Từ hàng rong đến rác thải…
Cũng như bao đô thị khác trên cả nước, sự phát triển không ngừng của TP. Phan Thiết trong những năm qua đã kéo theo một số lượng lớn lao động trong và ngoài tỉnh đến mưu sinh. Đa số các lao động này có hoàn cảnh khó khăn, không được đào tạo nghề nên tìm đến những tuyến phố đông người với nhiều kế sinh nhai: bán hàng rong, dán điện thoại, bán nước giải khát,… Chẳng phải tìm đâu xa, chỉ cần dạo một vòng dọc theo tuyến đường Lê Hồng Phong, ngã tư đường Trần Hưng Đạo – thủ Khoa Huân, Khu vực Đồi Dương – thương Chánh và đường Lê Lợi bất kể ngày hay đêm cũng có thể gặp lỉnh kỉnh xe đẩy, hàng rong.
Tại khu vực vỉa hè dọc tường rào Trường THPT Phan Bội Châu có khá đông quán cóc giải khát, người bán đồ ăn vặt, áo quần, thực phẩm… Nhiều năm nay, đã không ít lần các lực lượng chức năng thành phố ra quân xử lý với đủ mọi biện pháp nhưng rồi chỉ mấy ngày sau là mọi chuyện “đâu lại vào đấy”. Khi được hỏi lý do vì sao lại “cố tình” vi phạm, chị Hoa – có thâm niên gần 5 năm làm nghề bán trái cây dạo trên đường Lê Hồng Phong, quê tận Thanh Hóa tâm sự: “Ở ngoài Bắc không ruộng nương, kinh tế gia đình đã khó khăn nên phải vào đây kiếm sống. Tiền thuê mặt bằng cao, tôi phải đánh liều bán dạo vỉa hè. Bị nhắc nhở, đẩy đuổi nhiều lần cũng cực thân lắm nhưng không còn cách nào khác…”. Bên cạnh việc lấn chiếm vỉa hè buôn bán, tình trạng trộm cắp tài sản, mua bán chèo kéo, “chặt chém” các du khách vẫn còn xảy ra tại các địa bàn có hoạt động du lịch. Khu vực các công viên trên địa bàn thành phố còn xảy ra tình trạng cho thuê mặt bằng để hoạt động kinh doanh trò chơi trẻ em. Trong các khu dân cư tình trạng xả rác thải, nước thải diễn ra khá phổ biến…
Phải vào cuộc quyết liệt hơn
Thời gian qua, các cơ quan chức năng thành phố đã vào cuộc xử lý nhiều trường hợp vi phạm TTĐT. Thế nhưng tình trạng vi phạm TTĐT vẫn diễn ra và dường như nó vẫn chưa có “liều thuốc đủ mạnh” để xử lý tận gốc. TTĐT một số tuyến đường, khu vực công cộng vẫn còn tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè… gây cản trở lưu thông, ảnh hưởng người đi bộ, làm mất mỹ quan đô thị.
Theo UBND Tp. Phan Thiết cho biết: Thực hiện chủ trương lập lại trật tự đô thị gắn với xây dựng nếp sống văn minh đô thị trên địa bàn,thành phố đã chỉ đạo các lực lượng chức năng xác định khu vực, tuyến đường trọng điểm huy động lực lượng, phương tiện thường xuyên giải quyết, xử lý các hành vi: đặt, treo bảng hiệu, xây dựng các công trình, tập kết hàng hóa, mở các dịch vụ kinh doanh, buôn bán, trông giữ phương tiện, đậu, đỗ xe lấn chiếm vỉa hè, lòng đường gây mất mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, TTĐT tại Phan Thiết vẫn chưa giải quyết triệt để, công an một số phường chưa làm tốt công tác tham mưu cho Ban ATGT địa phương để chỉ đạo các lực lượng phối hợp tăng cường tuần tra, kiểm soát giải quyết TTĐT trên địa bàn mình quản lý. Tại các địa bàn phường, xã việc tập trung giải quyết TTĐT vẫn còn khoán trắng cho lực lượng công an thực hiện là chủ yếu. Còn theo một số người dân tại các tuyến đường trọng điểm, khu vực công cộng thường xuyên vi phạm trật tự đô thị cho biết, chỉ thấy mỗi lần phát động, ra quân đảm bảo trật tự, mỹ quan đô thị, cơ quan chức năng thực hiện hoành tráng với đầy đủ các thành phần, lực lượng tham gia, nhưng xong việc, đâu lại vào đấy. Hiếm thấy cán bộ phụ trách văn hóa đi kiểm tra, xử lý tình trạng biển quảng cáo, băng rôn vi phạm trật tự đô thị hay cán bộ hội phụ nữ, thanh niên đến tận các điểm nóng để tuyên truyền về việc đảm bảo trật tự đô thị…
Quản lý trật tự đô thị phải cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính trị cơ quan chức năng, đoàn thể tuyên truyền, vận động thường xuyên người dân ý thức giữ gìn trật tự đô thị chấp hành nghiêm các quy định. Cùng với đó, tổ chức xây dựng các mô hình quản lý cộng đồng, có những giải pháp quản lý hiệu quả hơn. Có như vậy mới góp phần xây dựng hình ảnh đô thị Phan Thiết ngày càng văn minh, sạch đẹp hơn.
Thanh Duyên - Ngọc Lân - Quang Tuấn