Theo dõi trên

Kỷ niệm Ngày quốc tế Người cao tuổi (1/10): Để người cao tuổi “sống lâu, sống khỏe”

27/09/2017, 08:55

BT- Thực tế cho thấy tuổi già thường có sức khỏe yếu và hay mắc nhiều bệnh. Vậy làm thế nào để được khỏe mạnh và phòng, chống được các bệnh thường gặp khi về già là điều mong muốn của nhiều người cao tuổi.

                
Người cao tuổi kiểm tra loãng xương.

Bí quyết “sống lâu, sống khỏe”

Tại hội thảo “Chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi” do Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh phối hợp Công ty Vinamilk tổ chức mới đây tại thị xã La Gi. Ai cũng rất ngạc nhiên khi cụ ông Nguyễn Hiếu Nghĩa ở phường Tân Thiện đứng lên giới thiệu năm nay ông đã 91 tuổi. Bởi nhìn vẻ ngoài trông cụ trẻ hơn so tuổi rất nhiều. Tuy đã bước qua tuổi 90 nhưng cụ Nghĩa rất minh mẫn, mắt sáng, tai thính, giọng nói to rõ ràng, những bước chân vững vàng. Để có sức khỏe tốt, cụ Nghĩa đã đọc rất nhiều sách báo, nghiên cứu, tìm tòi nhiều tài liệu về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi để áp dụng cho bản thân. Nhưng bí quyết giúp cụ sống lâu, sống khỏe nhờ thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, thường xuyên tập luyện thể dục. Cụ Nghĩa chia sẻ: “Tôi thực hiện chế độ ăn uống hợp lý, đặc biệt thường xuyên ăn canh bí đỏ, các loại đậu rang, xay nhuyễn làm tinh bột để uống. Những bữa ăn tôi chia nhỏ ăn nhiều lần trong ngày để dễ tiêu hóa và sáng nào tôi cũng tắm nắng, tắm biển. Nhờ vậy tôi thấy rất khỏe, ít bệnh tật và trí óc rất minh mẫn, mắt sáng đọc báo không cần kính”.

Sức khỏe của cụ Nghĩa là niềm mơ ước của nhiều người già, bởi đa phần người cao tuổi hiện nay có sức khỏe yếu và thường xuyên mắc nhiều bệnh. Bà Lương Thị Dự - xã Tân Bình cho biết: “Năm nay tôi 70 tuổi, nhưng sức khỏe ngày càng yếu dần. Vừa rồi, đi khám bác sĩ mới biết bệnh nang thận, gai cột sống, huyết áp thấp. Tôi muốn biết làm thế nào để phòng, chống được các bệnh thường gặp ở người già”.

 Cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Ánh Vân - Trung tâm Dinh dưỡng TP. Hồ Chí Minh cho biết: Những ảnh hưởng xấu của tuổi già tới cơ thể con người như những biểu hiện của việc giảm hệ thống bảo vệ, tổn thương màng tế bào, giảm hoạt động các men và nội tiết tố. Bên cạnh đó, hệ thống thần kinh, hệ tiêu hóa cũng làm việc không còn hiệu quả bởi chứng mau quên, khó tập trung, rối loạn giấc ngủ, không nhạy cảm về đói, no, khát, hệ tiêu hóa giảm sút về tần suất, giảm sức nhai… Nguyên nhân do men tiêu hóa giảm, răng yếu, các cơ quan trong hệ tiêu hóa hoạt động kém hiệu quả, thoái hóa thần kinh, sức đề kháng giảm… Từ những vấn đề trên, người cao tuổi thường bị thiếu hụt dinh dưỡng như thiếu vitamin, khoáng chất, đạm và dễ mắc các bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, đột quỵ, suy dinh dưỡng, loãng xương, bệnh lâu phục hồi.

Bác sĩ Vân khuyên người cao tuổi cần có một chế độ dinh dưỡng đa dạng và hợp lý nhằm tránh mắc bệnh suy dinh dưỡng ở tuổi già sẽ dẫn đến nhiều bệnh khác. Ăn các thực phẩm có lợi cho cơ thể như dầu thực vật, các loại hạt còn vỏ, cá, thịt nạc, các loại đậu và rau tươi. Tránh ăn no và bỏ bữa, đồng thời nên chia thành nhiều bữa một ngày với 3 bữa chính, 1 - 2 bữa phụ, trong đó nên ăn nhẹ. Bên cạnh đó để phòng ngừa loãng xương, người cao tuổi cần cung cấp canxi, vitamin D theo nhu cầu, tập thể dục thường xuyên, giảm nguy cơ té ngã, giữ cân nặng hợp lý, ngưng hút thuốc, giảm rượu bia. Người cao tuổi cũng nên dùng sữa và các chế phẩm từ sữa như yaourt, sữa chua, phômat. Vì sữa giúp người cao tuổi bù năng lượng, tăng dưỡng chất, dễ tiêu hóa, dễ hấp thu…

Thanh Thủy



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỷ niệm Ngày quốc tế Người cao tuổi (1/10): Để người cao tuổi “sống lâu, sống khỏe”