Theo dõi trên

Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống ngành Thủy sản (1/4/1959 - 1/4/2019)

01/04/2019, 08:50

BT- LTS: Cách đây 60 năm, ngày 1/4/1959, Bác Hồ về thăm các làng cá trên các đảo Cô Tô, Tuần Châu (tỉnh Quảng Ninh) và Cát Bà (TP. Hải Phòng). Tại đây, Bác đã ân cần thăm hỏi cuộc sống, sản xuất hàng ngày của bà con ngư dân và Người đã căn dặn "Biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ". Lời dạy của Người đã thành tuyên ngôn được khắc ghi trên lá cờ truyền thống của Ngành Thủy sản 60 năm qua.

Vươn ra biển rộng

Từ chuyện đánh bắt xa bờ

Chạy lòng vòng qua cái chợ nhỏ là rẽ ngay ra bờ sông ngay ụ Ba Thám ven dòng sông Dinh. Nước cạn nên khá nhiều tàu thuyền đang nằm bờ. Cái nắng cuối tháng 3 cứ hun hút, khô khốc, cộng thêm tàu thuyền san sát, nước cạn trơ ra cả đụn cát không có một chút gió. Đâu đó vang lên tiếng hát từ loa kẹo kéo ở quán cà phê trên bờ, anh bạn đi cùng cười bảo: “Dân biển mà không đi biển, sáng cà phê hát hò, có khi nhậu lai rai cả ngày”. Lội xuống hằn mé sông thấy ngay một dãy thuyền công suất lớn, nổi lên nhất là chiếc thuyền to có dàn bóng đèn ngay trên khoang tàu được giới thiệu của ông Nguyễn Tấn Nguyên, khu phố 7, phường Bình Tân, thị xã La Gi. Sau vài tiếng gọi đã thấy ông chủ chiếc tàu đu xuống và đến gần chỗ chúng tôi đứng. Ông Nguyên năm nay đã 63 tuổi nhưng vẫn còn phong độ lắm, với giọng xứ Quảng ông vừa mời chúng tôi vào quán nước gần đó vừa chỉ cho chúng tôi những con tàu của ông. Ông sở hữu đến 3 chiếc trong đó có 1 chiếc 3 nhất như mọi người hay nói “Tàu lớn nhất, đèn nhiều nhất và mành lớn nhất”. Còn nhớ vào khoảng tháng 11/2016 cũng tại đây đã diễn ra lễ hạ thủy chiếc tàu BTh 98289 của ông Nguyên làm xôn xao cả vùng. Đây là con tàu thứ 8 được hạ thủy từ nguồn vốn vay hỗ trợ ngư dân theo Nghị định 67. Con tàu có công suất 823 CV, tổng vốn đầu tư hơn 12 tỷ đồng. Trong đó ông Nguyên được Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT giải ngân cho vay hơn 9 tỷ đồng. Tàu được trang bị máy móc và hệ thống điện cũng như các thiết bị khác rất hiện đại với chiều dài 24 m và khoang chứa lên đến 80 tấn. Đi biển từ năm 16 tuổi nên có nhiều kinh nghiệm về nghề. Ông có vẻ trầm tư khi chia sẻ với chúng tôi về những thăng trầm của mình, nhưng vẫn khẳng định đóng tàu xa bờ là rất hiệu quả. Năm vừa rồi ông đã trả gốc và lãi cho ngân hàng cả tỷ đồng, tính ra mỗi chuyến đi phải nhắm thu cả 200 triệu đồng sau khi trừ chi phí mới tính đến lãi. Trước đây ông làm nghề giã cào, nhưng từ khi có chủ trương chuyển đổi ngành nghề ông đã quyết định đổi sang ngành nghề khác, đảm bảo kinh tế và bảo vệ môi trường đó là nghề mành chụp. Ông Nguyên là 1 trong 3 hộ dân đầu tiên của La Gi làm nghề mành chụp theo Nghị định 67. Ông cười sảng khoái: “3 ngày nữa là tàu đi Trường Sa đánh bắt, mỗi chuyến đi tầm 20 ngày, ra đó nhiều mực xả và cá nục lắm”. Trò chuyện với ông như quên cả thời gian, bởi những câu chuyện của ông về biển giả vui có, buồn có như cuốn hút thật nhiều điều, nhưng vì thời gian không cho phép nên chúng tôi đành tạm biệt hẹn dịp khác. Nắng lên đến đỉnh đầu, chúng tôi chạy xe ra luôn Tuy Phong sau khi ăn vội bữa cơm trưa với Bí thư thị ủy La Gi - Phạm Văn Nam.

                
Tàu đánh bắt xa bờ của ông Nguyên.

