Theo dõi trên

Lắp thiết bị giám sát hành trình tàu cá:

05/04/2021, 09:43

Giải pháp quan trọng khắc phục “thẻ vàng” EC

BT- Gần 2 năm nay, Bình Thuận không có thêm tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Đây là nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai những quy định chống khai thác IUU (chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định), trong đó có việc thực hiện lắp thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS). Đây được xem là điểm sáng của Bình Thuận, góp phần chung tay cùng cả nước sớm gỡ “thẻ vàng” EC.

Dẫn đầu cả nước về tỷ lệ lắp đặt VMS

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 1.796/1.925 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên đã thực hiện lắp đặt VMS, đạt 93% và được xem là tỉnh dẫn đầu cả nước về tiến độ lắp đặt VMS. Qua rà soát tại các địa phương, còn 129 tàu cá chưa thực hiện lắp đặt thiết bị VMS, là những trường hợp tàu cá sang nhượng đang làm thủ tục, số còn lại chủ tàu gặp khó khăn về tài chính, làm ăn thua lỗ nên chưa có điều kiện lắp đặt. Mỗi chiếc tàu cá, sau khi lắp đặt thiết bị VMS và bật thiết bị khi hoạt động khai thác, đánh bắt trên biển sẽ được truyền tín hiệu về Trung tâm Dữ liệu giám sát tàu cá tỉnh. Qua đó, giúp lực lượng chức năng phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm đối với các tàu cá cố tình vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản bất hợp pháp.

Theo Tổ trực ban tại Trung tâm Dữ liệu giám sát sát tàu cá tỉnh, từ đầu năm đến nay số tàu mất kết nối trên biển trung bình khoảng 15 đến 20 chiếc/ngày. Qua xác minh của các nhà cung cấp, nguyên nhân mất kết nối chủ yếu do không đóng phí, thiết bị hư hỏng hoặc lỗi kỹ thuật, tín hiệu vệ tinh hoạt động không ổn định… Đối với trường hợp tàu cá bị mất tín hiệu kết nối do nguyên nhân chủ quan của chủ tàu (không đóng phí, vô hiệu hóa thiết bị VMS…) thì có văn bản nhắc nhở buộc chủ tàu cam kết thực hiện mở thiết bị VMS 24/24 theo quy định, nếu tiếp tục vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo Nghị định 42/2019 của Chính phủ. Trường hợp mất kết nối do nguyên nhân thiết bị hư hỏng hoặc lỗi của thiết bị VMS hay tín hiệu vệ tinh không ổn định thì buộc đơn vị cung cấp nhanh chóng khắc phục sự cố.

Ông Huỳnh Quang Huy – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận cho biết: “Việc lắp thiết bị VMS là giải pháp quan trọng để gỡ “thẻ vàng” EC và Việt Nam phải chấm dứt hoàn toàn tàu cá xâm phạm lãnh hải nước ngoài. Theo Luật Thủy sản mới, mức xử phạt rất nghiêm lên đến vài trăm triệu đồng nếu tàu cá không lắp thiết bị VMS, hoặc cố tình không bật thiết bị khi đang hoạt động trên biển. Vì vậy, những tàu cá hoạt động vùng biển xa (được nhận chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 48/2010 của Thủ tướng Chính phủ) phải duy trì chế độ kết nối thiết bị giám sát VMS với Trung tâm Dữ liệu tàu cá của tỉnh 24/24. Tàu cá để xảy ra tình trạng mất kết nối do lỗi chủ quan sẽ không được xem xét hỗ trợ chi phí chuyến biển theo quy định”.

Sẽ hỗ trợ 50% giá trị thiết bị VMS

Những năm gần đây, nghề khai thác thủy sản liên tiếp mất mùa, ngư dân gặp nhiều khó khăn, riêng năm 2020 do ảnh hưởng tình hình dịch Covid-19 cũng gây nhiều bất lợi cho khai thác thủy sản. Bên cạnh đó, để lắp đặt thiết bị VMS ngoài tiền mua thiết bị từ 18 - 25 triệu đồng/máy còn phải trả phí thuê bao hàng tháng từ 340.000 - 385.000 đồng/máy (tùy thuộc loại thiết bị). Do đó, việc hỗ trợ chi phí mua, lắp thiết bị VMS là rất cần thiết, giúp ngư dân vươn khơi bám biển, đồng thời giúp các cơ quan quản lý tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, giám sát, phòng chống khai thác IUU.

Trung tâm Dữ liệu giám sát tàu cá tỉnh. Ảnh: N. Lân

Hiện nay, nhiều địa phương ven biển trong cả nước (7 tỉnh, thành phố) đã ban hành và thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân từ 50 – 100% kinh phí mua thiết bị VMS và hỗ trợ phí thuê bao. Do đó, Thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận đã thống nhất chủ trương xuất chi ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% giá trị thiết bị VMS sau đầu tư, nhưng tối đa không quá 10 triệu đồng cho mỗi thiết bị VMS, với tổng chi phí hỗ trợ toàn tỉnh lên đến 19,5 tỷ đồng. Việc ban hành chủ trương này nhằm thực thi quy định của Luật Thủy sản năm 2017 trên thực tiễn, đảm bảo 100% tàu cá trong tỉnh thuộc đối tượng lắp đặt thiết bị VMS thực hiện đúng quy định pháp luật về thủy sản. Đặc biệt, đây là một trong những tiêu chí đáp ứng các điều kiện gỡ “thẻ vàng” của EC đối với ngành thủy sản Việt Nam. Đồng thời, thúc đẩy thủy sản phát triển theo hướng bền vững, ngư dân yên tâm bám biển, góp phần bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo.

    
      Ông Huỳnh Quang Huy – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận cho   biết thêm: Sớm nhất trong quý II/2021, chính sách hỗ trợ kinh phí mua,   lắp đặt thiết bị giám sát VMS sẽ được thông qua và đảm bảo 100% tàu cá   có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên trong toàn tỉnh sẽ được lắp đặt   thiết bị VMS.

M. Vân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lắp thiết bị giám sát hành trình tàu cá: