Ý thức mình là “cánh chim đầu đàn” trong phong trào phụ nữ của xã, mong muốn các hội viên chung sức, chung lòng cho công tác hội thì trước hết mình phải gương mẫu, nói đi đôi với làm. Không chỉ “thủ lĩnh” trong các hoạt động, đạo đức lối sống, chị Hoài còn dồn sức phát triển kinh tế. Tận dụng quỹ đất và nguồn thực phẩm sẵn có, chị tập trung cho chăn nuôi. Tuy nhiên, khát vọng vươn lên làm giàu của chị ngay từ đầu đã rất khó thực hiện. Nuôi gà thì gà chết, nuôi heo thì heo dịch, bao nhiêu vốn liếng tích cóp được đều đầu tư không thành công. Không chịu đầu hàng trước thời cuộc, chị Hoài quyết định chuyển sang nuôi cá bởi chị đã nhìn thấy tiềm năng của nó.
Nhiều người ở Đức Linh đa số là nuôi cá lồng bè, nhưng nuôi cá chình nước ngọt thì chị là người đầu tiên. Tình cờ gia đình chị đánh bắt được một con cá chình đem về thả nuôi vào lồng bè chung với cá bống tượng mà gia đình đang nuôi ở sông. Sau một năm nuôi, thấy cá chình thích nghi và phát triển nhanh trong môi trường nước ngọt, chị bắt đầu chuyển hướng nuôi cá chình lồng bè. Chị Hoài đã mạnh dạn vay vốn để mua 600 con cá chình giống và đóng 3 lồng bè nuôi trên sông La Ngà, hồ Biển Lạc.
Vạn sự khởi đầu nan, lúc đầu khó khăn cứ ập đến khiến chị bao phen lúng túng. Đó là vào mùa khô, nước cạn làm cá chết nhiều. Nhờ linh động áp dụng phương pháp dùng máy tạo oxy và bơm thêm nước vào hồ nên số lượng cá chết giảm dần.
Theo chị, nuôi cá chình ít tốn công chăm sóc do cá có sức đề kháng tốt, ít dịch bệnh, lại có giá trị thương phẩm cao. Vì vậy, trừ chi phí mỗi năm từ mô hình này chị Hoài thu về hàng trăm triệu đồng. Sau 3 năm nỗ lực không ngừng, ý tưởng “nuôi cá chình lồng bè trên sông” của chị Hoài đã đạt giải nhì hội thi “Ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh” năm 2018, do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức. Ngoài ra, đây còn là 1 trong 3 đề án của tỉnh lọt vào top 20 đề án xuất sắc nhất của Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp cấp trung ương năm 2018.
Ở Bình Thuận, hệ thống sông ngòi khá nhiều, điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn thực phẩm dồi dào và thị trường tiêu thụ khá lớn. Vì vậy, mô hình nuôi cá nước ngọt trên sông, ao hồ của của chị Phạm Thị Thanh Hoài có thể nhân rộng không chỉ ở Đức Linh mà có thể áp dụng ở nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh.
H.Châu