Đến Hòa Phú, Tuy Phong cũng tầm gần 2 giờ chiều, nắng vẫn còn gay gắt. Theo giới thiệu của các anh ở Trạm Kiểm ngư Tuy Phong, chúng tôi ra luôn bờ sông nơi có cơ sở đóng tàu thuộc dạng lớn nhất ở đây. Nhìn từng dãy thuyền đậu san sát đưa vào bờ sửa chữa, tiếng gọi nhau í ới, tiếng gõ đục thấy không khí thật sôi động. Mùi biển ở đây khá nồng, cảm giác như không được sạch lắm, quả nhiên nhìn xuống sát bờ sông rác thải ra khá nhiều đủ loại. Anh Đỗ Chí Thanh, chủ cơ sở đóng tàu thuyền ở đây dẫn chúng tôi đi một vòng quanh cơ sở vừa trò chuyện. Chỉ tay vào chiếc tàu đang đóng dang dở anh bảo, đầu năm đến nay anh nhận đóng 4 thuyền có công suất cũng kha khá. Đóng thuyền bây giờ phải thay đổi nhiều để phù hợp với nghề của bà con. Anh vào đây đã 32 năm làm nghề biển rồi kết hợp mở cơ sở đóng tàu, nhưng thường xuyên về lại Bình Định để học hỏi thêm những cái mới, hiện đại hơn trong nghề.  “Giờ phải đóng thuyền vươn khơi xa mới có ăn, chứ gần bờ làm gì còn mà đánh bắt, cạn kiệt rồi. Mùa này thuyền đi mỗi chuyến 12 - 15 ngày về tính ra cũng thoải mái. Thích nhất là trúng cá cơm, mực…”. Ụ thuyền của anh cũng để cho các thuyền khác kéo lên bờ sửa chữa thoải mái vì cơ sở anh thợ cũng không đáp ứng nổi. “Dân ở đây chỉ sợ nhất là thuyền giã cào bay, nếu không còn nạn này thì ngư dân yên tâm hơn khi bám biển…”.

Biển bạc do dân làm chủ

Có dịp đi một vòng những vùng biển của Bình Thuận, gặp gỡ những ngư dân mới thấy nghề cá của Bình Thuận ngày càng phát triển khá nhanh. Người dân đã là chủ biển cả, không chỉ là đánh bắt mà còn ở nhiều lĩnh vực khác. Theo Sở Nông Nghiệp và PTNT: Lực lượng khai thác hải sản Bình Thuận  nằm trong top 3 tỉnh dẫn đầu cả nước, năm 2018 toàn tỉnh có 6.789 tàu cá với tổng công suất 1.121.000 CV, bình quân công suất đạt 165 CV/chiếc. Điều đặc biệt, phần lớn tàu cá đều được trang bị an toàn và ứng dụng trang thiết bị hiện đại, góp phần gia tăng năng lực và hiệu quả khai thác xa bờ. Công tác tổ chức sản xuất trong khai thác thủy sản theo hình thức tổ, đội được quan tâm. Toàn tỉnh kiện toàn và duy trì hoạt động 250 tổ đoàn kết/2.297 thuyền/15.280 lao động, xây dựng 5 nghiệp đoàn khai thác hải sản/68 thuyền/663 thành viên, góp phần giúp ngư dân hỗ trợ nhau trong sản xuất và cứu hộ, cứu nạn trên biển. Đội tàu công suất lớn từ 90 CV trở lên có hơn 3.200 tàu, trong đó có 167 tàu dịch vụ hậu cần xa bờ trở thành đội tàu chủ lực của tỉnh trên vùng biển khơi, có đóng góp quan trọng về sản lượng và giá trị sản phẩm, giải quyết việc làm và tạo thu nhập cho hàng chục ngàn lao động biển. Sản lượng khai thác hải sản năm 2018 đạt 218.000 tấn, gấp 3 lần so năm 1976.

Bên cạnh khai thác hải sản xa bờ, nuôi trồng thủy sản (bao gồm: nuôi nước ngọt, nước lợ và nuôi trên biển) cũng từng bước phát triển dựa trên điều kiện tự nhiên, lợi thế của từng vùng. Nuôi trồng thủy sản của tỉnh đã phát triển theo hướng thâm canh, công nghiệp, đa dạng hóa loài nuôi gắn với bảo vệ môi trường. Toàn tỉnh hiện có khoảng 900 ha diện tích nuôi nước lợ, đối tượng nuôi chủ yếu là tôm sú và tôm thẻ chân trắng; năng suất tôm nuôi bình quân đạt từ 10 - 15 tấn/ha/vụ; nuôi thủy sản nước ngọt chú trọng phát triển đa dạng các giống nuôi kinh tế như: cá tầm, chình, bống tượng, thát lát với diện tích trên 1.800 ha, sản lượng bình quân đạt trên 5.000 tấn/năm; nuôi trên biển tiếp tục duy trì tại huyện Phú Quý và Tuy Phong, tập trung một số đối tượng nuôi có giá trị kinh tế như: cá mú, cá bớp, tôm hùm… sản lượng bình quân khoảng 120 tấn/năm. Đặc biệt, nhờ các yếu tố thuận lợi về tự nhiên như chất lượng nguồn nước tốt, nền nhiệt cao, ổn định, đã tạo nên lợi thế phát triển nghề sản xuất giống tôm và hải sản biển của tỉnh; đến nay có 141 cơ sở sản xuất tôm giống/783 trại/80.600 m3 bể ương, tất cả sản xuất theo quy trình công nghiệp, tập trung phát triển theo hướng đầu tư quy mô lớn, sản lượng bình quân đạt trên 20 tỷ post/năm, tôm giống Bình Thuận là sản phẩm có uy tín, chất lượng cao trên thị trường cả nước. Hầu hết các doanh nghiệp lớn đều có mặt tại Bình Thuận như Công ty cổ phần Thủy sản Việt Úc, Công ty cổ phần Chăn nuôi CP, Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung, Công ty TNHH Thông Thuận, Công ty TNHH Trường Thịnh... đã khẳng định vị thế nghề sản xuất tôm giống của tỉnh trong cả nước và vùng nuôi trọng điểm Nam bộ.

