Theo đánh giá của ngành chức năng, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là một trong các hành vi vi phạm diễn ra phổ biến nhất trong hoạt động kinh doanh thương mại. Thực tế, việc tiêu thụ hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng, nhất là mặt hàng thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm… Thực trạng hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng chuyên nghiệp, tinh vi và luôn thay đổi.
Với quyết tâm xử lý các hành vi vi phạm liên quan từ ngày 1/9 đến ngày 20/11, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận đã tổ chức Kế hoạch kiểm tra chuyên đề về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ năm 2024. Trong khoảng thời gian này, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra đối với 20 cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Trong đó tập trung kiểm tra vào các nội dung như: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; hóa đơn, chứng từ liên quan đến hàng hóa; nhãn hàng hóa; việc niêm yết giá hàng hóa và bán theo giá niêm yết; việc chấp hành các quy định về sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, với sự phát triển của các nền tảng thương mại điện tử, lực lượng quản lý thị trường đã tập trung vào kiểm tra loại hình kinh doanh này.
Cục Quản lý thị trường tỉnh đã yêu cầu các đội nghiệp vụ thực hiện việc thu thập, thẩm tra, xác minh, giám sát, phát hiện các địa điểm bày bán công khai hàng hóa vi phạm, các khu vực, có nguy cơ cao về sản xuất, buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ tại các địa bàn đã được phân công. Sau thời gian ngắn triển khai thực hiện, bên cạnh hoạt động giám sát, lực lượng quản lý thị trường tỉnh đã kết hợp với công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật tới các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã được kiểm tra xử lý trong thời gian qua. Thông qua các hoạt động giám sát, xác minh và kiểm tra, xử lý vi phạm để ngăn chặn tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Trong thời gian triển khai kế hoạch, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện 12 vụ vi phạm. Trong đó các hành vi vi phạm chủ yếu như: hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; hành vi công bố không đầy đủ trên website thương mại điện tử bán hàng thông tin về chủ sở hữu website và hành vi không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng đến người tiêu dùng. Lực lượng chức năng đã ra quyết định xử phạt thu nộp ngân sách nhà nước số tiền 113,5 triệu đồng. Tịch thu 370 cái ốp lưng điện thoại di động, 265 cái thảm taplo các loại, 168 sản phẩm quần áo các loại, 160 bộ bản lề cửa, 96 kg đường cát trắng, 80 cái mắt kính gọng nhựa các loại, 41 bộ ổ khóa, 30 cái gọng kính mắt các loại... Tổng trị giá hàng hóa vi phạm bị tịch thu là 189,4 triệu đồng.
Trong thời gian tới, nhất là dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, lực lượng quản lý thị trường sẽ triển khai các biện pháp, chủ động nắm chắc diễn biến tình hình thị trường, tăng cường công tác quản lý địa bàn, phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng trên địa bàn, tập trung kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các lĩnh vực và mặt hàng trọng điểm, các địa bàn, tuyến trọng điểm xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau tết năm 2025.