Khám bệnh bảo hiểm y tế. Ảnh minh họa |
Tiếp theo là lần lượt các tỉnh - thành khác trên cả nước, theo lộ trình từ nay đến hết năm 2017, giá viện phí mới với người không có BHYT sẽ áp dụng trên toàn quốc.
Danh mục dịch vụ y tế áp giá mới gồm hơn 1.900 loại, đa số tăng từ 20%-50% so với trước, cá biệt có dịch vụ tăng 2-3 lần.
Khác biệt giữa người có thẻ BHYT và người không có thẻ BHYT là: bệnh nhân BHYT được quỹ BHYT chi trả phần lớn chi phí, còn lại chỉ phải trả cao nhất là 20% cho các dịch vụ nằm trong danh mục. Còn bệnh nhân không có thẻ BHYT phải chi trả toàn bộ 100% chi phí KCB. Đặc biệt những bệnh nhân phải sử dụng các dịch vụ kỹ thuật cao tới vài chục triệu đồng, thì phải móc hầu bao rất nhiều.
Các chuyên gia cảnh báo: rất nhiều gia đình không tham gia BHYT có nguy cơ khánh kiệt vì gánh nặng viện phí, nếu không may mắc bệnh hiểm nghèo.
Ở Bình Thuận, tính đến tháng 5/2017 có 849.838 người có BHYT (tương ứng 69,51% dân số). Đây là tỷ lệ thấp so với mặt bằng của cả nước là 82% dân số có BHYT.
Hiện cả nước còn khoảng 18% dân số chưa tham gia BHYT (tương ứng 20 triệu người). Ở Bình Thuận còn hơn 30% dân số chưa có BHYT (tương ứng 372.858 người), có nghĩa trên 300.000 dân Bình Thuận có thể phải chịu viện phí giá cao nếu đi KCB (dự kiến từ tháng 8/2017).
Theo bác sĩ Đặng Minh Thông (Phó Giám đốc BHXH tỉnh), nguyên nhân người dân chưa tham gia BHYT gồm:
- Chủ quan về sức khỏe của mình, không muốn bỏ ra một số tiền mua BHYT.
- Nhận thức chưa đầy đủ về BHYT, nhiều gia đình có 4 người trở lên nghĩ rằng tham gia hết cả gia đình thì không đủ tiền mua, mà không biết rằng nhà nước đã có chính sách miễn giảm từ người thứ 2 trở đi.
- Giá dịch vụ KCB với người chưa có thẻ BHYT còn khá thấp, nên người dân ít quan tâm, có bệnh họ sẵn sàng bỏ tiền túi đi KCB.
Ngoài ra một số người dân chưa tin tưởng vào chất lượng KCB BHYT.
Báo chí còn phản ánh: các hộ cận nghèo, mức đóng thấp, nhưng ít tham gia BHYT. Bình Thuận có 10.142 người thuộc hộ cận nghèo chưa tham gia BHYT (tương ứng 74,7%), dù hộ cận nghèo được ngân sách Trung ương hỗ trợ 70%, tỉnh hỗ trợ 20% mức đóng, người tham gia chỉ phải đóng 10% còn lại (tương ứng 65.340 đồng/năm).
Để đạt chỉ tiêu 75% dân số có BHYT mà Trung ương giao, từ nay đến hết năm Bình Thuận cần thêm ít nhất 80.000 người nữa tham gia. UBND tỉnh vừa họp bàn giải pháp để tăng tỷ lệ dân tham gia BHYT. Nhiều địa phương đang phải vận động các mạnh thường quân hỗ trợ nốt 10% còn lại cho các hộ cận nghèo, để đạt chỉ tiêu tỉnh giao.
Mặt khác, còn hơn 25.000 người lao động trong các doanh nghiệp tại Bình Thuận chưa có thẻ BHYT.
Hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân vào năm 2020, dư luận cho rằng: Ngoài “cú hích” tăng viện phí từ tháng 6, nhà nước cần tăng cường hỗ trợ bộ phận dân đói nghèo không đủ khả năng mua BHYT; thủ tục tham gia BHYT phải cải tiến, đơn giản, thuận tiện hơn. Đồng thời cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức nhân dân về BHYT.
Và quan trọng là các cơ sở y tế và ngành bảo hiểm phải nâng cao chất lượng KCB BHYT, để nhân dân hài lòng, tin tưởng.
ĐẶNG DŨNG