Học nghề may công nghiệp tại trung tâm. |
Được giới thiệu hoặc tự tìm việc
Ông Nguyễn Bảo Hà – Giám đốc trung tâm cho biết: Từ khi mới sáp nhập và đi vào hoạt động, trung tâm đã tăng cường phối hợp với các ngành, các cấp thực hiện Quyết định 1956 về đào tạo nghề cho LĐNT. Đồng thời, tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề để mở các lớp dạy nghề, tuyên truyền, tư vấn các chính sách về dạy nghề và giới thiệu việc làm. Năm 2016, trung tâm được giao chỉ tiêu đào tạo nghề cho LĐNT là 350 học viên. Căn cứ vào chỉ tiêu đó, trung tâm đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng, các xã, phường, các trường THCS, THPT khảo sát nhu cầu học nghề của học sinh tại địa phương. Từ đó để nắm bắt nhu cầu, tư vấn và tuyển sinh đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu việc làm và nguyện vọng học tập của học sinh. Trong quý I, trung tâm đã tuyển sinh được hơn 407 học viên. Trong đó, mở được 6 lớp tuyển sinh đào tạo nghề cho LĐNT với trên 108 học viên học nghề may công nghiệp, đạt 200% so kế hoạch quý. Ngoài ra, trung tâm còn tổ chức liên kết bậc đại học, cao đẳng, trung cấp để tổ chức đào tạo cho 97 học viên trình độ đại học các ngành luật, kế toán; 211 học viên trình độ trung cấp các ngành sư phạm mầm non, kế toán…
Sau đào tạo, học viên được giới thiệu việc làm và tự tạo việc làm tại cơ sở sản xuất của gia đình, không có tình trạng lao động qua đào tạo bị thất nghiệp phản ánh tại trung tâm. Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho LĐNT đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động của địa phương theo hướng tăng tỷ trọng lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp dịch vụ. Cụ thể, qua đào tạo nghề may công nghiệp đã cung ứng 36 lao động có tay nghề cao vào làm việc tại Công ty cổ phần May Bình Thuận – Nhà Bè. Đối với học viên sau khi được cấp giấy phép lái xe ô tô, phần lớn là lái xe tại nhà, một số được Trung tâm dạy nghề Quyết Thắng giới thiệu lái xe cho các hãng taxi tại Phan Thiết…
Còn đó khó khăn
Theo ông Hà, do năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện công tác sáp nhập nên trung tâm gặp không ít khó khăn. Nhất là máy móc thiết bị dạy nghề đầu tư đã lâu, hiện nay phần lớn đã xuống cấp. Số thiết bị cơ khí mới được cấp để hoạt động dạy nghề không có nhà xưởng để lắp đặt bảo quản đã có dấu hiệu xuống cấp hư hỏng, gây lãng phí chi phí đầu tư. Không chỉ vậy, đội ngũ giáo viên cơ hữu tham gia dạy nghề cho LĐNT so với quy mô đào tạo hiện nay của trung tâm còn rất hạn chế. Hiện trung tâm có 14 giáo viên cơ hữu, trong đó chỉ có 5 giáo viên làm công tác dạy nghề cho LĐNT và 9 giáo viên dạy hướng nghiệp giáo dục thường xuyên. Đối với các nghề có nhu cầu đào tạo như trồng và chăm sóc cây cảnh, quản lý bàn – buồng phòng, thuyền trưởng, máy trưởng nhưng không mời được giáo viên thỉnh giảng do ở xa và không đáp ứng được kinh phí. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến sự chủ động trong đào tạo của trung tâm…
Trong buổi làm việc mới đây với trung tâm, Phó Chủ tịch UBND thị xã Trần Thanh Quế yêu cầu trung tâm rà soát lại toàn bộ tài sản hiện có. Từ đó, lập danh mục đối với những tài sản do trung tâm mua sắm đã quá thời hạn, bị hư hỏng không thể sử dụng và danh mục các tài sản được cấp từ những nguồn kinh phí cấp trên giao. Đồng thời rà soát, phân loại cụ thể từng loại tài sản. Đối với tài sản hư hỏng nặng, không sửa chữa được thì phải nhanh chóng đề xuất xin chủ trương cho thanh lý theo quy định. Cùng với đó, rà soát để có hướng bổ sung các thiết bị còn thiếu, các trang thiết bị cần thiết phục vụ trong công tác đào tạo nghề, đề xuất hướng xử lý và báo cáo cho UBND thị xã.
KIM ANH