 thành viên tham gia. Cụ thể: Xã Hàm Đức thành lập chi hội nghề nghiệp sản xuất lúa giống tại thôn 1, có 38 hộ dân tham gia; xã Hàm Trí thành lập chi hội nghề nghiệp sản xuất thanh long bền vững tại thôn Phú Thái, có 40 hộ dân tham gia; xã Hồng Sơn thành lập chi hội nghề nghiệp sản xuất rau an toàn tại thôn 2, có 33 hộ dân tham gia; thị trấn Phú Long thành lập chi hội nghề nghiệp sản xuất rau an toàn tại khu phố Phú Trường, có 32 hộ dân tham gia. Các xã Hàm Trí, Hàm Liêm, Hồng Sơn, thị trấn Ma Lâm đã xây dựng 4 tổ hội nghề nghiệp, thu hút hàng trăm hội viên tham gia.

Thông qua các mô hình chi, tổ hội theo nghề nghiệp đã tạo tiền đề cho việc thành lập các tổ hợp tác, HTX, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng là tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Chi, tổ hội nghề nghiệp không những thúc đẩy phát triển sản xuất mà còn củng cố hoạt động của các tổ chức hội nông dân. Nhiều xã đã nhân rộng các mô hình hoạt động của các chi, tổ hội nghề nghiệp, như: Xã Hồng Sơn thành lập thêm 8 tổ hội nghề nghiệp; xã Hàm Trí thành lập 5 tổ hội nghề nghiệp; xã Hàm Đức thành lập 3 tổ hợp tác sản xuất thanh long, rau, củ quả theo hướng an toàn.

 Hỗ trợ kinh tế tập thể phát triển

Để mô hình kinh tế tập thể ngày càng phát triển, các cấp hội nông dân đã thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ nông dân, như xây dựng, sử dụng quỹ hỗ trợ nông dân, quỹ hội, các nguồn vốn vay và việc thu hồi nợ tại các ngân hàng, các dự án. Qua đó nắm bắt tình hình hoạt động của các chi, tổ hội, tổ hợp tác, HTX để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cán bộ, hội viên. Đồng thời, tổ chức nhiều lớp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho hội viên và phối hợp với Công ty phân bón Sông Lam cung ứng 1.022 tấn phân bón, với trị giá 3,5 tỷ đồng cho các hộ dân. Hội Nông dân huyện cùng với Công ty Enzyma đã ứng dụng công nghệ sinh học trên cây trồng tại 5 xã, thị trấn và cung ứng 46,5 tấn phân bón cho nông dân các xã trồng thử nghiệm 20 ha thanh long, 10 ha rau màu.

Các cấp hội nông dân đã vận động các hội viên đóng góp xây dựng quỹ hỗ trợ nông dân huyện trên 775,4 triệu đồng để cho các hộ nghèo, cận nghèo vay vốn sản xuất, chăn nuôi và hướng dẫn các chi, tổ hội lập 33 dự án vay 4.125,4 triệu đồng từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân của Trung ương, tỉnh để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục thành lập, củng cố các tổ liên kết vay vốn, tín chấp cho 1.263 hội viên, nông dân vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp -PTNT huyện trên 55.858 triệu đồng và hợp đồng nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho 3.841 hộ dân vay 87.618 triệu đồng đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi. Các cấp hội đã mở 286 lớp đào tạo nghề cho 7.645 hội viên, nông dân để giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập gia đình...

Khánh Huyền



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hội Nông dân huyện Hàm Thuận Bắc: Tạo điều kiện phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp