Tử vong vì không có bệnh viện tiếp nhận
Trong làn sóng Covid-19 do biến thể Delta gây ra hiện nay, các bệnh nhân ở Mỹ đang phải di chuyển tới những nơi cách nhà họ hàng trăm km bởi không có bệnh viện nào gần đó còn chỗ trống cho họ. Một số người thậm chí đã tử vong khi chờ được chăm sóc y tế. Nói cách khác, ngay giữa tình hình khẩn cấp này, các bệnh viện ở Mỹ buộc phải hạn chế sự chăm sóc y tế dành cho các bệnh nhân.
Khủng hoảng y tế ở Mỹ. Ảnh: Getty
Delta - một biến thể dễ lây nhiễm và có độc lực mạnh hơn chủng virus ban đầu, cùng với tỷ lệ tiêm vaccine chậm chạp của Mỹ đang gây ra cuộc khủng hoảng hiện nay. Các bang với những đợt bùng phát dịch bệnh tồi tệ nhất như Tennessee, Kentucky, Alaska, Wyoming và Tây Virginia đã chứng kiến số ca nhập viện mới tăng kỷ lục những tuần qua và gần cao bằng những con số trong làn sóng dịch bệnh vào mùa đông năm ngoái. Tất cả những khu vực trên đều có tỷ lệ tiêm vaccine dưới mức trung bình trên toàn quốc. Ở các bang phía Nam của Mỹ, các bệnh viện đang ghi nhận số bệnh nhân cần chăm sóc tích cực nhiều hơn số giường ICU sẵn có, New York Times đưa tin ngày 14/9.
Mỹ, quốc gia giàu nhất thế giới, được cho là không thể có bệnh nhân tử vong vì không được điều trị kịp thời. Tuy nhiên, đó chính xác là những gì đang xảy ra hiện nay, 18 tháng kể từ khi đại dịch bùng phát.
Hệ thống y tế Mỹ ở nhiều khu vực đang phải chật vật đối phó với đại dịch Covid-19. Mỹ vẫn có nhiều người chưa được tiêm vaccine, những người dễ tổn thương trước biến thể Delta. Cứ 4 người trên 18 tuổi thì có một người chưa hề được tiêm vaccine và tỷ lệ tiêm vaccine ở những người trẻ tuổi thấp hơn so với những người cao tuổi. Vì vậy, ở Mỹ hiện đang có sự dịch chuyển về đối tượng cần nhập viện. Nếu như vào tháng 12/2020 và tháng 1/2021, những người trên 65 tuổi chiếm hơn 1 nửa số ca cần nhập viện thì hiện họ chỉ chiếm 1/3. Trẻ em dưới 12 tuổi vẫn chưa đủ điều kiện để tiêm vaccine và các bệnh viện đang chứng kiến tỷ lệ nhập viện cao chưa từng thấy.
Texas là một ví dụ khi chứng kiến hơn 14.200 người hiện phải nhập viện vì Covid-19. Hơn 90% giường ICU của bang đang được sử dụng. Tại Idaho, với khoảng 88% số giường ICU đang được sử dụng, các bệnh viện phải kích hoạt tình trạng "khủng hoảng" về các tiêu chuẩn chăm sóc y tế.
Tại Bellville, Texas, Daniel Wilkinson, một cựu chiến binh 46 tuổi đã được đưa tới phòng cấp cứu. Ông được chẩn đoán viêm tụy sỏi mật, một căn bệnh có thể điều trị nhưng bệnh viện địa phương không được trang bị để cứu chữa. Bác sĩ sau đó đã phải gọi điện cho các bệnh viện trong khu vực từ Texas, Oklahoma cho tới Arkansas và những nơi khác nhưng đều không tìm được bệnh viện nào tiếp nhận ông. Những bang này đều có tỷ lệ nhập viện vì Covid-19 cao nhất nước Mỹ.
Cuối cùng, một giường ICU đã được sắp xếp ở bệnh viện Houston Veterans Administration, cách Bellvile hơn 1 tiếng đi đường. Tuy nhiên, các cơ quan của Wilkinson bắt đầu dừng hoạt động trên chiếc trực thăng chở ông tới đây và ông đã qua đời. Trên thực tế, phải tới hơn 7 tiếng từ khi Wilkinson được đưa tới bệnh viện, anh mới nhận được một giường ICU, dù không kịp để được điều trị.
Có nhiều câu chuyện giống như câu chuyện của Wilkinson trên khắp nước Mỹ. Ngày 13/9, Washington Post đưa tin, một người đàn ông 73 tuổi ở Alabama đã qua đời sau khi bị hơn 40 bệnh viện từ chối. Bệnh viện gần nhất tiếp nhận ông là nơi cách nhà ông hơn 200 km ở Mississippi. Alabama có tỷ lệ nhập viện vì Covid-19 trên đầu người cao thứ hai của Mỹ.
Hạn chế của hệ thống y tế Mỹ
Các bệnh viện ở Mỹ đang phải cố gắng cân bằng giữa việc điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 với những bệnh nhân khác. Tuy nhiên, đôi khi điều đó khiến họ phải đưa ra những lựa chọn khó khăn.
Karen Joynt Maddox, một bác sĩ và là một nhà nghiên cứu chính sách y tế tại Đại học Washington ở St. Louis cho biết, bệnh viện ở địa phương của cô được chỉ đạo trong suốt đại dịch không được tiếp nhận bệnh nhân từ các cơ sở y tế nhỏ ở vùng nông thôn trừ trường hợp cấp cứu. Điều đó tức là, đôi khi bệnh viện phải từ chối yêu cầu chuyển viện từ người nhà của bệnh nhân.
Mỹ không có nhiều giường bệnh so với nhiều quốc gia phát triển khác khi có khoảng 2,9 giường/1.000 người, so với mức trung bình là 4,6 giường/1.000 người.
Ngoài ra, ngay cả trong những thời điểm bình thường, trong khi các bệnh viện ở thành thị hoạt động với gần 100% công suất thì các bệnh viện ở nông thôn vẫn có sẵn một nửa số giường trống.
"Chúng ta có giường bệnh, nhưng lại không được đặt ở đúng nơi và không có hệ thống nào có gắng tận dụng những giường bệnh sẵn có hợp lý nhất có thể", Joynt Maddox cho hay.
Cuộc khủng hoảng hiện nay đã cho thấy sự thiếu tổ chức trong hệ thống y tế Mỹ. Bên cạnh đó, cũng không có hành động tập trung nào hỗ trợ điều phối số lượng bệnh nhân khi các bệnh viện bị quá tải. Bác sĩ của Daniel Wilkinson đã phải tự gọi điện cho các nơi để tìm kiếm giường bệnh cho bệnh nhân và nhiều lãnh đạo các bệnh viện địa phương trên khắp nước Mỹ cũng trong tình cảnh tương tự khi phải khẩn thiết đề nghị các cơ sở y tế cách đó hàng trăm km tiếp nhận bệnh nhân của họ.
Canada và Anh đều những nước có số giường bệnh trên đầu người ít hơn so với Mỹ và họ từng tiến gần đến giới hạn trong những làn sóng tồi tệ nhất của dịch bệnh. Cơ quan Y tế Quốc gia Anh đã buộc phải chuyển các bệnh nhân ICU sang những khu vực ít đông đúc hơn khi số ca mắc gia tăng vào mùa thu và mùa đông năm ngoái. Tại Ontario, Canada, hơn 2.500 bệnh nhân đã được chuyển tới các thành phố khác để được điều trị. Thậm chí ở Pháp, nơi có số giường bệnh trên đầu người nhiều hơn Mỹ, hơn 100 bệnh nhân cũng được chuyển đi khi số giường bệnh tại Paris ở mức thấp.
Sự hợp tác và điều phối giữa các bệnh viện ở những quốc gia trên khiến họ không phải trải qua tình cảnh tồi tệ như nhiều khu vực ở Mỹ hiện nay. Những quốc gia này dường như tránh được những ca tử vong không cần thiết bởi họ có hệ thống điều phối y tế. Ở Anh, các bệnh viện hiện có thể điều trị cho những trường hợp khẩn cấp nhiều hơn so với mức trung bình trước đại dịch.
"Các bệnh viện phải căng mình một cách khó tin nhưng luôn có thể cung cấp sự điều trị khẩn cấp. Mọi người không bị từ chối nếu họ cần giường bệnh", Nick Scriven, một bác sĩ ở Anh cho biết.
Kiều Anh/VOV