Theo dõi trên

Không để học sinh vì hoàn cảnh khó khăn mà không được đến trường

27/08/2024, 05:05

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học và các văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2024 - 2025 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Để triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2024 - 2025 kịp thời, thiết thực, hiệu quả, Bộ GDĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo, rà soát, kiểm tra, đôn đốc bảo đảm đủ cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục trước thềm năm học mới. Đặc biệt không để học sinh vì hoàn cảnh khó khăn mà không được đến trường.

4.jpg
Ảnh tư liệu.

Cứ mỗi kỳ năm học mới sắp bắt đầu các bậc phụ huynh lại phải gồng gánh "trăm mối lo". Bởi lẽ, năm học mới có rất nhiều khoản tiền phải lo, phải chuẩn bị cho con đến trường. Không chỉ có tiền học phí mà còn tiền sách vở, quần áo, giầy dép, túi xách… Nhiều phụ huynh cho rằng, tiền sách vở, đồng phục, dụng cụ học sinh… là những khoản chi phí lớn nhất vào đầu năm học mới. Điều đáng nói ở đây là cuộc sống khó khăn, gánh nặng về cơm áo gạo tiền khiến nhiều phụ huynh chưa tha thiết tới việc học của con em mình. Cũng vì vậy, tình trạng học sinh nghỉ học còn rải rác, đặc biệt là dịp tết và mùa vụ các em thường theo cha mẹ đi làm rồi ở nhà khiến việc học bị gián đoạn. Triển khai các giải pháp tăng cường trách nhiệm của các ngành, địa phương tạo mọi điều kiện để con em địa phương được đến trường, Bộ GDĐT đề nghị các địa phương xây dựng, triển khai thực hiện phương án hỗ trợ các đối tượng học sinh hộ nghèo, cận nghèo, học sinh thuộc đối tượng chính sách, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế, vùng sâu, vùng xa, địa bàn cách trở, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có đủ sách giáo khoa, đồ dùng học tập và các điều kiện thiết yếu khác để đến trường, đặc biệt là không để bất cứ học sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn mà không được đến trường. Đồng thời chỉ đạo các cơ sở giáo dục ổn định và duy trì nền nếp học tập ngay sau lễ khai giảng. Hướng dẫn việc tổ chức các hoạt động đầu năm học phù hợp với lứa tuổi học sinh, điều kiện của nhà trường, gắn với thực tế của địa phương. Chú trọng xây dựng văn hóa học đường, đảm bảo an ninh, an toàn trường học ngay từ những ngày đầu năm học. Đồng thời phối hợp tốt với cha mẹ học sinh để tạo sự đồng thuận, chia sẻ, hỗ trợ ngành giáo dục thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2024 - 2025.

Trong những năm qua, tỉnh Bình Thuận cũng hết sức quan tâm đến công tác giáo dục – đào tạo của tỉnh. Hằng năm, ngoài vận động các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh đóng góp hàng tỷ đồng vào quỹ khuyến học của tỉnh, tỉnh Bình Thuận còn chi hàng trăm tỷ đồng để chi hỗ trợ học phí cho học sinh. Để chuẩn bị cho năm học mới 2024 – 2025, HĐND tỉnh Bình Thuận khóa XI đã tổ chức kỳ họp thứ 22 (chuyên đề). Trong 8 nội dung đã được HĐND tỉnh xem xét thảo luận tại kỳ họp này, trong đó nội dung trọng tâm của kỳ họp là xem xét thông qua Nghị quyết Quy định mức hỗ trợ học phí năm học 2023 – 2024 và mức thu học phí từ năm 2024 – 2025 đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh Bình Thuận chi hơn 215 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ học phí cho học sinh. Trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ hơn 68 tỷ đồng đối với các trường THPT công lập, số còn lại chi hỗ trợ cho các trường mầm non, THCS và cơ sở giáo dục thường xuyên công lập. Về mức thu học phí từ năm học 2024 - 2025, tỉnh Bình Thuận quy định giữ ổn định bằng mức thu học phí như năm học trước. Việc hỗ trợ học phí cho học sinh năm học 2023 - 2024 đã giải quyết nguyện vọng chính đáng cho phụ huynh học sinh, cho các hộ gia đình có thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời bình ổn giá và kiểm soát lạm phát góp phần phục hồi phát triển kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân, góp phần thực hiện tốt an sinh xã hội, thể hiện sự quan tâm của tỉnh đối với người dân và ngành giáo dục. Có thể khẳng định rằng, chính sách hỗ trợ học phí là một chính sách nhân văn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đặc biệt đối với vùng núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, mang lại rất nhiều lợi ích cho nhân dân. Đặc biệt là tạo mọi điều kiện để các em được đến trường ở mọi đối tượng, ở mọi địa phương đều có điều kiện để học tập. Đây cũng là chủ trương nhân văn, đặc biệt là đối với học sinh miền núi bởi đời sống của đồng bào các dân tộc ở một số địa bàn miền núi còn nhiều khó khăn, điều kiện để người dân duy trì cuộc sống và cho con đi học còn hạn chế. Việc hỗ trợ học phí của tỉnh cũng đã tạo nên hiệu ứng tốt đối với học sinh ở một số địa phương trong tỉnh, giúp học sinh thuộc các đối tượng bớt đi những khó khăn, gánh nặng về kinh tế và có thêm động lực để học tập tốt, phụ huynh học sinh sẽ bớt đi những gánh nặng về đóng góp cho con em mình.

Với chính sách nhân văn này là những giải pháp của tỉnh, của ngành giáo dục và các địa phương để chia sẻ khó khăn, giảm bớt gánh nặng tài chính với phụ huynh, để không ai bị bỏ lại phía sau, hy vọng năm học mới 2024 – 2025 toàn tỉnh không có bất kỳ học sinh nào không được đến trường vì hoàn cảnh khó khăn.

THANH QUANG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Vỡ đường ống dẫn nước thủy điện gây thiệt hại cho người dân
Khoảng 9h sáng, ngày 25/8, đường ống dẫn nước của thủy điện Nậm La tại bản Sẳng (xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La) bất ngờ bị tảng đá lớn rơi xuống làm vỡ. Nước từ đường ống tràn ra thành dòng chảy lớn gây thiệt hại cho người dân.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không để học sinh vì hoàn cảnh khó khăn mà không được đến trường