Chế biến thủy sản từng bước phát triển và trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực hàng năm, có đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh; toàn tỉnh, hiện có 366 cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến thủy sản tươi, đông lạnh và 197 cơ sở sản xuất, kinh doanh nước mắm, trong đó có 149 doanh nghiệp, một số doanh nghiệp có quy mô lớn đi đầu trong chế biến thủy sản như: Công ty TNHH Hải Nam, Công ty Thaimex, Công ty HaiWang, Công ty Hải Thuận, Công ty Hải Tiến, Công ty Sơn Tuyền, Công ty Đầm Sen, Công ty cổ phần Nước mắm Phan Thiết, Công ty Thương mại Dịch vụ Thiên Hồng, Công ty Thương mại sản xuất nước mắm Kim Ngư, Công ty TNHH Bích Thanh, Công ty TNHH Mười Tuyền... tổng năng lực sản xuất hàng đông hàng năm khoảng 36.500 tấn, hàng khô khoảng 5.000 tấn, nước mắm khoảng 40 triệu lít; trong đó có 14 doanh nghiệp được cấp Cod xuất khẩu đi các thị trường khó tính, góp phần đưa sản phẩm thủy sản của tỉnh có mặt trên 71 quốc gia… Kết cấu hạ tầng nghề cá được quan tâm đầu tư nổi rõ là các công trình cảng cá, khu tránh bão cho tàu cá tạo dấu ấn lớn thay đổi diện mạo nghề cá của địa phương như: Cảng cá Phan Thiết, khu tránh bão Phú Hài, khu tránh bão Phan Rí, khu tránh bão La Gi, khu tránh bão Phú Quý. Hình thành các khu sản xuất tập trung (chế biến), giống thủy sản như: khu chế biến nước mắm Phú Hài, khu chế biến Nam Cảng cá Phan Thiết, khu sản xuất giống thủy sản tập trung Chí Công... góp phần thu hút đầu tư, phát triển chế biến, nuôi trồng thủy sản của tỉnh.

Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, với sự nỗ lực, nhiệt tình, tâm huyết của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, của bà con ngư dân trong suốt chặng đường hơn 40 năm qua, Ngành Thủy sản Bình Thuận đã không ngừng phát triển, quy mô sản xuất gia tăng không ngừng cả về khai thác, nuôi trồng, chế biến, giữ vai trò ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp lớn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo lập được vị thế và dấu ấn là một trong những địa phương đi đầu trong Ngành Thủy sản của cả nước. 

    
    Thực hiện   tái cơ cấu ngành thủy sản, trọng tâm là tái cơ cấu khai thác hải sản;   đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ; tổ chức lại sản xuất; triển khai   Luật Thủy sản năm 2017. Hiện đại hóa công tác quản lý, giám sát hoạt   động nghề cá; củng cố và phát triển các hình thức liên kết sản xuất theo   chuỗi giá trị; triển khai thực hiện tốt các chính sách bảo vệ nguồn lợi   thủy sản, chính sách hỗ trợ ngư dân. Tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng   và dịch vụ hậu cần nghề cá; phát huy lợi thế, đẩy mạnh thu hút đầu tư   sản xuất tôm giống ứng dụng công nghệ cao gắn với giữ vững uy tín chất   lượng tôm giống Bình Thuận; đẩy mạnh chế biến và xuất khẩu thủy sản.   Tăng cường hệ thống kiểm ngư, khuyến ngư, kiện toàn hệ thống tổ chức   quản lý cảng cá; góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh   tế - xã hội của địa phương, xây dựng ngành thủy sản Bình Thuận phát   triển vững mạnh.

Thu Thủy



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống ngành Thủy sản (1/4/1959 - 1/4/2019)