Đoạn chưa thi công sạt lở gần sát đường Trần Lê |
Công trình qua nhiều nhà thi công
Hàng năm cứ đến mùa bấc làng chài Tiến Đức lại hứng chịu những cơn gió mạnh kết hợp với triều cường dâng cao gây sạt lở làm sập nhà. Đợt sạt lở nặng nề nhất là vào cuối năm qua, 57 người trong 11 hộ trở thành vô gia cư chỉ trong một đêm bởi cơn bão số 15.
Trước tình hình đó, sau khi có chủ trương của UBND tỉnh, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Xây dựng Trường Phúc Hải – nhà đầu tư Dự án lấn biển sắp xếp lại khu dân cư và chỉnh trang đô thị phường Đức Long đã tự bỏ kinh phí khoảng 4 tỷ đồng xây dựng công trình kè mềm túi vải địa kỹ thuật công nghệ Hà Lan để ngăn sóng. Kè dài 500m, bao trọn khu dân cư bị sạt lở Tiến Đức.
Công trình cho đến nay đã trải qua 2 đơn vị thi công do Công ty Trường Phúc Hải thuê. Đơn vị thứ nhất đã rút lui là Công ty Hưng Việt (có trụ sở Hà Nội) và đơn vị đang thi công hiện nay là Công ty TNHH XD-TM Trần Phương Long (Bà Rịa – Vũng Tàu).
Khi mới tiếp nhận, Công ty Trần Phương Long đã thuê nhiều đội thi công nhỏ lẻ (3 đội) chuyên san lấp và hút cát ở Đồng Nai và Bà Rịa- Vũng Tàu thực hiện. Tuy nhiên, 2 đội đã bỏ cuộc vì vấp phải nhiều vấn đề liên quan đến thời tiết, thủy triều, địa hình khó khăn nên chiếm nhiều thời gian thi công khiến chi phí nhân công đội lên cao hơn so với dự tính (cao hơn giá hợp đồng từ Công ty Trần Phương Long).
Ông Trần Phương Long - người đứng đầu Công ty Trần Phương Long cho biết, tôi tiếp nhận công trình kè này vào ngày 19/1/2018 sau khi Công ty Hưng Việt không làm nữa. Phần còn lại hơn 300m trong tổng toàn tuyến kè 500m của công trình, chúng tôi đã làm nhưng gặp địa hình khó khăn, đá cứng… và nhiều lý do khác nên nhiều đội thi công đã “bỏ cuộc”.
… chưa biết khi nào xong
Cho đến nay gần 2 tháng kể từ khi tiếp nhận công trình từ Công ty Hưng Việt, Công ty Trần Phương Long vẫn chưa hoàn thành. Đoạn kè hiện nay công ty phải làm là từ tổ 1 đến tổ 3 của làng chài. Đây cũng là đoạn khó khăn nhất trong toàn tuyến vì đông dân cư, không có cát để bơm vào túi.
Đường ống bơm cát dài hơn 500m từ cuối đường Trần Lê đến tổ 1 Tiến Đức |
Ông Trần Phương Long cho biết: tôi đã nhận làm nhiều công trình cả kè cứng và mềm ven biển khắp cả nước, nhưng khi nhận làm ở đây nó không như chúng tôi tưởng. Lúc đến thực địa tôi nghĩ nó đơn giản nhưng khi làm mới thấy khó khăn. Thứ nhất, cát không có để bơm; thứ hai, khi bơm gặp nhiều đá cứng làm hư hỏng máy bơm trong khi phải lệ thuộc vào thủy triều. Chúng tôi đã tính đến phương án, lấy cát tại khu vực trong bờ kè của phường Đức Long, nhưng người dân không cho vì lo sợ sụt lún… chúng tôi đã báo với chủ đầu tư Công ty Trường Phúc Hải. Hiện giờ chỉ còn cách đặt ống nhựa bơm từ cuối đường Trần Lê đến đoạn này, không còn cách nào khác.
Ngoài trở ngại trên trong quá trình thi công còn gặp nhiều trở ngại khác như sóng mạnh khiến các vật cứng đâm làm rách túi mềm, lại phải làm lại. Ông Long cho ví dụ, khi bắt đầu đến thi công, một túi mềm no cát của Công ty Hưng Việt bị rách, bên công ty ông phải khâu rồi đưa cát vào làm lại. Trong quá trình thuê mướn đội thi công gặp phải người thiếu kinh nghiệm làm kè nên thay vì 1 túi mềm làm 1 - 2 ngày là xong, nhưng kéo dài 3 – 5 ngày, gây ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công, ông Long nói thêm.
Khi PV có mặt tại làng chài hôm 12/3, các đội thi công đã rút khỏi hiện trường còn lại đội thi công thứ 3 của Công ty Trần Phương Long, họ đang chuẩn bị đường ống, sẵn sàng chờ thủy triều rút sẽ tiến hành làm bất kể giờ giấc. Trong khi, người dân làng chài đang khóc thầm nhìn tài sản quý giá mất dần. Không ít người trong số họ dựng lều trên lề đường trước nhà ở tạm.
Nếu không tiến hành thi công nhanh và sớm, nguy cơ sóng sẽ san phẳng cuối đường Trần Lê, cũng như làng chài Tiến Đức. Bởi tính từ tim đường đến điểm sạt lở còn chưa đầy 10m. Biết vậy, chủ đơn vị thi công trực tiếp Trần Phương Long đến thời điểm này vẫn chưa dám khẳng định thời gian hoàn thành .
Ninh Chinh