Theo dõi trên

Kết hợp giữa cảng biển với cảng cạn để phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực

21/05/2024, 05:05

Theo quy hoạch mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Bình Thuận sẽ hoàn thành việc mở rộng, nâng cấp các bến cảng trên địa bàn tỉnh, trong đó bến cảng Vĩnh Tân, bến cảng Sơn Mỹ sẽ phục vụ cho phát triển công nghiệp, năng lượng.

Cảng biển tổng hợp phát huy hiệu quả

Trên địa bàn tỉnh hiện có 4 bến cảng biển tổng hợp đó là: Bến cảng biển Phan Thiết, Phú Quý, Vĩnh Tân và Sơn Mỹ, trong đó có 3 bến cảng biển đang hoạt động gồm bến cảng Phan Thiết, Phú Quý và Vĩnh Tân. Riêng bến cảng Sơn Mỹ đang trong giai đoạn thu hút đầu tư. Ngoài ra, còn có các khu bến cảng khác gồm bến cảng dầu Dương Đông, bến cảng Kê Gà… Mỗi năm, khối lượng hàng hóa thông qua các bến cảng biển này đạt trên 16 triệu tấn. Trong 4 bến cảng biển trên, bến cảng Phan Thiết và Phú Quý phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương và tuyến từ bờ ra đảo, tiếp nhận tàu khách, tàu hàng trọng tải đến 5.000 tấn. Hiện nay, bến cảng Phan Thiết được đầu tư xây dựng để phục vụ khai thác tàu vận tải hàng hóa và hành khách từ TP. Phan Thiết ra đảo Phú Quý. Bến cảng Phan Thiết được đầu tư và đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2018 với diện tích 5,3 ha, năng lực đón tàu có trọng tải 1.000 DWT, năng lực bốc xếp 2.000 tấn/ngày. Còn bến cảng Phú Quý được đầu tư xây dựng với quy mô 4,49 ha, với năng lực thông qua là 123,9 ngàn tấn hàng hóa/năm, có 1 cầu cảng chiều dài 51,2 m, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải 2.000 tấn. Hiện nay, bến cảng Phú Quý được đưa vào sử dụng để tiếp nhận tàu vận chuyển hành khách là tàu cao tốc từ Phan Thiết đến đảo Phú Quý. Ngoài ra, bến cảng dầu Dương Đông có thể tiếp nhận tàu chở xăng dầu trọng tải từ 5.000 DWT tới 15.000 DWT, dự kiến có thể mở rộng cảng tiếp nhận, nâng sức tiếp nhận đón tàu chở dầu 20.000 DWT, đáp ứng nhu cầu nhập những lô hàng lớn nhằm giảm chi phí vận tải. Còn bến cảng Kê Gà hiện nay chưa được đầu tư nhưng có chức năng phục vụ nhà máy điện khí LNG Kê Gà phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực, kết hợp đầu tư xây dựng cảng du lịch ven bờ.

clan-1.jpg
Cảng quốc tế Vĩnh Tân. Ảnh: N.Lân

Các bến ngoài khơi tại các mỏ Hồng Ngọc, Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng, Thăng Long – Đông Đô cũng là các bến dầu khí được phát triển phù hợp với nhu cầu hoạt động khai thác mỏ. Các bến cảng Phú Quý, bến cảng Phan Thiết sẽ phục vụ cho vận tải hàng hóa, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và phát triển du lịch. Riêng bến cảng Vĩnh Tân và Sơn Mỹ là bến cảng phục vụ cho phát triển công nghiệp và năng lượng. Hiện tại, bến cảng Vĩnh Tân đang trực tiếp phục vụ cho Trung tâm điện lực Vĩnh Tân và một phần hàng hóa khu vực Tây Nguyên. Bến cảng Vĩnh Tân có bến tổng hợp, container, hàng rời, đáp ứng cho cỡ tàu trọng tải đến 100.000 tấn. Bến cảng này được công nhận là điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tập trung theo quy định của Tổng cục Hải quan để tiếp nhận các tàu vận chuyển hàng xuất, nhập khẩu và các tàu quốc tế vào làm hàng tại cảng. Còn bến cảng Sơn Mỹ nhằm phục vụ trực tiếp khu công nghiệp Sơn Mỹ, tổng kho LNG Sơn Mỹ và Trung tâm điện lực Sơn Mỹ. Bến cảng có bến hàng lỏng/khí, bến tổng hợp, bến khách phù hợp với nhu cầu và năng lực của nhà đầu tư. Khu bến đáp ứng cho tàu hàng lỏng/khí trọng tải đến 150.000 tấn, tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải đến 100.000 tấn, tàu khách quốc tế phù hợp với thực tế nhu cầu.

