Theo dõi trên

Làng biển Tam Tân ngày trước

25/11/2022, 05:55

Tên làng Tam Tân xuất hiện từ trước năm Tự Đức thứ 7 (1854) - sau khi cải đổi huyện Tuy Định thành huyện Tuy Lý thì xã Tam Tân thuộc tổng Đức Thắng, huyện Tuy Lý, phủ Hàm Thuận, tỉnh Bình Thuận. Nay là thôn Tam Tân, thuộc xã Tân Tiến, thị xã La Gi.

Lai lịch một vùng đất

Địa danh Tam Tân chỉ là một làng/xã nhưng trước đó bao gồm vùng đất rộng lớn của 3 làng: Tân Nguyên (Ngươn), Tân Quý, Tân Hoàng thuộc tổng Đức Thắng, huyện Tuy Định, phủ Hàm Thuận, tỉnh Bình Thuận vào thời Minh Mạng thứ 17 - 1836(1). Căn cứ địa bàn 3 làng cũ thì làng Tam Tân bấy giờ bao trùm phần đất hiện nay gồm xã Tân Hải phía bờ nam Sông Phan dọc dài bờ biển đến phường Bình Tân, phía tả ngạn Sông Dinh. Có đến gần 200 năm từ vùng đất 3 làng thưa thớt ban đầu, nằm bên cửa tấn Ma Ly và dịch trạm Thuận Trình, rồi dần dần quy tụ về đây các đợt di dân do biến động thời cuộc, loạn ly ngày càng nhiều mới ra đời xã Tam Tân (ba chữ Tân của 3 làng cũ). Càng rõ hơn, qua hồ sơ xin khẩn đất của linh mục Huỳnh Công Ẩn dưới thời Thành Thái thứ 7 (1895) để lập họ đạo La Gi tức tiền thân giáo xứ Tân Lý hiện nay, thể hiện ở tờ trát ký năm Thành Thái thứ 5, ngày 27/5/1893 cắt đất ấp Liên Trì, xã Tam Tân để lập thôn mới Tân Lý(2).

tam-tan-2-.jpg
Mỏm Đá Chim - ngảnh Tam Tân.

Đất La Gi có sông Ma Ly (sông Phan) lớn thứ hai sau sông Dinh, phát nguồn từ núi Tiên Tỉnh (Núi Ông - Tánh Linh) chảy qua hai thôn Hiệp Nghĩa và Phong Điền rót ra cửa tấn Ma Ly (khu vực bờ ngảnh Tam Tân). Do quá trình bồi lấp sau trận lũ lớn, từ đó cửa sông mở ra ở xóm Ba Đăng, đối xứng với Động Đò có chùa Thần Long. Theo mô tả người bản địa có thể suy đoán sông Ma Ly kéo dài và chảy ra biển, nằm gần mũi đá nhô ra biển gọi là Mỏ Ma Ly (Mỏm Đá Chim -ngảnh Tam Tân). Đoạn sông này còn sót lại dấu vết các đầm nước um tùm cây mắm, xú vẹt ven bờ biển phía lưng xóm dừa Tam Tân. Thuở đầu trung hưng Triều Nguyễn ở cửa biển Ma Ly có đặt đạo trị bên cạnh đó là dịch trạm Thuận Trình nằm giữa trạm Thuận Lý (phía Phan Thiết) và trạm Thuận Phương (Phước Lộc -La Gi) trên cung đường quan lộ ven biển từ Tuy Phong, Phan Thiết đến Mộc Xuyên, Biên Hòa… Mô tả cảnh hiu hắt của đồn binh canh giữ ở đây, sách xưa có ghi: “Phong táp sơn yêu truyền pháo hưởng/ Triều phiên hải giác trợ bề thanh (Chiều gió thổi cuộn ở sườn núi, đưa đẩy tiếng súng được nghe xa/Luồng sóng rầm rộ ở góc biển, giúp cho tiếng thêm vang dội).

Địa danh một vùng đất phản ánh quá trình hình thành cư dân, có lịch sử riêng biệt. Tiền thân của làng Tam Tân là 3 làng xưa nhất trong khu vực sáp nhập lại. Nghiên cứu về yếu tố thiên nhiên thì làng Tâm Tân với cư dân ban đầu quần tụ ở cửa biển sông Ma Ly. Cho nên tại đây có dịch trạm Thuận Trình (thôn Tân Hoàng) và lập đồn binh (cửa tấn Ma Ly), có lính xích hậu canh giữ. Đến khoảng đầu thế kỷ19, phần lớn là dân lưu tán từ các tỉnh phía Nam ra, miền Nam Trung bộ vào, định cư lập nghiệp và chủ yếu sống bằng nghề biển, nhưng về sau thấy đất đai màu mỡ nên phát triển qua nghề nông, nghề rừng. Đặc điểm vùng biển này được che chắn bởi mũi điện Khe Gà và doi đất làng Tân Lý, Tân Long tạo nên vịnh biển êm ả, bãi cát trắng thoai thoải và nhiều loài hải sản tập trung… Tập quán, phong tục của lưu dân luôn mang theo và hòa nhập với cộng đồng trên vùng đất mới đã tạo nên bản sắc đặc trưng văn hóa ở địa phương. Do đó sự nương tựa vào gia tộc, đồng hương hơn bao giờ hết kể cả khi phụ thuộc chế độ đương thời hành chính hóa, cai quản. Chỗ dựa tín ngưỡng, tâm linh của dân làng sớm nhất là vạn chài, dinh vạn thờ thần Nam Hải và tiếp đó là đình làng thờ thần Thành hoàng và mỹ tục thờ Tiền hiền, hậu hiền. Thời xưa dinh vạn lập lên ở cửa biển Ma Ly nhưng bị cơn lũ lớn xóa sạch một phần làng Tân Hoàng nên chuyển về đất nhà làng, cạnh chùa Quảng Hương ngày nay.

Trong thời kỳ chiến tranh chống Pháp, Tam Tân thuộc khu căn cứ địa kháng chiến huyện Hàm Tân. Quân Pháp chỉ lập được các đồn ở chợ La Gi và các làng Tà Mon, Tân Lý, Cù Mi. Ở Tam Tân, Pháp lấy ngôi nhà lầu 1 tầng của ông Ngô Được (Kế Tạo) làm đồn đóng quân. Tháng 4/1946 bị bộ đội Năm Châu và địa phương đánh sập và đến năm 1949 thì Pháp rút hết các đồn về Phan Thiết. Do đó dù là một làng có quá trình hình thành rất xưa nhưng với những thiết chế văn hóa, tín ngưỡng là tài sản thiêng liêng của lưu dân đều bị tàn phá, chỉ còn qua lưu giữ từ trí nhớ, lối sống, phong tục, nghề nghiệp, thờ cúng dân gian…

Địa linh huyền thoại

Hiếm có một vùng đất nào lại có nhiều sự kiện lịch sử và di tích văn hóa như ở làng Tam Tân, mà cụ thể là 3 di tích lịch sử cách mạng, lịch sử văn hóa hiện nay (dốc Ông Bằng, vạn Tân Phú, dinh Thầy Thím).

Ngoài ưu thế là một cửa biển sâu có thể tiếp nhận được thương thuyền, ghe bầu ghé đậu và thu mua sản vật lâm nghiệp, nông nghiệp trong khu vực khá tấp nập. Cho nên Tam Tân là vùng đất tiềm năng, cũng vừa là nơi lưu tán do loạn lạc, do bất mãn với chế độ phong kiến hà khắc ở bản địa quê nhà mà đến đây trú lánh. Trong đó có những người có tinh thần tranh đấu, có khát vọng vì nghĩa lớn.  

