Theo dõi trên

Khám chữa bệnh bảo hiểm y tế: Thông tuyến nhưng chưa “thông” phần mềm

12/01/2016, 08:26

BT- Mặc dù quy định thông tuyến bảo hiểm y tế (BHYT) đã được áp dụng, nhưng trang thiết bị và phần mềm quản lý vẫn chưa được đầu tư tốt. Chính vì vậy khiến lãnh đạo các ngành liên quan đang lo lắng.

                
Khám bảo hiểm y tế tại Phòng khám đa khoa    khu vực Hàm Cần.

Thông tuyến BHYT

Từ ngày 1/1/2016  đã chính thức áp dụng mở thông tuyến khám chữa bệnh BHYT giữa tuyến xã và tuyến huyện trên cùng địa bàn tỉnh. Theo đó, người tham gia BHYT có đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu ở một trạm y tế xã hoặc một phòng khám đa khoa hoặc một bệnh viện huyện thì được quyền đi khám, chữa bệnh ở các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh mà không phải trả chi phí trái tuyến. Điều đó có nghĩa việc khám, chữa bệnh BHYT của người tham gia BHYT sẽ thuận lợi hơn, không bị giới hạn bởi một cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu mà vẫn được thanh toán theo đúng mức hưởng quy định.

Hiện nay, toàn tỉnh có 127 trạm y tế cấp xã và phòng khám đa khoa khu vực, trong đó có 98 trạm y tế xã và 12 phòng khám đa khoa khu vực có ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT. Riêng các bệnh viện và trung tâm liệt kê dưới đây, bệnh nhân khám chữa bệnh BHYT phải có giấy chuyển tuyến: Gồm các Bệnh viện La Gi, Bệnh viện đa khoa khu vực Nam Bình Thuận, Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Bình Thuận, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận, Bệnh viện Y học Cổ truyền và Phục hồi Chức năng, Bệnh viện An Phước, Tâm Phúc, Trung tâm phòng chống Sốt rét - Bướu cổ, Trung tâm mắt, trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Thông tuyến - BHYT được kỳ vọng sẽ mang lại sự hài lòng nhiều hơn cho người bệnh đi khám và điều trị ở tuyến dưới; là một đột phá mang lại nhiều lợi ích cho người dân tham gia BHYT. Từ đó, khuyến khích người dân tham gia BHYT, tạo điều kiện tối đa cho bệnh nhân được tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng, đồng thời là yếu tố thúc đẩy các bệnh viện, các phòng khám, trạm y tế cùng hạng phải tăng cường chất lượng dịch vụ.

Chưa “thông” phần mềm

Tuy nhiên thực tế hiện nay, bệnh viện tuyến huyện và trạm y tế xã sử dụng phần mềm quản lý khác nhau, không đồng nhất và chưa liên kết với nhau trong cùng hệ thống nên khó có thể quản lý được bệnh nhân có thẻ BHYT.  “VNPT – Bình Thuận đã cài đặt phần mềm quản lý vào tuần thứ 2 của tháng 12/2015, nhưng đến nay chưa sử dụng được. Máy vi tính tại trạm thì quá cũ, khi cài đặt phần mềm vào máy chạy không nổi. Nhân viên y tế của trạm vẫn phải ghi chép bằng tay vào nhiều sổ sách” - Bác sĩ Nguyễn Văn Lèo – Trưởng Trạm y tế xã Hàm Kiệm (Hàm Thuận Nam) cho biết.

Tại Phòng khám đa khoa khu vực Hàm Cần, số lượng bệnh nhân tương đối đông hơn các trạm y tế khác nhưng bác sĩ và điều dưỡng… đều phải ghi chép bằng tay, chỉ có một máy vi tính không mới lắm và cũng chưa trang bị đầu đọc thẻ. “Mặc dù thông tuyến khám chữa bệnh BHYT cho người dân, nhưng phần mềm quản lý các hoạt động phòng khám vẫn chưa được cài đặt. Nếu cơ sở y tế được trang bị phần mềm, máy quét mã vạch thì sẽ lợi cho đơn vị và bệnh nhân. Nhân viên y tế giảm viết tay vào sổ, còn bệnh nhân giảm bớt thủ tục hành chính”, bác sĩ Huỳnh Đông Côn Lĩnh – Trưởng phòng khám đa khoa khu vực Hàm Cần nói.

Tuy nhiên, ông Phan Văn Thành - Giám đốc Trung tâm công nghệ thông tin – VNPT Bình Thuận trả lời qua email: “Hiện tại, VNPT Bình Thuận đã triển khai phần mềm khám chữa bệnh đến 116 cơ sở, trong đó có Bệnh viện đa khoa tỉnh và Bệnh viện đa khoa Hàm Thuận Bắc”.

Rõ ràng,  Luật BHYT đã chính thức áp dụng mở thông tuyến khám chữa bệnh BHYT giữa tuyến xã và tuyến huyện trong tỉnh, nhưng phầm mềm quản lý cho các trạm y tế xã và phòng khám đa khoa khu vực nơi có nơi không. Nơi đã cài đặt rồi nhưng vẫn chưa sử dụng được.

Nguy cơ vỡ quỹ

Bên cạnh những lợi ích của việc mở thông tuyến khám chữa bệnh BHYT, lãnh đạo một số các cơ sở y tế thừa nhận: chưa có phần mềm quản lý bệnh nhân có thẻ BHYT thông suốt giữa các tuyến với nhau. Do đó, sẽ không tránh khỏi số bệnh nhân sẽ lợi dụng quy định này đến khám bệnh ở nhiều cơ sở y tế khác nhau trong một ngày hoặc hôm nay khám cơ sở này, ngày mai khám cơ sở khác.

Ông Đặng Minh Thông – Phógiám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh lo lắng: “Không có phần mềm quản lý, nguy cơ sẽ vỡ quỹ BHYT. Ứng dụng công nghệ thông tin là giải pháp để tránh trục lợi quỹ BHYT, kiểm tra, kiểm soát, quản lý người bệnh, quản lý danh mục kỹ thuật, thuốc… Khi đó, dù bệnh nhân khám ở bất cứ cơ sở y tế nào, giám định viên hoặc nhân viên y tế đều được hệ thống quản lý này phát hiện”. 

Trang Minh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khám chữa bệnh bảo hiểm y tế: Thông tuyến nhưng chưa “thông” phần mềm