Lực lượng An ninh Bình Thuận phát triển trong các cuộc kháng chiến
Bình Thuận là một trong những trọng điểm thực hiện chính sách "Tố cộng" tàn bạo của kẻ thù nhằm loại bỏ những người yêu nước, gắn bó với cách mạng. Qua 3 đợt thực hiện chính sách "tố cộng", "diệt cộng" bắt đầu từ tháng 9/1955 đến năm 1959 với những hành động khủng bố dã man của địch, lực lượng cách mạng bị tổn thất nặng nề. Hàng trăm cán bộ, đảng viên, hàng ngàn cơ sở cách mạng và những người yêu nước bị giết hại, tra tấn tù đày.
Dấn sâu hơn vào con đường tội ác, Ngô Đình Diệm ban hành luật phát xít "10/59", đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật, lê máy chém đi khắp nơi hành quyết những người yêu nước theo kiểu dã man thời trung cổ, đẩy đồng bào ta vào cảnh nước sôi lửa bỏng. Trước tình hình đó, cán bộ an ninh Bình Thuận cũng như cán bộ kháng chiến cũ còn bám lại đã phải nhanh chóng chuyển hướng hoạt động để che mắt kẻ thù, bảo toàn lực lượng cách mạng. Nhiều đồng chí phải thay tên đổi họ, cải trang, chuyển vùng hoặc chuyển phương thức hoạt động, tiếp tục bám trụ nhân dân đấu tranh chống các âm mưu thâm độc của kẻ thù.
Cũng trong thời gian này, lực lượng vũ trang và các đội mũi công tác ở các huyện cũng lần lượt được hình thành. Theo tiếng gọi của Đảng, những cán bộ, chiến sĩ tập kết ra Bắc đã xung phong về lại sát cánh cùng quân dân trong tỉnh tiếp tục chiến đấu để giải phóng quê hương.
Đầu năm 1960, những đoàn cán bộ tình nguyện đầu tiên đã về đến Bình Thuận, trong đó có một số đồng chí là cán bộ công an. Đây là nguồn bổ sung kịp thời cho lực lượng cán bộ tỉnh nhà, góp phần đẩy nhanh sự phát triển của cách mạng. Nóng lòng được góp sức với đồng đội mình, có những đồng chí cán bộ công an tập kết vừa về đã xung phong vào các đội công tác trực tiếp tham gia diệt ác, phá kèm.
Dưới ánh sáng của Nghị quyết XV, phong trào cách mạng miền Nam từng bước phát triển đi lên, mở đầu là phong trào Đồng Khởi dẫn đến sự ra đời của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Với sự lớn mạnh không ngừng của cách mạng, lực lượng an ninh miền Nam được thành lập và định rõ nhiệm vụ là phải ra sức bảo vệ nhân dân, bảo vệ Đảng, bảo vệ các lực lượng cách mạng, bảo vệ căn cứ kháng chiến, đồng thời tấn công tiêu diệt địch, đối tượng chủ yếu là bọn công an, cảnh sát, tình báo gián điệp Mỹ ngụy, đánh sập bộ máy ngụy quyền trước hết là cơ sở, mở rộng vùng làm chủ tiến lên giải phóng miền Nam.
Tháng 10/1968, Ban An ninh Bình Tuy (cũ) được thành lập sau khi Khu ủy khu VI quyết định tách tỉnh và thành lập tỉnh mới cho phù hợp với tình hình kháng chiến thực tế. Lúc này, lực lượng an ninh các huyện, thị xã cũng được thành lập và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng của địa phương.Cơ cấu bộ máy của an ninh Bình Thuận Bình Tuy trong giai đoạn này rất gọn nhẹ nhưng có sức chiến đấu cao, mạng lưới an ninh cơ sở được hình thành rộng khắp tại các thôn, xã, nhiều lực lượng an ninh được xây dựng thêm để đáp ứng yêu cầu luồn sâu đánh địch như trinh sát vũ trang bí mật, giao thông liên lạc bí mật, cơ sở điệp báo bí mật, bố trí nội tuyến vào các mục tiêu đối tượng chủ yếu. Những mặt công tác này đã hình thành một thế trận an ninh rộng khắp, một mạng lưới “thiên la địa võng” khiến kẻ địch phải ngao ngán, khiếp sợ.
Tiếp tục chiến đấu để bảo vệ tổ quốc
Cũng như nhiều địa phương khác, sau giải phóng, nhân dân Bình Thuận bắt tay vào công cuộc khôi phục hậu quả chiến tranh, xây dựng và bảo vệ quê hương.Thời điểm này ở trong nước, bọn phản động co cụm và hoạt động manh động chống phá chính quyền, Fulro phát triển mạnh. Ở bên ngoài, bọn phản động quốc tế ráo riết tiến hành chiến tranh phá hoại nhiều mặt đối với nước ta, hướng đánh chủ yếu là “trong nổi dậy, ngoài đánh vào” đã đặt ra cho lực lượng an ninh nói chung và an ninh Bình Thuận nói riêng những yêu cầu, nhiệm vụ mới hết sức nặng nề. Phát huy truyền thống trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lực lượng an ninh Bình Thuận tiếp tục được kiện toàn tổ chức và tập trung triển khai các biện pháp nghiệp vụ.