Phát triển cảng cạn để hỗ trợ trực tiếp cảng biển

Tỉnh xác định cảng cạn là một bộ phận thuộc kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, là đầu mối tổ chức vận tải gắn liền với hoạt động của cảng biển và một số cảng khác, đồng thời đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của các vùng và địa phương. Phát triển hệ thống cảng cạn còn để tối ưu hóa vận tải hàng hóa xuất, nhập khẩu của khu vực và các hành lang kinh tế, kết hợp vừa phát triển cảng cạn gần cảng biển để hỗ trợ trực tiếp vừa phát triển cảng cạn xa cảng biển gắn liền với các trung tâm phân phối tiêu thụ hàng hóa, đường sắt để tổ chức tốt mạng lưới vận tải, thúc đẩy vận tải đa phương thức, giảm chi phí dịch vụ vận tải và logistics.

Chính vì thế, tỉnh Bình Thuận cũng quy hoạch các cảng cạn nhằm phục vụ, hỗ trợ cho cảng biển. Theo đó, tỉnh định hướng thu hút đầu tư xây dựng cảng cạn tại huyện Hàm Thuận Nam, cung cấp các dịch vụ cảng cạn theo hành lang vận tải quốc lộ 1A. Cảng cạn sẽ phục vụ vận chuyển hàng hóa cho cảng biển thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, có năng lực hàng hóa thông qua đạt 60.000 - 120.000 tấn/năm. Đồng thời, nghiên cứu thu hút đầu tư xây dựng 2 cảng cạn khi đảm bảo đủ điều kiện theo quy định hiện hành và phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để phục vụ cho hàng hóa xuất, nhập khẩu tại các khu công nghiệp của tỉnh và phân phối hàng hóa nhập khẩu cho khu vực, vùng lân cận gồm cảng cạn Hàm Tân, cảng cạn Vĩnh Tân, quy mô mỗi cảng cạn từ 6 - 12 ha. Các cảng này đảm bảo tính kế thừa trong quá trình phát triển, phát huy tối đa công suất của các cảng cạn hiện hữu, kết hợp rà soát điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu thực tế, phát triển các vị trí mới kết hợp với việc di dời một số cảng cạn để hình thành hệ thống cảng cạn đồng bộ, hiện đại, bền vững, đảm bảo an toàn giao thông và bảo vệ môi trường. Khi hệ thống logistics phát triển và hoàn thiện chính là một trong những yếu tố quan trọng giúp tiềm lực của tỉnh và các địa phương khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên được phát huy, từ đó tạo đà và thúc đẩy kinh tế khu vực phát triển.

PHAN LIÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tháng công nhân với những người thợ điện
Những người thợ điện ở vùng nắng nóng Tuy Phong dường như vui hơn bởi lần đầu tiên họ được chứng kiến buổi lễ phát động Tháng Công nhân năm 2024 được Công đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức trung tuần tháng 5 tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân, nơi họ gắn bó sản xuất lâu nay, góp phần truyền tải lưới điện quốc gia.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kết hợp giữa cảng biển với cảng cạn để phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực