Theo dõi trên

Khó khăn thực hiện chính sách phát triển giáo dục mầm non

14/11/2022, 05:29

Qua 2 năm (2020 -2022) thực hiện Nghị định số 105 của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non (GDMN), tỉnh Bình Thuận đã thực hiện đầy đủ chế độ chính sách cho trẻ em và giáo viên MN theo quy định. Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị định số 105 còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Phát triển mạng lưới giáo dục mầm non

Thực hiện Nghị định số 105 về chính sách đầu tư phát triển mạng lưới trường lớp GDMN trên địa bàn tỉnh, tỉnh đã tập trung huy động, lồng ghép các nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình kiên cố hóa trường học… đầu tư xây dựng phòng học, mua sắm trang thiết bị cho các lớp mẫu giáo 5 tuổi, xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia theo Đề án đã được tỉnh phê duyệt. Đến nay, cơ sở vật chất trường lớp cấp mầm non khang trang hơn, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động dạy và học hàng năm được tăng cường đầu tư theo hướng kiên cố, hiện đại tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ đến trường. Minh chứng, toàn tỉnh hiện có 2.247 phòng học/2.247 nhóm, lớp. Trong đó, phòng học kiên cố 1.280 phòng, tỷ lệ 57,27%, phòng học nhờ 1 phòng, tỷ lệ 0,07%. So với năm học trước tỷ lệ phòng học kiên cố tăng 3,95%, tỷ lệ phòng học tạm, nhờ giảm 1,06%, từng bước đáp ứng nhu cầu phòng học cho cấp học mầm non. Cùng với đó, các cơ sở GDMN thực hiện khá tốt công tác xã hội hóa giáo dục tạo môi trường thân thiện, xanh sạch đẹp giúp trẻ hoạt động tích cực.

Bên cạnh đó, các chế độ chính sách hỗ trợ cho trẻ MN của Chính phủ và một số chính sách đặc thù của tỉnh đối với học sinh dân tộc thiểu số được các địa phương triển khai và thực hiện đầy đủ theo quy định nên đã tạo điều kiện cho trẻ ở vùng đặc biệt khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo… được đến trường nhất là trẻ mẫu giáo 5 tuổi. Nổi rõ, thực hiện chi trả hỗ trợ ăn trưa cho trẻ. Ngoài ra, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết quy định mức hỗ trợ đối với trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp và giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở GDMN dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Song song đó, trong năm học 2021-2022 đã hỗ trợ cho 89 giáo viên mầm non dạy lớp ghép, tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số với số tiền hơn 360 triệu đồng…

07afdb75-2535-4c54-a4dd-92ccf38f011b.jpeg
fe81012b-1d09-48d6-bf42-d7180b2cdb79.jpeg
Trẻ mầm non được tham gia các hoạt động tại trường

Những khó khăn

Mặc dù những năm vừa qua, các địa phương cũng đã quan tâm đầu tư cho GDMN. Tuy nhiên cơ sở vật chất, phòng học, trang thiết bị dạy học tối thiểu cho toàn cấp học mầm non vẫn còn thiếu nhiều, chưa đáp ứng nhu cầu chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ dưới 5 tuổi nên tỷ lệ huy động trẻ ra lớp thấp. Một số địa phương đặc biệt là khu thị trấn, thị xã, thành phố, khu đông dân cư thiếu quỹ đất, thiếu trường, lớp nên số trẻ/lớp vượt cao so với quy định. Một số trường thiếu khối phòng hành chính quản trị, phòng chức năng, sân chơi thiếu diện tích, chật hẹp... ảnh hưởng đến các hoạt động của nhà trường và ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện Chương trình GDMN. Mặt khác, tỷ lệ giáo viên mầm non chưa đạt chuẩn ở các nhóm, lớp độc lập tư thục còn nhiều. Số giáo viên mầm non làm việc theo chế độ hợp đồng lao động nhiều năm chiếm tỷ lệ 26,88 nhưng chưa được các huyện tổ chức thi tuyển nên giáo viên không an tâm công tác, một số trường thiếu giáo viên… Kinh phí hỗ trợ ăn trưa cho trẻ đa số chi trả chưa kịp thời, đối tượng được hỗ trợ ít và mức hỗ trợ ăn trưa thấp, các trường khó đảm bảo khẩu phần ăn cho trẻ theo quy định nên các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thể thấp còi chiếm tỷ lệ cao…

Những khó khăn, vướng mắc trên đã được tỉnh kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan. Thời gian tới, Bộ GDĐT sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục mầm non để tham mưu và quy định theo thẩm quyền bổ sung những vấn đề mới, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục mầm non. Tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Nghị định số 105, Thứ trưởng Bộ GDĐT Ngô Thị Minh yêu cầu ngành giáo dục các địa phương tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu thực hiện đúng, đủ các quy định tại Nghị định số 105. Các địa phương cũng cần có chính sách phù hợp đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục; tăng cường quản lý và có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập. Đồng thời, tăng cường công tác thanh, kiểm tra, bảo đảm môi trường chăm sóc, giáo dục trẻ lành mạnh, thân thiện, an toàn...

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tỉnh, đến cuối năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 181 trường MN, trong đó có 142 trường công lập, 39 trường ngoài công lập và 338 cơ sở độc lập tư thục. Toàn tỉnh có 459 cán bộ quản lý (CBQL), 4.382 giáo viên mầm non (GVMN), đội ngũ CBQL, GVMN cơ bản đáp ứng nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ.

THANH THUỶ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Chung kết cuộc thi ý tưởng, dự án khởi nghiệp Smart Startup 4.0
Vòng chung kết Cuộc thi ý tưởng, dự án khởi nghiệp tỉnh Bình Thuận lần thứ 3 – Smart Startup 4.0 năm 2022 vừa được Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tổ chức mới đây. Với sự tham gia của 6 dự án xuất sắc nhất đến từ các huyện trên địa bàn tỉnh.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khó khăn thực hiện chính sách phát triển giáo dục mầm non