Dấu chân trinh sát lực lượng an ninh Bình Thuận đã in khắp những địa bàn trọng điểm từ vùng sâu, vùng xa, trên các tuyến biển để ngăn chặn dòng người ra đi bất hợp pháp, chống biệt kích xâm nhập và tập trung đấu tranh phá vỡ, xử lý và vô hiệu hóa các tổ chức, nhen nhóm phản động, tổ chức Fulro... Với sự tấn công liên tục của lực lượng an ninh và sự yểm trợ của quần chúng nhân dân, nhiều tổ chức phản động có âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng, chống phá chính sách của Đảng và Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, tuyên truyền bôi xấu chế độ, gây rối, gây bạo loạn đã liên tục bị lực lượng an ninh Bình Thuận phá vỡ, xử lý và đưa ra truy tố trước pháp luật. Trên mặt trận chống Fulro, lực lượng an ninh đã áp dụng nhiều biện pháp, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang liên tiếp mở các đợt truy quyét, tấn công kết hợp với đấu tranh chính trị.
Kết quả đã truy bắt, gọi hàng, bóc gỡ cơ sở và giải quyết cơ bản vấn đề Fulro, đặc biệt là đã xóa sổ tiểu đoàn Fulro “Pô sa nư”, đập tan âm mưu thành lập “Mặt trận giải phóng Chăm Pa” của bọn phản động. Bên cạnh đó, lực lượng an ninh đã phát hiện và giải quyết nhiều vụ tổ chức vượt biển trốn ra nước ngoài, ngăn chặn hoạt động của bọn phản động lợi dụng tôn giáo để hoạt động chống phá chính quyền. Năm 1986, Bình Thuận bước vào công cuộc đổi mới trong bối cảnh chung của cả nước với những thời cơ, thuận lợi, thách thức và khó khăn đan xen. Trên lĩnh vực an ninh chính trị, các thế lực thù địch trong và ngoài nước vẫn tăng cường các hoạt động “Diễn biến hòa bình”, tấn công ta toàn diện trên mọi lĩnh vực nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và chế độ XHCN ở Việt Nam.
Trong hoàn cảnh đó, lực lượng an ninh Bình Thuận tiếp tục được điều chỉnh tổ chức, bố trí lực lượng theo hướng chuyên sâu, đổi mới công tác nghiệp vụ theo chỉ đạo chung của Bộ Công an để phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy Công an tỉnh, lực lượng an ninh đã tiến hành đấu tranh, ngăn chặn âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và bọn phản động trong, ngoài nước, không để chúng tập hợp lực lượng tiến hành các hoạt động phá hoại, khủng bố. Đặc biệt, lực lượng an ninh đã tích cực tham mưu triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác bảo vệ nội bộ, ngăn chặn các hoạt động thâm nhập, phá hoại nội bộ, bảo vệ bí mật Nhà nước, tiến hành rà soát làm rõ đầu mối nội gián cũ và những vấn đề có liên quan, tập trung đấu tranh có hiệu quả các hoạt động phá hoại tư tưởng, phối hợp nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa.
Trải qua 75 năm chiến đấu, xây dựng lực lượng và trưởng thành, cùng với lực lượng an ninh nhân dân cả nước, lực lượng An ninh Bình Thuận luôn là lực lượng nòng cốt trên mặt trận bảo vệ an ninh chính trị, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân toàn dân ta thực hiện thắng lợi công cuộc đấu tranh, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Những phần thưởng cao quý
Những thành tích, chiến công vẻ vang của lực lượng An ninh Công an tỉnh Bình Thuận qua các thời kỳ cách mạng đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận. Vinh dự lực lượng Công an tỉnh Bình Thuận có hơn 700 tập thể, cá nhân được Chủ tịch nước tặng Huân chương trong đó có phần thưởng cao quý nhất là Công an tỉnh Bình Thuận được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh (17/8/1985); nhiều cá nhân, đơn vị được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương, Huy chương chống Mỹ cứu Nước các hạng, hàng trăm huân chương, huy chương các loại. Nổi bật là Ban An ninh huyện Hàm Thuận và Ban An ninh huyện Hàm Tân được công nhận danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước; Phòng bảo vệ chính trị được tuyên dương danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, các đơn vị PA16 và PA23 được tặng Huân chương chiến công hạng Nhất. Liệt sỹ Nguyễn Cược - trinh sát an ninh Hòa Đa và liệt sỹ Nguyễn Thanh Găng Trinh sát an ninh huyện Hàm Thuận được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ngoài ra hàng ngàn lượt tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc được tặng danh hiệu Đơn vị Quyết thắng, Đơn vị Tiên tiến; Chiến sỹ thi đua toàn lực lượng, Chiến sỹ thi đua cơ sở và chiến sỹ Tiên tiến đã được trao cho các tập thể và cá nhân lực lượng An ninh Công an Bình Thuận.
Nhiệm vụ phía trước còn hết sức nặng nề, nhất là trong điều kiện bùng nổ công nghệ thông tin ngày nay, việc kẻ xấu lợi dụng mạng Internet tấn công vào các cơ quan trọng yếu của Đảng và Nhà nước, các cơ sở kinh tế quan trọng và hệ thống tài chính, ngân hàng của nước ta… Vì vậy, mỗi cán bộ chiến sỹ Công an Bình Thuận nói chung và lực lượng An ninh Công an tỉnh nói riêng sẽ không ngừng rèn luyện nâng cao nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, tu dưỡng đạo đức, nâng cao năng lực và hiệu quả công tác, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi thực tế. Đồng thời, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, chủ động phòng ngừa, chủ động tấn công; xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc; tăng cường bám sát địa bàn cơ sở, gắn bó máu thịt với nhân dân, dựa vào nhân dân để công tác và chiến đấu. Góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc để mãi mãi xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
QUANG HOÀNG