Hàng chục nghìn người dân tại thủ đô Vienna của Áo ngày 20/11 đã xuống đường, biểu tình phản đối ý định áp dụng quy định tiêm vaccine bắt buộc mà chính phủ nước này đang tính đến.
Cảnh sát Áo ước tính, có khoảng 35.000 người dân đã tham gia tuần hành tại thủ đô. Một số vụ bắt giữ đã xảy ra do người biểu tình vi phạm các quy định chống dịch hoặc mang theo những biểu tượng bị cấm.
Người biểu tình bị cảnh sát bắt giữ ở thủ đô Vienna, Áo. Ảnh: Sky News
Cuộc biểu tình diễn ra trong bối cảnh Áo sẽ bắt đầu một lệnh phong tỏa toàn quốc lần thứ ba trong ít nhất 10 ngày, tính từ 22/11 và có kế hoạch áp dụng quy định tiêm vaccine Covid-19 bắt buộc với người dân. Quy định này có thể có hiệu lực từ ngày 1/2/2022.
Mặc dù độ tuổi được yêu cầu tiêm chủng hiện vẫn chưa được xác định, nhưng chính phủ Áo cho biết tất cả những người từ chối tiêm có khả năng bị phạt hành chính, thậm chí có thể chuyển thành án tù nếu không nộp phạt. Việc tiêm phòng bắt buộc không phải là điều chưa từng có tiền lệ ở Áo. Năm 1948, Chính phủ Áo khi đó cũng đã bắt buộc phải tiêm phòng bệnh đậu mùa theo luật.
Hiện Áo đang trải qua giai đoạn dịch bệnh tồi tệ nhất với tỷ lệ mắc Covid-19 vượt 990 ca/100.000 người trong 7 ngày. Trong khi, tỷ lệ tiêm chủng tại Áo là 66% (tiêm đủ 2 mũi), là một trong những tỷ lệ thấp nhất ở châu Âu.
Không chỉ có Áo xảy ra biểu tình, Hà Lan cũng đang phải đương đầu với các cuộc biểu tình, có phần bạo lực. Người biểu tình tại Hà Lan ngày 20/11 đã xuống đường chống lại các quy định phòng, chống dịch được áp đặt trở lại trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 gia tăng. Một vài nhóm người quá khích, ước tính khoảng vài trăm người, đã đốt ô tô, ném pháo hoa và gạch đá vào lực lượng kiểm soát an ninh. Cảnh sát Hà Lan đã phải bắn cảnh cáo, cũng như sử dụng vòi rồng để ngăn chặn các hành động phá hoại.
Theo cảnh sát thành phố Rotterdam của Hà Lan, 51 người biểu tình đã bị bắt, 4 người biểu tình bị thương. Thị trưởng thành phố này cho biết, cuộc biểu tình đã biến thành bạo động; trong khi Bộ Tư pháp nước này nhận định “bạo lực cực đoan” tại Rotterdam là “đáng quan ngại” và “không thể chấp nhận”.
Đình Nam/VOV