Theo dõi trên

Khu bảo tồn biển Hòn Cau: Gắn phát triển du lịch với chuyển tải thông điệp “xanh”

17/12/2019, 14:47

BT- Thuộc địa bàn huyện Tuy Phong, Khu bảo tồn biển Hòn Cau có diện tích 12.500 ha (trong đó diện tích đảo khoảng 140 ha) được biết đến với cảnh quan hoang sơ, hệ sinh thái san hô đa dạng. Nơi đây không có dân sinh sống và sinh cảnh dưới nước phù hợp cho giai đoạn tích lũy trước khi sinh sản của rùa, vì vậy một số khu vực ven đảo là những bãi đẻ ưa thích đối với đồi mồi, rùa xanh - loài động vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng cao…

Nhận thức tầm quan trọng của việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản nên cách đây gần 10 năm trước, UBND tỉnh đã ban hành quyết định thành lập Khu bảo tồn biển Hòn Cau thuộc quy hoạch hệ thống bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020. Trong giai đoạn 2016 - 2018, dự án “Bảo vệ rùa biển phục vụ phát triển du lịch sinh thái có sự tham gia của cộng đồng tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau, tỉnh Bình Thuận” cũng triển khai tại đây. Dự án này được xúc tiến từ kinh phí của Quỹ môi trường toàn cầu - Chương trình tài trợ các dự án nhỏ tại Việt Nam (UNDP-GEF/SGP) và vốn đối ứng của UBND tỉnh, Khu bảo tồn biển Hòn Cau, Hội Nông dân huyện Tuy Phong cùng cộng đồng ngư dân.

Sau khi kết thúc với những kết quả khả quan, dự án được đơn vị tài trợ khuyến nghị địa phương xem xét, phê duyệt “Đề án phát triển du lịch sinh thái bền vững có sự tham gia của cộng đồng tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau”, bởi đây là cơ sở để tiếp tục phát huy giá trị tạo dựng từ dự án… Mới đây vào giữa tháng 12/2019, UBND tỉnh đã bàn hành quyết định về việc phê duyệt đề án vừa nêu với nhiều mục tiêu hướng đến. Đó là phát huy lợi thế, giá trị cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái biển đa dạng, phong phú của khu bảo tồn biển nằm trong quy hoạch hệ thống các khu bảo tồn biển quốc gia để phát triển các loại hình du lịch, dịch vụ phù hợp có sự tham gia của cộng đồng. Thông qua đó góp phần tạo sinh kế cho người dân trên địa bàn cũng như tạo thêm nguồn tài chính phục vụ quản lý, bảo tồn biển, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Đề án này cũng hướng tới tăng cường quảng bá hình ảnh, giá trị hệ sinh thái biển Hòn Cau và chuyển tải thông điệp ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên của chính quyền, nhân dân tỉnh nhà đến bạn bè trong nước lẫn quốc tế. Và khi được triển khai, đề án chắc chắn tạo thêm điểm đến độc đáo cho du khách trong chuỗi các điểm đến hấp dẫn của Bình Thuận, góp phần phát triển ngành theo xu hướng du lịch xanh, bền vững… Dù vậy, quy mô lượng du khách tiếp nhận tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau theo đề án là không quá 200 lượt khách mỗi ngày vào các ngày bình thường và không quá 250 lượt khách mỗi ngày vào các dịp lễ, tết.

Với điểm đến này, sắp tới đây địa phương sẽ khuyến khích hình thức du lịch đoàn cho học sinh - sinh viên tham quan, khám phá đảo Hòn Cau, nhằm giúp các em hiểu về công tác bảo tồn biển, bảo tồn đa dạng sinh học và lợi ích mang lại từ bảo tồn. Đồng thời kết hợp giáo dục về truyền thống yêu nước, nhiệm vụ của thế hệ trẻ trong bảo vệ chủ quyền các vùng biển của Việt Nam. Đến với Hòn Cau, khách tham quan phải thực hiện tốt các quy định, hướng dẫn, chỉ dẫn và không được ở lại qua đêm tại đảo nếu không đăng ký hoặc không được sự chấp thuận của cơ quan chức năng…

Gắn phát triển du lịch với chuyển tải thông điệp “xanh”, cộng đồng nơi đây cũng có trách nhiệm tham gia các tổ - đội dịch vụ du lịch, tích cực tuyên truyền, vận động thực hiện quy định về bảo tồn biển. Hoặc chung tay thu gom, xử lý rác trên đảo để phòng ngừa ô nhiễm, bảo vệ môi trường cũng như tham gia lực lượng chức năng trong tuần tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm quy định, quy chế quản lý du lịch tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau… Theo nhiệm vụ được giao, các sở, ngành và đơn vị, địa phương liên quan sẽ phối hợp khởi động “Đề án phát triển du lịch sinh thái bền vững có sự tham gia của cộng đồng tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau” đem lại hiệu quả như mục tiêu đề ra.

    
  

  Độc đáo   sản phẩm, dịch vụ tại Hòn Cau

    Theo đề   án, hoạt động và sản phẩm du lịch tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau dựa vào   yếu tố đặc thù, độc đáo về cảnh quan môi trường tự nhiên cũng như sự đa   dạng, phong phú của hệ sinh thái biển trên cơ sở tuân thủ quy chế quản   lý Khu bảo tồn biển. Bao gồm: du lịch khám phá cảnh quan thiên nhiên, vẻ   đẹp hoang sơ của đảo hoặc du lịch khám phá đại dương bằng thuyền đáy   kính, lặn ngắm các rạn san hô, sinh vật biển và các đàn cá đa sắc màu.   Bên cạnh đó là loại hình du lịch tìm hiểu về rùa biển, các hoạt động bảo   tồn rùa biển như đẻ trứng, ấp trứng, thả rùa con về với biển… Ngoài ra   còn có các dịch vụ phục vụ du lịch dã ngoại, cắm trại, tắm biển, câu cá   giải trí, câu cá thể thao và những hình thức dịch vụ phù hợp khác.

QUỐC TÍN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Hàm Tân: Hai danh mục công trình nước sạch được lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư
Ở vùng đất khô hạn Hàm Tân, nước không chỉ cần thiết cho tưới tiêu nông nghiệp mà còn với sinh hoạt đời sống hàng ngày của hàng chục ngàn người dân. Nhiều người dân trong huyện đã nêu kiến nghị về tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt tại các địa phương vào mùa nắng nóng kéo dài, có nơi phải mua nước sinh hoạt với giá cao.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khu bảo tồn biển Hòn Cau: Gắn phát triển du lịch với chuyển tải thông điệp “xanh”