Theo dõi trên

Kết quả bước đầu của Bình Thuận trong việc thực hiện Chính phủ điện tử

12/04/2016, 09:21

BT - Chính phủ điện tử là ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) để các cơ quan của chính quyền từ trung ương và địa phương đổi mới, làm việc có hiệu lực, hiệu quả và minh bạch hơn; cung cấp thông tin, dịch vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp và các tổ chức; cũng như tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân thực hiện quyền dân chủ và tham gia quản lý nhà nước.

         
      

Tích cực triển khai

Ngày 14/10/2015, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử (gọi tắt là Nghị quyết 36a). Để triển khai hiệu quả Nghị quyết 36a, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Kế hoạch số 4861/KH-UBND ngày 30/12/2015 về việc thực hiện Nghị quyết 36a. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh tổ chức quán triệt Nghị quyết 36a tại đơn vị. Các cơ quan, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa, chuẩn hóa nội dung hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính. Đồng thời triển khai dự án xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Bình Thuận; mở chuyên trang đối thoại giữa cơ quan nhà nước và người dân, doanh nghiệp để cung cấp thông tin và giải đáp những yêu cầu của người dân, tạo kênh thông tin để tiếp nhận sự góp ý, giám sát của người dân; xây dựng kế hoạch triển khai ISO điện tử trong hoạt động các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, hoàn thành trước ngày 1/6/2016.

Thực hiện hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh Bình Thuận đã phối hợp triển khai việc tích hợp hệ thống một cửa điện tử liên thông cấp huyện trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ nhằm công khai tiến độ giải quyết hồ sơ, các thủ tục hành chính tỉnh trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Thực hiện kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản và điều hành, đã được UBND tỉnh đưa vào sử dụng tại tất cả các cơ quan chuyên môn của tỉnh và UBND cấp huyện (20 sở, ngành và 10 UBND cấp huyện). Hệ thống phần mềm được tích hợp chữ ký số và triển khai liên thông giữa các đơn vị, góp phần đẩy mạnh việc sử dụng văn bản điện tử giữa các cơ quan hành chính, không gửi văn bản giấy một số loại văn bản theo quy định nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí. Đồng thời thực hiện kết nối liên thông với Văn phòng Chính phủ và gửi, nhận văn bản trên hệ thống, biết được trạng thái xử lý của các văn bản. Riêng việc triển khai mở rộng phần mềm đến các đơn vị trực thuộc Sở, ngành, huyện và cấp xã để thực hiện liên thông văn bản từ cấp tỉnh xuống cấp xã, tỉnh đang xây dựng kế hoạch triển khai và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2016, dự kiến hoàn thành trước ngày 31/12/2016.

Kết quả bước đầu và những hạn chế

Kết quả bước đầu về triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và UBND cấp huyện rà soát, cập nhật cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo 100% các thủ tục hành chính tối thiểu mức độ 2 được cung cấp trên Cổng thông tin điện tử và các trang thông tin điện tử của các đơn vị chuyên ngành; ban hành danh mục các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 (17 dịch vụ) ưu tiên thực hiện trong năm 2016 và lộ trình triển khai các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính tại địa phương đã được duy trì và tiếp tục triển khai có hiệu quả, cụ thể: Phần mềm “Một cửa điện tử liên thông” đã được các cơ quan, đơn vị của tỉnh triển khai sử dụng, góp phần thực hiện cải cách hành chính; hệ thống thư điện tử công vụ đã được triển khai đến cấp xã; các xã, phường, thị trấn thực hiện tương đối tốt việc gửi, nhận các văn bản điện tử từ cấp huyện đến cấp xã; chữ ký số đã phát huy hiệu quả sử dụng, góp phần đẩy mạnh tăng cường trao đổi, sử dụng văn bản điện tử qua môi trường mạng.

Việc đẩy mạnh triển khai hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước, UBND tỉnh Bình Thuận đã rà soát, ban hành danh mục các nhiệm vụ, dự án công nghệ thông tin (CNTT) dự kiến triển khai theo hình thức thuê dịch vụ CNTT trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra tỉnh đang triển khai phần mềm quản lý khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế, triển khai đồng bộ phần mềm quản lý giáo dục theo hướng thuê dịch vụ CNTT…

Hạn chế hiện nay là nguồn kinh phí để triển khai xây dựng chính quyền điện tử rất khó khăn. Việc thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước gặp một số khó khăn như: định mức lập dự toán, chi phí có liên quan trong việc thuê dịch vụ, giá thuê, tiềm ẩn rủi ro về bảo mật dữ liệu... nên địa phương chưa mạnh dạn áp dụng hình thức thuê dịch vụ. UBND tỉnh đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông có hướng dẫn cụ thể, chi tiết Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg ngày 30/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ; Cung cấp các thông tin về giá, công nghệ, chức năng đối với các sản phẩm, phần mềm được Bộ Thông tin và Truyền thông thẩm định, đánh giá lên Cổng thông tin điện tử của Bộ để địa phương tham khảo khi triển khai thuê dịch vụ công nghệ thông tin.  Đề nghị các Bộ, ngành cần sớm thực hiện và công bố lộ trình triển khai các hệ thống thông tin, dịch vụ công được triển khai trên toàn quốc để các địa phương biết và phối hợp triển khai đồng bộ.

Huỳnh Lê



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đức Linh sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện: Đạt được nhiều thành quả quan trọng
Trên cơ sở những mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ được xác định tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 – 2025, hơn 3 năm qua Đức Linh đã nỗ lực triển khai bằng nhiều biện pháp, giải pháp cụ thể, đến nay thu được nhiều thành quả quan trọng trên các lĩnh vực, hầu hết các chỉ tiêu đề ra đều đạt và vượt…
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kết quả bước đầu của Bình Thuận trong việc thực hiện Chính phủ điện tử