Ảnh: Đ.H. |
Mặc dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhất là dịch Covid – 19 đang diễn biến phức tạp, tác động đến sự phát triển của tỉnh. Nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và nhân dân tỉnh nhà, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm có chuyển biến tích cực, đạt kết quả khá toàn diện, cao hơn so với cùng kỳ năm 2020. Nổi bật, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2021 tăng 7,53% so cùng kỳ năm trước (kế hoạch năm 2021 tăng 7,45%), trong đó: nhóm ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 8,21%; công nghiệp - xây dựng tăng 9,53% (bao gồm: công nghiệp tăng 9,46%, xây dựng tăng 9,99%); dịch vụ tăng 5,72%... Tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện 7.397 tỷ đồng, đạt 88,9% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 43% so cùng kỳ năm 2020. Trong đó, đáng lưu ý thu nội địa 6 tháng đầu năm đạt gần 5.770 tỷ đồng, đạt 95,8% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 50% so cùng kỳ năm 2020… Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong 6 tháng đầu năm vẫn còn những hạn chế khó khăn, nhất là do ảnh hưởng của dịch bệnh nên doanh thu ngành du lịch giảm mạnh, ảnh hưởng đến thu ngân sách của tỉnh.
Tại phiên làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021. Theo đó, hầu hết đại biểu đều nhất trí với báo cáo của UBND tỉnh và ghi nhận các kết quả đạt được trong thời gian qua cũng như những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần tập trung thực hiện đến cuối năm 2021. Đóng góp ý kiến tại buổi thảo luận, đại biểu Đỗ Văn Chung – Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cho rằng: Trong những năm gần đây tiến độ giải ngân các công trình dự án của tỉnh chậm so với kế hoạch đề ra, nhất là các công trình trọng điểm, các công trình có vốn đầu tư lớn. Do đó, UBND tỉnh cần chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và các chủ đầu tư khẩn trương hoàn tất các thủ tục, tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh triển khai các dự án mới cũng như tiến độ giải ngân theo kế hoạch đầu tư công đã được HĐND tỉnh thông qua. Ngoài ra, chủ động thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế gắn với phòng chống dịch Covid-19; chủ động phòng tránh thiên tai và dịch bệnh trong nông nghiệp do điều kiện thời tiết, khí hậu còn nhiều diễn biến, phức tạp, bất thường…
Liên quan đến việc hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid - 19, đại biểu Lê Nghiễm Vi – Phó Trưởng ban Văn hóa – Xã hội đề nghị: UBND tỉnh sớm ban hành chính sách hỗ trợ đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác theo quy định tại Nghị quyết số 68/2021 của Chính phủ. Các đối tượng bị giảm hoặc mất thu nhập do tác động tiêu cực của đại dịch đều cần được hỗ trợ nhằm đảm bảo đời sống, giảm thiểu khó khăn cho người lao động. Chỉ đạo các ngành, các cấp tổ chức thực hiện hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng chính sách, công khai, minh bạch; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, không để lợi dụng, trục lợi chính sách. Đồng thời, quan tâm hỗ trợ kịp thời người có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế, người ở khu vực cách ly, phong tỏa, phát huy tinh thần tương thân tương ái của người dân lúc khó khăn.
Đại biểu Trần Văn Toản phát biểu tại buổi thảo luận. |
Trước tình hình dịch bệnh hiện nay còn diễn biến phức tạp, đại biểu Lê Thị Hải Duyên (Tổ đại biểu đơn vị Phan Thiết – Phú Quý) cho rằng: Nhiệm vụ đầu tiên, trước mắt đó là cần tập trung kiểm soát tốt dịch Covid-19. Nhất là kiểm soát được nguồn lây nhiễm, tập trung khoanh vùng; đối với những vùng có nguy cơ cao, có ca nhiễm thì cần thực hiện việc xét nghiệm, sàng lọc nhanh chóng, hiệu quả, bóc tách kịp thời F0, xác định F1, cách ly, phong tỏa ngay và phải thực hiện nghiêm, quyết liệt, nếu không kết quả mà chúng ta đã làm được lâu nay đổ sông, đổ biển; những vùng an toàn thì cho hoạt động bình thường nhưng phải khai báo y tế đối với những người từ ngoài vào. Triển khai tiêm vắc xin ngừa Covid-19 trên diện rộng nhằm khống chế dịch bệnh. Để thực hiện được việc này, đề nghị lãnh đạo tỉnh kiến nghị với Trung ương phân bổ thêm vắc xin để đảm bảo cho việc tiêm ngừa trong thời gian đến.
Liên quan đến vấn đề an ninh trật tự, phòng chống tội phạm, đại biểu Trần Văn Toản (Tổ đại biểu huyện Tánh Linh) nêu: Trong 6 tháng đầu năm, tình hình an ninh chính trị của tỉnh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, đặc biệt bảo vệ thành công tuyệt đối cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; tội phạm hình sự giảm sâu, không để xảy ra điểm nóng, gây rối trật tự… Song bên cạnh đó, tội phạm chống người thi hành công vụ tăng, tội phạm về cho vay nặng lãi, ma túy, tội phạm vi phạm quản lý về đất đai gia tăng… Do vậy, Công an tỉnh thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Bộ Công an về công tác phòng chống dịch hiện nay. Tiếp tục tham mưu, các giải pháp, biện pháp phòng chống dịch tại địa phương phục vụ đắc lực cho thực hiện nhiệm vụ “kép” vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, lực lượng công an còn thực hiện đảm bảo ổn định xã hội và trật tự xã hội trong tình hình hiện nay. Theo đó, tập trung thực hiện không để xảy ra tình trạng tập trung biểu tình gây rối xã hội trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay; tập trung trấn áp đấu tranh chống tội phạm hình sự, vi phạm pháp luật; phòng chống cháy nổ, quyết tâm kéo giảm tai nạn giao thông…
Ngoài ra, tại phiên họp một số đại biểu đề nghị cần tiếp tục quan tâm triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh, chỉ đạo thực hiện các phương án hợp lý, chủ động; quan tâm giải quyết việc làm cho người lao động, đẩy mạnh hoạt động du lịch – vận tải sau khi dịch bệnh được khống chế…
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hoài Anh trân trọng ghi nhận các ý kiến phát biểu của đại biểu, đề nghị UBND tỉnh, các cơ quan có liên quan nghiên cứu tiếp thu để xem xét, chỉ đạo, giải quyết trong thời gian tới.
Trong chiều 17/8 và ngày 18/8, HĐND tỉnh thảo luận, quyết nghị thông qua các nghị quyết quan trọng trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thanh thỦy