Thị trường 42 nước cần
Nhật Bản vừa công bố kết quả thẩm định lần 2 hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý “Thanh long Bình Thuận” thuộc dự án “Đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý Thanh long Bình Thuận sang Nhật Bản” do Cục Sở hữu trí tuệ chủ trì. Trong thời gian 3 tháng tới nếu không có ý kiến của bên thứ ba, Thanh long Bình Thuận sẽ được bảo hộ chỉ dẫn địa lý (CDĐL) tại thị trường này. Đây là một hành trình bắt đầu từ 1-2 năm trước, khi Bộ Khoa học và Công nghệ chọn CDĐL Thanh long Bình Thuận cùng 2 CDĐL khác (Vải thiều Lục Ngạn và Café Buôn Mê Thuột) đăng ký bảo hộ vào Nhật Bản. Theo đó, năm ngoái, Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ hoàn thiện hồ sơ đăng ký nộp cho cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Và kết quả khả quan sắp tới nói lên một điều rằng Thanh long Bình Thuận quay lại thị trường Nhật Bản trong lần này sẽ bài bản hơn, chất lượng hơn lúc trước.
Nhưng cũng phải ghi nhận lúc trước ấy Thanh long Bình Thuận vào Nhật rất suôn sẻ, mở rộng thị phần theo thời gian cho đến một ngày vấn nạn ruồi đục trái hiện diện trên trái đã khiến thị trường này dừng lại, dò chừng suốt nhiều năm đến giờ. Nên sắp tới, với CDĐL đã bảo hộ, thanh long Bình Thuận khi xuất qua thị trường này sẽ gợi nhớ bao danh tiếng, chất lượng, đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của vùng Bình Thuận hình thành nên. Hơn thế, chất lượng, đặc tính ấy đã được xác định bằng một hoặc một số chỉ tiêu định tính, định lượng bởi các chuyên gia trong ngành, đồng thời chúng phải được bảo đảm tính liên tục và ổn định. Bên cạnh yếu tố tự nhiên như khí hậu, thủy văn, địa chất… trên, yếu tố con người như kỹ năng, kỹ xảo của người sản xuất, quy trình sản xuất truyền thống của địa phương cũng được in dấu trong CDĐL.
Đó là tất cả những gì mà thị trường nước ngoài rất quan tâm nên việc bảo hộ CDĐL Thanh long Bình Thuận ở nước ngoài diễn ra suôn sẻ. Sau khi Quyết định 76/2015 của UBND tỉnh về việc ban hành quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” dùng cho trái thanh long ra đời thì từ đó đến nay, khối liên minh EU gồm 27 nước đã đồng ý bảo hộ CDĐL Thanh long Bình Thuận. Sắp tới, có thêm Nhật Bản.
Ở khía cạnh khác có liên quan, có nhiều nước quan tâm hơn đến nhãn hiệu “Bình Thuận Dragon Fruit, hình” và mọi thủ tục pháp lý cho việc đăng ký bảo hộ và đồng ý đã diễn ra nhiều năm nay. Đến thời điểm này, đã có 13 quốc gia, vùng lãnh thổ đồng ý bảo hộ nhãn hiệu “Bình Thuận Dragon Fruit, hình”, an toàn vệ sinh thực phẩm như Mỹ, Anh, Đức, Hà Lan, Thái Lan, Hàn Quốc, Pháp… rất lưu ý nên đã đồng ý bảo hộ từ những năm trước.
Như nước Mỹ, đến nay đã tới chu kỳ 10 năm. Mới đây, Bình Thuận đóng phí bảo hộ nhãn hiệu theo chu kỳ 10 năm vào thị trường Mỹ khoảng 29 triệu đồng và tiếp tục duy trì hiệu lực nhãn hiệu trong 10 năm tới. Tương tự, hơn 10 quốc gia khác có mức phí bảo hộ nhãn hiệu Thanh long Bình Thuận khác nhau, cho thấy rõ rằng, các thị trường ấy cần hàng thanh long có xuất xứ rõ ràng, chất lượng cao đến thế nào. Tuy nhiên, nhìn lại, những năm qua, con số thanh long xuất chính ngạch, tức vào các thị trường có bảo hộ CDĐL là chủ yếu không nhiều so với sản lượng thanh long thu hoạch.
Thị trường Trung Quốc không cần?
Thống kê danh sách cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý Bình Thuận vào năm 2019 trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam, nơi tập trung nhiều công ty, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thanh long và cả các HTX, nhóm liên kết sản xuất thanh long thì thấy phần lớn trong danh sách ấy đã qua hạn 5 năm nhưng hầu như họ không có nhu cầu cấp lại. Thời gian hết hạn rơi vào năm 2015 đến 2020 và cả tháng 2, 3, 4 của năm 2021. Trong 43 đơn vị ấy, hiện chỉ còn 4 công ty là có giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý Thanh long Bình Thuận còn hiệu lực rải từ tháng 11/2021 cho đến tháng 11/2024. Trong khi đó, theo số liệu của Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, năm 2020 đã cấp được 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” cho trái thanh long Hợp tác xã Thanh long Hàm Đức - Hàm Thuận Bắc, nâng tổng số giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” được cấp trên toàn tỉnh lên 97 giấy chứng nhận. Tuy nhiên, theo ông Vũ Huy Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, trong 97 giấy đó hiện còn khoảng 30 giấy còn hiệu lực.
Theo phân tích của ông Hoàng, những đơn vị đã hết hạn sử dụng chỉ dẫn địa lý Thanh long Bình Thuận nhưng chưa đăng ký cấp lại là đều xuất phát từ nguyên nhân thị trường. Hầu hết hàng họ bán đều qua Trung Quốc, trong khi thị trường này chỉ cần giấy chứng nhận VietGAP… nhưng lại không cần giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Chỉ cần bên thị trường ấy đòi giấy này, tức khắc các đơn vị trên sẽ đăng ký lại và hơn thế, còn thu hút nhiều đơn vị mới tham gia. Ông Hoàng cũng nhấn mạnh rằng, những công ty, doanh nghiệp kinh doanh thanh long có sử dụng logo chỉ dẫn địa lý trên sản phẩm, xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường khó tính thì giá thanh long có tăng hơn. Thậm chí, ngay thị trường trong nước, tại các siêu thị, nếu người tiêu dùng thích ăn thanh long Bình Thuận thì cũng sẵn sàng trả tiền cao hơn.
Còn theo Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận, việc lơ là của các công ty, doanh nghiệp…trong sử dụng CDĐL thanh long Bình Thuận xuất phát từ không có nhu cầu sử dụng, chưa nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của CDĐL. Nếu tìm được đối tác mua hàng tại các nước có bảo hộ trên, chắc chắn các đơn vị sẽ quan tâm đến CDĐL ngay. Vì vậy, trong thời gian đang trầm lắng này, sở luôn nỗ lực hỗ trợ Hiệp hội thanh long Bình Thuận và các doanh nghiệp đăng ký bảo hộ CDĐL, nhãn hiệu Thanh long Bình Thuận vào các thị trường xuất khẩu, tiềm năng xuất khẩu, đồng thời phối hợp với các cơ quan có liên quan có kế hoạch kiểm soát bên ngoài đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện quy chế Quản lý và sử dụng CDĐL “Bình Thuận” cho trái thanh long. Mục đích nhằm kiểm soát chất lượng trái thanh long đạt chuẩn CDĐL, nhãn hiệu, song song đó góp phần xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường cũng là mở rộng ảnh hưởng của CDĐL, nhãn hiệu “Bình Thuận Dragon Fruit, hình”.
Hảo Chi