Nhìn lại năm 2024, ngành du lịch Bình Thuận rút ra một số vấn đề khó khăn đã và đang diễn ra, sẽ tiếp tục tạo rào cản trong thời gian tới. Đó là biến động kinh tế chính trị khu vực và quốc tế, diễn biến thiên tai, dịch bệnh, tình hình biến đổi khí hậu… làm suy giảm nhu cầu du lịch chung. Bên cạnh đó là cạnh tranh điểm đến quốc tế ngày càng tăng, do điều kiện hạ tầng, dịch vụ du lịch khó khăn, chi phí tăng, du khách có xu hướng thắt chặt chi tiêu và chọn điểm đến gần, khiến các thị trường nóng như Thái Lan, Trung Quốc tăng chính sách hỗ trợ du khách trong khi năng lực khai thác thị trường và tính liên kết hợp tác của các doanh nghiệp du lịch trong nước còn hạn chế. Cạnh đó là hạ tầng du lịch vẫn còn hạn chế, trách nhiệm đóng góp nguồn lực của phần lớn doanh nghiệp du lịch chưa cao, chất lượng nguồn nhân lực và dịch vụ còn hạn chế. Để giải quyết những vấn đề này cần phải thay đổi rất nhiều, đặc biệt phải rút ra những bài học kinh nghiệm thực tiễn để vận dụng tốt hơn mọi nguồn lực và cơ hội ngay từ đầu năm 2025.
Để đạt được mục tiêu trong năm tới, thu hút du khách trong nước và quốc tế đến với Bình Thuận nhiều hơn nữa cần phải tăng cường liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp, và muốn thu hút khách phải có sản phẩm phù hợp, muốn vậy phải có chính sách thích hợp. Đồng thời có chiến lược xúc tiến du lịch với các tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng cường liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp. Chiến lược phát triển du lịch của tỉnh đến năm 2030 đã xác định những nội dung cụ thể về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh. Đó là, phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại. Phát triển du lịch bền vững và bao trùm trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững, quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc. Du lịch không chỉ là một ngành kinh tế mũi nhọn mà còn góp phần thúc đẩy hợp tác phát triển, giao lưu văn hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng tình hữu nghị và gìn giữ hòa bình. Để tạo đột phá trong phát triển du lịch, cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, địa phương và sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp, người dân. Ngành du lịch Bình Thuận tiếp tục chú trọng đến nguồn nhân lực và nguồn nhân lực chất lượng cao, làm mới sản phẩm du lịch và tham gia các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch tỉnh nhà.
Đặc biệt, hạn chế đến mức thấp nhất các hoạt động khai thác dịch vụ gây xâm hại đến môi trường sinh thái, đa dạng sinh học vốn có. Tổ chức các hoạt động thiết thực, hiệu quả nhằm khuyến khích hình thành lối sống xanh, văn minh như: Trồng cây gây rừng, tôn tạo cảnh quan trong nhà, ngoài phố, chiến dịch tuần lễ xanh, dọn dẹp bãi biển, khu công cộng, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động trong cộng đồng dân cư, thực hiện nếp sống văn hóa, ứng xử văn minh với khách du lịch. Đồng thời cần sự chung tay của các cấp chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người dân địa phương. Bên cạnh các giải pháp trên, các địa phương, các doanh nghiệp phải bắt kịp xu hướng mới trong việc phát triển du lịch xanh và phải quan tâm đầu tư hơn nữa cho sản phẩm du lịch mới một cách bền vững, các điểm đến cần tổ chức tốt dịch vụ, phát triển thêm dịch vụ mới lạ, hấp dẫn, tạo đà phát triển du lịch Bình Thuận trong năm 2025 và những năm tiếp theo.