Theo mô tả đất xưa Tam Tân ở hữu ngạn con sông Ma - Ly (sông Phan): “Sông Ma Ly ở phía tây nam huyện 55 dặm, có 2 nguồn: 1 nguồn từ núi Tiên Tỉnh chảy xuống đông nam 27 dặm, đến 2 thôn Hiệp Nghĩa và Phong Điền; 1 nguồn từ núi Tà Cú chảy vô nam 19 dặm đến bến Cây Cốc, rồi 2 chi hiệp lại (gọi là sông Đợt) chảy vào nam 21 dặm, rót ra cửa tấn Ma-Ly”(3). Núi Tiên Tỉnh là núi Ông (Tánh Linh), Phong Điền - Hiệp Nghĩa là xã Tân Thuận hiện giờ. Bến Cây Cốc giáp ranh giữa xã Tân Thuận với thị trấn Thuận Nam. Về đặc điểm làng Tam Tân vừa có đoạn sông Ma Ly chảy ngang, cặp theo bờ biển, vừa tựa lưng vào dải động cát trắng nối liền với cánh rừng nguyên sinh có nhiều lâm đặc sản, thảo dược quý hiếm.

Nếu căn cứ lịch sử Di tích dinh Thầy Thím trên đất Tam Tân, đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1997. Trong sự tích đề cập đến Thầy là một đạo sĩ hiền đức, ở làng La Qua, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đã chọn đất Tam Tân để ẩn dật sau khi thoát án “tam ban triều điển” của vua do tội dời đình… Hội Tam Quý do dân làng Tam Tân đứng ra lập dinh thờ, xây mộ Thầy Thím coi như đó là Thần Thành hoàng, cứu nhân độ thế cho người dân địa phương. Tên hội Tam Quý mang ý nghĩa giá trị cao đẹp của 3 làng xưa đối với Thầy Thím…

Đầu năm 2022, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận đưa Lễ hội dinh Thầy Thím vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Với dinh Vạn Tân Phú, qua khảo sát, nghiên cứu của Bảo tàng Bình Thuận giữa năm 2017 và được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận phê duyệt, công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. “Vạn Tân Phú được tạo lập gắn liền với quá trình di dân, khai hoang mở đất và tạo lập làng xã nơi vùng đất mới cực Nam Trung bộ của các bộ phận dân cư vùng Ngũ Quảng vào cuối thế kỷ XIX”(4). Theo nghiên cứu điền dã và quan sát địa hình, dấu tích đoạn sông chảy ra biển ngày xưa cho thấy vị trí dinh vạn (Tân Phú) thờ thần Nam Hải của ngư dân ở cạnh cửa biển Ma Ly. Sau trận bão lũ, một phần làng ở cửa biển bị tan hoang nên dinh vạn dời về khu đất có nhà Hội đồng kỳ mục của làng, tức cạnh chùa Quảng Hương hiện nay.

Đất hào khí và nghĩa tình

Với một nơi tưởng chừng nương uy lực thiên nhiên, đặt để niềm tin vào thế giới tâm linh và cam chịu sự áp đặt hà khắc của nhà cầm quyền thực dân phong kiến, nhưng với phong trào cách mạng trong nước đang chuyển động. Thầy giáo Ngô Đức Tốn, quê Hà Tĩnh, được sinh ra từ một gia đình nho học, giàu truyền thống cách mạng, khi đến Bình Thuận đã sớm liên hệ được nhóm Tân Việt cách mạng Đảng ở Đại Nẫm và Ngô Đức Tốn trở thành Đảng viên Cộng sản. Thầy giáo Tốn vào dạy học ở làng Tam Tân, ngôi trường làng biển hẻo lánh xa nơi đô hội thị thành. Vậy mà khoảng giữa năm 1930 ở đây hình thành tổ chức yêu nước “Hội phản đế đồng minh” do thầy giáo Tốn phát động. Từ nhân tố này tiến tới việc thành lập Chi bộ Đảng tại làng Tam Tân vào khoảng đầu năm 1931, gồm 7 đảng viên và thầy giáo Ngô Đức Tốn làm bí thư. Sau này, Chi bộ Đảng tại Tam Tân được công nhận là Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Bình Thuận.

