Nên hạ độ tuổi phù hợp để hưởng trợ cấp hưu trí xã hội
Đây là một nội dung mới được đưa vào dự thảo Luật lần này nhằm thể chế hóa quan điểm về hệ thống Bảo hiểm xã hội (BHXH ) đa tầng theo định hướng tại Nghị quyết số 28-NQ/TW. Thể hiện rõ hơn sự kết nối giữa tầng trợ cấp hưu trí xã hội, BHXH cơ bản, bảo hiểm hưu trí bổ sung, hướng tới bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động trong các giai đoạn của cuộc đời khi còn trẻ đến khi về già, hết tuổi lao động.
Tuy nhiên, quy định về đối tượng và điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (Điều 20), đó là về tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Tại điểm a khoản 1 Điều 20 dự thảo (quy định đủ 75 tuổi trở lên), độ tuổi này là quá cao so với tuổi thọ trung bình của dân số cả nước ta hiện nay. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong năm 2023, tuổi thọ trung bình của dân số nước ta là 73,7 tuổi (năm 2022 là 73,6 tuổi). Do đó, nên tính toán để hạ độ tuổi này xuống phù hợp với thực trạng tuổi thọ trung bình của dân số nước ta hiện nay, để chính sách này thực sự mang lại ý nghĩa trong thực tiễn.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị sửa đổi điểm b khoản 1 theo hướng bổ sung thêm các điều kiện như không có các khoản thu nhập ổn định khác, vì thực tế hiện nay, có những người thỏa mãn cả 2 điều kiện tại điểm b khoản 1 dự thảo, nhưng lại có thu nhập rất cao từ các nguồn khác như: nguồn hỗ trợ của con cái hoặc các nguồn thu nhập hợp pháp khác, nhưng vẫn thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Mặc dù, tại điểm g khoản 2 Điều 9 quy định người thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội có quyền từ chối hưởng bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, quy định này không thu hẹp được đối tượng được hưởng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 20. Vì vậy kiến nghị hạ điều kiện về độ tuổi (tại điểm a khoản 1) xuống bằng hoặc thấp hơn tuổi thọ trung bình của nước ta hiện nay, đồng thời bổ sung thêm điều kiện không có nguồn thu nhập ổn định khác để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Quan tâm đến trường hợp thừa năm đóng bảo hiểm nhưng chưa đủ tuổi hưu
Ở một góc nhìn khác về điều kiện hưởng BHXH một lần (Điều 74 và Điều 107), nội dung này liên quan trực tiếp đến quyền lợi của nhiều người lao động trong độ tuổi và khi hết tuổi lao động. Đại biểu Nguyễn Hữu Thông thống nhất với phương án tích hợp phương án 2 vào nhóm 2 của phương án 1. Theo đó, đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ sau ngày 1/7/2025 thì vẫn cho phép người lao động hưởng BHXH một lần theo lộ trình giảm dần (mỗi năm giảm dần 20%) và chấm dứt vào năm 2030. Đồng thời, bổ sung thêm điều khoản quy định theo hướng có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích người lao động không rút bảo hiểm xã hội một lần. Khi thực hiện phương án này sẽ có nhiều ưu điểm, đó là giảm tình trạng gia tăng đột biến số người đề nghị hưởng BHXH một lần trước khi Luật này có hiệu lực thi hành do tâm lý không được hưởng BHXH một lần sau khi Luật có hiệu lực thi hành từ 1/7/2025. Không có sự so sánh giữa những người lao động tham gia trước và sau khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực. Đặc biệt, nếu bổ sung thêm vào nội dung này điều khoản quy định về cơ chế hỗ trợ, khuyến khích người lao động không rút bảo hiểm xã hội một lần thì sẽ tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của người lao động.
Về trợ cấp một lần khi nghỉ hưu kiến nghị nên biên tập lại Điều 72 theo hướng tách thành hai trường hợp để người lao động có thể lựa chọn, cụ thể: Trường hợp người có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn 35 năm đối với lao động nam, 30 năm đối với lao động nữ thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần, mức hưởng trợ cấp một lần cho mỗi năm đóng cao hơn được tính như quy định tại khoản 2 dự thảo. Trường hợp người có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn 35 năm đối với lao động nam, 30 năm đối với lao động nữ nhưng chưa đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định thì người lao động có thể được hoán đổi số năm đóng bảo hiểm cao hơn cho việc giảm tuổi để nghỉ hưu theo quy định (nếu người lao động không chọn việc tiếp tục ở lại làm việc để hưởng trợ cấp một lần khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định).
Dẫn chứng cho các kiến nghị trên với Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Hữu Thông nêu: “Thực tế hiện nay, nhất là lao động trong các doanh nghiệp, nhiều trường hợp người lao động đi làm việc sau khi hết học lớp 9, hoặc một số trường hợp lao động trong một số trường hợp đặc thù liên quan đến nghệ thuật, năng khiếu… nên thừa số năm đóng BHXH, nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu, đặc biệt từ khi Bộ luật Lao động 2019 tăng tuổi nghỉ hưu lên. Do đó nếu bổ sung điều khoản quy định cho phép người lao động được phép hoán đổi số năm đóng bảo hiểm xã hội vượt với số tuổi để nghỉ hưu thì sẽ tạo thêm được nhiều sự lựa chọn cho người lao động. Đồng thời, thu hút được người tham gia đóng bảo hiểm từ sớm, thậm chí có thể kéo giảm tỷ lệ người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần như hiện nay”...