“Khuôn hoa e lệ trong khuôn nón
Say mắt chàng trai tiếc gửi tình”…
Biết rằng hai câu ấy trong bài “Chiếc nón quai Thao” nhưng đọc lên hợp tình hợp cảnh khiến cho hai má cô Thúy ửng hồng lên và ai nấy đều xoay người nhìn ngắm. Sau bữa ăn hôm ấy, tôi nghĩ mình sẽ viết một bài về nón lá vì một liên tưởng thương thiết vừa hiện lên khiến trái tim tôi trĩu nặng. Và cũng bởi hai tiếng “nón lá” tự dưng vang lên trong đầu tôi như hai âm tiết cộng hưởng cất lên từ sự bảo vệ thanh sạch mà cũng vô cùng thương thiết, dân dã. Nhưng rồi thời gian trôi đi, gần ba mươi năm, tôi mới thực hiện được lời tự hứa nhỏ bé đó.
Liên tưởng kéo trĩu trái tim tôi là chuyện cái khung chằm nón của má tôi. Chẳng biết tự bao giờ trên vách ván nhà tôi luôn hiện diện hình ảnh chiếc khung chằm nón lá. Lâu lâu thấy má nhờ dượng Tư gần nhà tôi chuốt 16 nan vành tre tròn trịa, mảnh mai. Tôi hồi nhỏ hay hỏi, thấy gì cũng hỏi: “Sao phải 16 vòng vậy má?”, “Sao các vòng không đều nhau vậy má?”. Má lấy cái khung chằm hình chóp móc trên vách xuống đếm cho tôi xem khung có 16 khấc để đặt 16 khung vành vào. Má sắp xếp công việc đi chặt lá mật cật về phơi, ép phẳng, rồi xây độn vành, chằm, cắt lá, nức vành, cắt chỉ... Riêng khâu chằm nón, má tôi ngồi hàng đêm bên ngọn đèn dầu. Có những đêm, má đang xuyên cước (chằm) thì nghe tiếng súng rộ lên đùng đoàng bên ngoài, má vội vàng rút cho xong đường cước xuyên dở dang, đến mức lập cập kim đâm vào tay. Vừa đưa ngón tay chảy máu lên miệng mút vừa vặn tim đèn nhỏ lại rồi lom khom đi đánh thức con cái cùng chui xuống hầm bao cát. Quê tôi là vùng xôi đậu, nên chuyện đụng độ giữa ta và địch cứ hà rầm hà rì suốt ngày này tháng nọ. Mỗi nhà dân đều có một căn hầm bảo vệ ở giữa nhà. Tiếng súng yên. Nhìn qua khe vách, ngoài trời, ánh hỏa châu cũng đã tắt phụt. Tối đen. Yên ắng. Chưa có cái yên ắng nào hồi hộp mà cũng quý giá như những phút giây sau cuộc đụng trận giữa hai phe. Anh em tôi lại lục đục trở về giường ngủ tiếp, má lại vặn tim đèn cho sáng hơn chút rồi tiếp tục miệt mài, cần mẫn với những đường xuyên cước đến thâu đêm bên ánh sáng vàng vọt của ngọn đèn hột vịt. Từ nhỏ tôi đã hay dòm ngó mọi thứ kỹ càng nên biết rõ lá chằm nón của má lúc khô có màu hơi trắng ngả sang xanh, má thường phơi lá vào sương đêm, dùng lưỡi cuốc cũ đặt trên bếp than lửa nóng đỏ, hơ nóng cục vải rồi miết lá thẳng ra. Lá đẹp để qua một bên để xây lá phần ngoài, khoảng hai lăm hai sáu chiếc lá thì xây được một chiếc nón, má nói vậy. Khi lấy nón ra khỏi khung chằm chưa phải là xong, má tôi còn kết nhiều vòng chỉ màu giữa hai nan ba và tư để buộc chiếc quai vải nhung mà má đã may sẵn trước đó. Hình ảnh má trong những ngày gió bấc với đôi gánh trên vai, chiếc nón lá bị gió thổi bạt, quai nón bám xiết vào cổ luôn in đậm trong ký ức tôi.
Ngày nay, đời sống khác đi nhiều, hai tiếng “nón lá” thỉnh thoảng mới ngân lên trong đầu tôi bởi xung quanh đập vào mắt tôi bao nhiêu thứ nón tân thời: Beret, snapback, bucket, fedora, floppy hat (mũ rộng vành), nón len, nón cao bồi… Dường như nón lá chỉ còn thấy trong các cuộc biểu diễn hay tổ chức sự kiện gì đó mà chiếc nón lá trở thành biểu tượng. Có dịp đi tới những vùng đất xa xôi miền duyên hải hoặc miệt vườn ruộng thì mới gặp lại hình ảnh chiếc nón lá thương thiết ngày nào. Dù vậy, thỉnh thoảng tôi cứ lẩm nhẩm mấy câu thơ của ai đó mà tôi đã quên mất tên:
“Tôi chưa về con sông quê em
Ngắm em chằm nón buổi đầu tiên
Bàn tay xây lá, tay xuyên chỉ
Mười sáu vành, mười sáu trăng lên”
Cũng có những đoạn thơ dễ thương tôi nhớ cả tên tác giả, chẳng hạn mấy câu của nhà thơ Bích Lan:
“Tà áo dài trong trắng nhẹ nhàng bay
Nón bài thơ e lệ nép trong tay”
Hay của Thu Nhất Phương:
“Nếu nghiêng nón có nghĩa là từ khước
Thì mười ngón tay em sao bỗng quấn quýt đan nhau
Nửa vầng má em bỗng thắm sắc hồng đào
Đôi chân bước anh nghe chừng sai nhịp”.
Là đọc đi đọc lại như một cách lưu lâu hơn trong tâm trí hình ảnh chiếc nón lá thương yêu gắn bó, đã trở thành một phần ký ức khó phai.