Đài bia ghi danh 7 đảng viên của Chi bộ Đảng Tam Tân ngày nay sừng sững trên đồi cát cao có tên Dốc Ông Bằng mang biểu tượng chiếc gươm tuốt vỏ vươn trên nền trời xanh với khí thế cách mạng sôi sục… Ngọn lửa “phát tích” chặng đường mới từ một vùng đất hoang sơ nhưng tiềm ẩn sức sống mạnh mẽ và giá trị thiêng liêng sẽ còn lưu giữ đến đời sau.

Phải chăng sứ mệnh lịch sử của vùng đất Tam Tân luôn biểu hiện qua tình cảm đến hành vi đạo đức, nghĩa hiệp của con người trong cộng đồng. Câu chuyện nhà cách mạng Nguyễn Đình Kiên hiệu Hy Cao (còn gọi là Tú Kiên) - vào khoảng năm 1927, cùng 2 bạn tù Cửu Cai, Nguyễn Kim Đài và 2 thường phạm vượt nhà tù đảo Côn Lôn trên một chiếc bè. Qua sáu ngày lênh đênh trên sóng dữ trôi dạt vào bãi biển gần khe Nước Nhỉ, phía bên kia động là xóm Bàu Dòi thuộc làng Tam Tân. Chiếc bè vừa cặp bờ cũng là lúc rệu rã, tan tác và những người vượt tù đã kiệt sức do đói khát. Khi dân làng phát hiện báo Hội tề của làng thì ông Giáo Hoàn (Nguyễn Hữu Hoàn- cha ruột nhà văn Nguiễn Ngu Í) có vợ người làng Tam Tân, đã nhanh chân có mặt, bởi linh tính đó là những người tù “quốc sự phạm”. Thầy nhận ra người đồng hương Hà Tĩnh, đó là ông Tú Kiên hoạt động trong hội Phục Việt, rồi Tân Việt Đảng… Đến khi cải tổ thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn mới gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam (2/1930). Với uy tín một hương sư trong làng, thầy đứng ra bảo lãnh, cho rằng đó là những thương buôn cùng quê bị chìm ghe. Thầy Giáo Hoàn lo liệu cho nhóm tù, cắt đường rừng lên ga Sông Phan thoát nạn. Sự việc bị bại lộ thầy Giáo Hoàn bị án đày lên Lao Bảo… Còn nhà cách mạng Tú Kiên sau này là Bí thư Kỳ bộ Tân Việt Nam kỳ.

Yếu tố cư dân từng chung một hoàn cảnh xã hội nghiệt ngã phải tha phương để rồi hội tụ ở vùng đất mới này đã giúp cho con người sự gắn bó, tương thân và nghĩa hiệp. Nét văn hóa của làng xưa Tam Tân đã thấm đậm qua những câu chuyện lịch sử, huyền thoại mang giá trị nhân văn, tinh thần đấu tranh là truyền thống tốt đẹp lan tỏa trong cộng đồng.

(1): Theo Địa bạ Triều Nguyễn - Bình Thuận (của Nguyễn Đình Đầu - trg 215). (2): Kỷ yếu giáo xứ Tân Lý. (3): Đại Nam nhất thống chí (Q.12). (4): Theo Hồ sơ khoa học Di tích LSVH Vạn Tân Phú (của Bảo tàng Bình Thuận).

PHAN CHÍNH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Phát sóng rộng rãi bộ phim “Việt Nam - Tổ quốc nhìn từ biển”
Từ ngày 01/12 tới, bộ phim tài liệu “Việt Nam-Tổ quốc nhìn từ biển” do Hãng phim Tài liệu và Điện ảnh Nhân Dân sản xuất sẽ chính thức phát sóng rộng rãi trên hầu hết các kênh, đài truyền hình trong cả nước. Bộ phim được công chiếu vào đúng dịp 40 năm ra đời Công ước về Luật Biển của Liên hiệp quốc và 10 năm Luật Biển Việt Nam.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Làng biển Tam Tân ngày trước